Đây là nội dung được đưa ra tại hội thảo “Vai trò của Hội đồng Kỹ năng ngành trong việc phát triển kỹ năng theo nhu cầu sử dụng lao động và Xây dựng mô hình hệ thống đảm bảo chất lượng tại các trường nghề và công cụ thực hiện” đang được tổ chức tại Hà Nội từ 7-8/5.
Tại Anh, Hội đồng Kỹ năng ngành là những tổ chức do doanh nghiệp lãnh đạo, giúp thu hút tài năng, phát triển lực lượng lao động và bảo đảm chất lượng lao động luôn được giữ ở mức cao trong các doanh nghiệp thành viên.






Doanh nghiệp là chủ thể trong phát triển nhân lực tại Hội đồng kỹ năng nghề.




Hội đồng Kỹ năng ngành có thể cung cấp giải pháp tổng thể về nhân lực cho doanh nghiệp từ tuyển dụng lao động có kỹ năng mà doanh nghiệp cần cho đến phát triển những chương trình Thực tập hay Học việc (Apprenticeship).
Đơn cử, Hội đồng Kỹ năng ngành Năng lượng (EU Skills) tại Anh đã phát triển hệ thống đăng ký kỹ năng ngành (Skills Register), nơi lưu giữ 163.000 hồ sơ cá nhân và hơn 1,1 triệu hồ sơ tay nghề. Các cá nhân đăng ký trên Skills Register có mã số kỹ năng và trình độ được chứng nhận bởi Hội đồng Kỹ năng ngành.
Dựa vào Hội đồng ngành này, nhà tuyển dụng sẽ dễ dàng hơn khi tìm kiếm nhân lực có tay nghề phù hợp hơn là việc người lao động giới thiệu hồ sơ một cách trực tiếp.
Ông Jonathan Ledger, Giám đốc điều hành tổ chức ProSkills (Kỹ năng chuyên nghiệp) cho biết, thông tin chiến lược về thị trường Lao động (Labour Market Intelligence) là một cách tiếp cận chủ động của Hội đồng Kỹ năng ngành tại Vương quốc Anh.
Theo đó, thông tin về thị trường lao động được thu thập và phân tích để đưa ra những dự báo chính xác về sự thiếu hụt lao động có kỹ năng trong tương lai. Từ dự báo này, các doanh nghiệp sẽ có kế hoạch tuyển dụng và đào tạo, giảm thiểu chi phí chuẩn bị nhân lực.
Trong khi đó, tại Việt Nam, khảo sát đưa ra tại hội thảo cho thấy, các trường nghề được khảo sát chưa có những công cụ hữu hiệu để thực hiện công tác bảo đảm chất lượng, quy trình không đồng bộ, người học chưa được đặt ở vị trí trung tâm, giáo viên gặp khó khăn trong việc cập nhật kỹ năng mới trong các ngành nghề, hay giáo viên được tuyển dụng chưa có kinh nghiệm làm việc trong ngành họ giảng dạy. Đặc biệt, các trường nghề Việt Nam hầu như rất ít sự liên kết với các doanh nghiệp trong đào tạo.
Trái ngược lại tại Anh, các trường đều nhấn mạnh chữ “địa phương” trong công tác đào tạo của mình. Họ tăng cường mối quan hệ với các doanh nghiệp địa phương để giúp các doanh nghiệp đó phát triển và tạo ra công ăn việc làm tại chỗ cho nhân công tại địa phương.
Phát biểu tại hội thảo, bà Cherry Gough, Giám đốc Hội đồng Anh Việt Nam khẳng định, hội thảo về xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng trong đào tạo nghề là cơ hội để các nhà giáo dục Việt Nam và Anh cùng xem xét những cách thức mà Vương quốc Anh đang tiếp cận, những công cụ và hệ thống phát triển và duy trì các tiêu chuẩn chất lượng có thể áp dụng phù hợp cho Việt Nam. Quan trọng hơn, hội thảo sẽ mở ra những cánh cửa cho sự hợp tác tiềm năng giữa các cơ sở đào tạo nghề ở hai quốc gia để cùng thực hiện những ý tưởng chung.
Tham dự hội thảo có đại diện của hơn 100 trường cao đẳng nghề Việt Nam và các doanh nghiệp lớn như Rolls-Royce Việt Nam, Viglacera, Hanel, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam…cùng đại diện Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam cho thấy các doanh nghiệp và nhà trường đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn tới việc làm thế nào để tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng tối đa nhu cầu doanh nghiệp.
Hải Hà

Theo baodautu.vn