Trạm bơm Huy Khiêm, huyện Tánh Linh, Tỉnh Bình Thuận đủ nước cấp cho hàng nghìn ha lúa và hoa màu nhờ nguồn nước xả được duy trì đều đặn của Nhà máy thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi



Trước thực tế bắt đầu bước vào cao điểm mùa khô, dự kiến phụ tải của hệ thống điện trong tháng 5/2015 có thể đạt tới 463 triệu kWh/ngày, công suất lớn nhất khoảng 24.780 MW, vấn đề đảm bảo cấp điện ổn định cho nền kinh tế đang được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) triển khai quyết liệt.
Theo EVN, công suất khả dụng của hệ thống điện quốc gia hiện nay vào khoảng từ 26.000 - 28.200 MW, bao gồm cả các tổ máy nhiệt điện than đang thí nghiệm, chưa tính mua điện Trung Quốc và các tổ máy nhiệt điện chạy dầu. Như vậy trong tháng 5/2015, hệ thống điện vẫn đáp ứng đủ công suất cho nhu cầu phụ tải và có dự phòng.
Mục tiêu vận hành hệ thống điện trong tháng 5 sẽ tập trung theo hướng khai thác cao các tổ máy nhiệt điện than và tua-bin khí đảm bảo cấp điện miền Nam và giữ mức nước các hồ thủy điện miền Nam.
Trước đó, sản lượng điện trung bình của hệ thống trong tháng 4/2015 đã 448 triệu kWh/ngày, sản lượng cao nhất là 486,456 triệu kWh/ngày (ngày 3/4), công suất cao nhất là 22.709 MW (ngày 21/4).
Tính hết 4 tháng đầu năm, sản lượng điện toàn hệ thống đạt 49,25 tỷ kWh, tăng 11,31% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó lượng điện sản xuất và mua của EVN ước đạt 47,9 tỷ kWh, tăng 11,12% so với cùng kỳ năm 2014.
Trong 4 tháng đầu năm, thủy điện chiếm 32,27% cơ cấu nguồn điện, nhiệt điện than chiếm 33,74%, tua-bin khí chiếm 32,67%, nhiệt điện dầu chiếm 0,14% và nhập khẩu Trung Quốc chiếm 1,17%.
Xu hướng truyền tải trên lưới 500kV trong tháng 4 tiếp tục theo hướng Bắc - Trung truyền vào Nam. Lỹ kế 4 tháng năm 2015, tổng sản lượng truyền tải trên giao diện Bắc - Trung là 3,6 tỷ kWh và Trung - Nam là 3,45 tỷ kWh.
Song song với việc đáp ứng điện ổn định cho nhu cầu của nền kinh tế, hàng loạt nhà máy thủy điện của EVN hiện cũng đang được khai thác theo hướng đảm bảo yêu cầu cấp nước hạ du của các địa phương, nhất là tại các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ đang trong tình trạng khô hạn nghiêm trọng.
Để thực hiện yêu cầu cấp nước cho sinh hoạt và tưới tiêu của các địa phương nói trên, một số nhà máy thủy điện thuộc EVN đã có những thời gian phải rời thị trường điện, vận hành theo yêu cầu được thỏa thuận với địa phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Do tháng 5 cũng là cao điểm nắng nóng, khô hạn, một số địa phương Nam Trung bộ có lượng mưa ít, dù đã bắt đầu mùa mưa nên nhiều nhà máy điện vẫn được yêu cầu duy trì lượng xả cao. Cụ thể Nhà máy Thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi được yêu cầu duy trì lưu lượng xả 35 - 37 m3/s với thời gian xả tối thiểu 12 - 14 giờ/ngày; Nhà máy thủy điện Đa Nhim duy trì lưu lượng xả trung bình ngày là 8 m3/s (từ 01 - 15/5) và 15 - 17 m3/s (từ 16 - 31/5).
Tại Nhà máy thủy điện Đại Ninh lưu lượng xả là 12 - 15 m3/s với thời gian xả tối thiểu 12 giờ/ngày, Nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah duy trì lưu lượng xả 50 m3/s/ngày với thời gian xả tối thiểu 12 - 15 giờ/ngày, bắt đầu từ 7h hàng ngày; Nhà máy thủy điện Trị An duy trì lưu lượng xả trung bình ngày tối thiểu là 80 m3/s; Nhà máy thủy điện Bản Vẽ duy trì lưu lượng xả trung bình ngày là 160 m3/s.
Thanh Hương

Theo baodautu.vn