Diễn đàn quy tụ sự tham gia của một số Tập đoàn, doanh nghiệp sản xuất hàng dệt may lớn trên thế giới như Puma, Levi Strauss, Li & Fung, Tal Group, Đại diện Hiệp hội Thời trang Hoa Kỳ… Các doanh nghiệp dệt may trong nước như Sợi Thế Kỷ, Phong Phú và đại diện các Khu công nghiệp dệt may tại Việt Nam…
Diễn đàn Dệt May Việt Nam 2015 còn là sự kiện thu hút sự chú ý của các nhà bán lẻ dệt may toàn cầu với sự góp mặt của Tập đoàn bán lẻ Wal-Mart, Target Corp…
Tại đây, các Tập đoàn dệt may Puma, Levi Strauss, Li & Fung...và các chuyên gia kinh tế hàng đầu sẽ cùng chia sẻ về thị trường dệt may quốc tế, thị trường và quy mô ngành dệt may Việt Nam, xu hướng dịch chuyển đầu tư của các nhà sản xuất dệt may thế giới, phương thức liên kết các chuỗi cung ứng quốc tế của các thương hiệu toàn cầu…
Trong khuôn khổ sự kiện, Đoàn doanh nghiệp đến từ các Tập đoàn lớn sẽ được đi khảo sát tại Khu công nghiệp Rạng Đông (Nam Định), chứng kiến tận mắt và đánh giá môi trường đầu tư, cơ sở hạ tầng...được hỗ trợ bởi tỉnh Nam Định, một trong những địa phương đang có sự hỗ trợ hiệu quả nhất cho các doanh nghiệp vào đầu tư dệt may.






Sản xuất hàng xuất khẩu tại Nhà máy Esquel Hòa Bình (Tập đoàn Esquel, Hồng Kông)




Ngành dệt may Việt Nam những năm gần đây đã có sự phát triển mạnh về năng lực sản xuất, trở thành quốc gia xuất khẩu hàng dệt may lớn trên thế giới. Hiện Việt Nam cùng Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Bangladesh là những nước xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới.
Kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2014 của Việt Nam có mức tăng gần 17% và đạt con số 24,5 tỷ USD. Các sản phẩm dệt may của Việt Nam được xuất khẩu sang 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Ngành công nghiệp dệt may hiện là một trong những ngành kinh tế lớn nhất của Việt Nam, với hơn 4.000 doanh nghiệp hoạt động, đã và đang tạo việc làm và thu nhập ổn định cho khoảng 4,5 triệu lao động, trong đó 2,5 triệu lao động trực tiếp và gần 2 triệu lao động gián tiếp, thuộc các ngành công nghiệp phụ trợ, kho bãi, vận chuyển…
Dệt may Việt Nam dự kiến sẽ được hưởng lợi từ một số Hiệp định thương mại tự do (FTA), như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam – EU, FTA Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA)… do thuế giảm mạnh và thúc đẩy thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Ông Lê Tiến Trường, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cho biết, sau nhiều năm hội nhập, đến thời điểm này dệt may Việt Nam đang là đối tượng cạnh tranh, níu kéo chặt chẽ của tất cả các quốc gia sản xuất dệt may trên thế giới. Các doanh nghiệp dệt may trong nước đã tận dụng tốt cơ hội phát triển thị trường, thu hút dòng vốn từ nước ngoài vào làm tăng quy mô của ngành. Đến nay, sau 9 năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thị phần hàng dệt may Việt Nam tại Mỹ không ngừng tăng lên, từ mức 3% hiện đã là 10% (chỉ sau Trung Quốc).
Kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng ấn tượng tại các thị trường lớn trong năm 2014 – với mức tăng trưởng 17% ở châu Âu, 12,5% ở Mỹ, và 9% ở Nhật Bản, 27% ở Hàn Quốc.
Năm 2015, ngành dệt may của Việt Nam đang đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 28,5 tỷ USD. Kết thúc 4 tháng đầu năm 2015, ngành công nghiệp xuất khẩu chủ lực này đạt kết quả xuất khẩu tăng khá với mức tăng 10,2% so với cùng kỳ, đạt 6,55 tỷ USD.
Thế Hải

Theo baodautu.vn