Được coi là ngành công nghiệp sáng tạo, công nghiệp thời trang Việt Nam đã có nhiều bước chuyển mình thực sự về cả chất và lượng trong hơn một thập niên qua. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay là các sản phẩm dệt may xuất khẩu Việt Nam vẫn còn có đơn vị nặng về gia công, xuất khẩu dưới các thương hiệu nước ngoài.






Việt Nam hiện là một trong những nước gia công số lượng lớn hàng dệt may cho các nhãn hiệu thời trang nước ngoài.



Trong năm 2014, kim ngạch thương mại của dệt may Việt Nam đạt 24,5 tỷ USD, doanh thu tiêu thụ nội địa khoảng 70.000 tỷ đồng, tuy nhiên, gia công chiếm phần lớn trong tỷ trọng các phương thức xuất khẩu dệt may, mà chủ yếu vẫn là gia công thuần túy. Thế nhưng, theo tính toán, gia công chỉ chiếm 5% chuỗi giá trị dệt may toàn cầu.
Bà Đoàn Bích Ngọc, Giám đốc thương hiệu thời trang Canifa cho rằng, “Việt Nam nổi lên là một nước gia công hàng dệt may rất lớn trên thế giới nhưng chuỗi giá trị của chúng ta trên trường quốc tế lại rất yếu. Thậm chí, các thương hiệu thời trang Việt cũng chưa có tên tuổi”.
Đại diện của một doanh nghiệp may có quy mô lớn trong nước, bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết, doanh thu gần 2.500 tỷ đồng mỗi năm của May 10 bao gồm 80% là cho xuất khẩu và chỉ có 20% là cho nội địa.
“Ngành dệt may thời trang của Việt Nam tại thời điểm này đang đứng thứ 2, thứ 3 chứ không phải là chỉ trong top 5 của thế giới nữa. Thế nhưng thương hiệu thời trang Việt Nam do chính các doanh nghiệp thời trang Việt Nam sản xuất bán tại Việt Nam chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Phải chăng để nuôi 1 thương hiệu, tồn tại và phát triển, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng trên mảnh đất của chúng ta là vô cùng gian nan?”, bà Huyền băn khoăn.
So với các quốc gia láng giềng trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam sở hữu những yếu tố “thiên thời địa lợi” thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp thời trang, đó là kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh vực gia công, lực lượng nhà thiết kế trẻ, ngành thủ công truyền thống lâu đời và bề dày văn hóa.
Tuy nhiên, những chính yếu tố hoàn hảo trên vô hình chung trở thành con dao hai lưỡi kim hãm sự phát triển của ngành công nghiệp thời trang. Hiện nay, tính chất của ngành công nghiệp gia công khiến cho hầu hết những nguyên phụ liệu, nguồn cung của ngành công nghiệp thời trang phụ thuộc vào nước ngoài.
Bà Nguyễn Thanh Giang, CEO thương hiệu thời trang Kana cho hay, nguyên vật liệu trong nước hiện không còn đáp ứng được cho nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp, nhiều nhà may hay xí nghiệp đã phải tìm đến các nguồn cung cấp nguyên vật liệu ở nước ngoài.
Để phát triển ngành công nghiệp thời trang một cách bền vững, các công ty Việt Nam nên hướng đến việc tiếp cận và cạnh tranh trên thị trường quốc tế - nơi hướng đến các loại vật liệu tự nhiên và những thiết kế sáng tạo, thân thiết với môi trường, ông Bianco Levrin Riccardo - chủ hãng thời trang cùng tên đưa ra kế sách cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Bên cạnh đó, khâu thiết kế của thời trang Việt Nam chưa thật sự phát triển và chưa có lượng khách hàng đủ nuôi các nhãn hiệu và các nhà thiết kế. Do đó, các nhà thiết kế phải tự làm hết mọi việc trong tất cả các khâu không chỉ nhằm tiết kiệm chi phí mà còn bởi trong ngành công nghiệp sáng tạo này, vai trò của nhà thiết kế thể hiện từ trong từng sợi tơ, sợi dệt, từ khâu thiết kế vật liệu, nguyên phụ liệu đến gia công sản phẩm thời trang và tồn tại trong suốt quá trình của đời sống sản phẩm, góp phần hình thành phong cách cho chính sản phẩm đó.
Các doanh nghiệp thời trang Việt Nam cho rằng, sự vào cuộc của truyền thông sẽ giúp khích lệ niềm tin của các nhà đầu tư vào sự phát triển của ngành công nghiệp thời trang. Các ấn phẩm thời trang trong nước và quốc tế, các chương trình truyền hình thực tế sẽ trở thành các kênh quảng bá hiệu quả. Đồng thời đó cũng chính là bệ phóng nghề nghiệp của nhiều nhà thiết kế đưa ngành công nghiệp thời trang Việt Nam vươn ra tầm cỡ quốc tế.
Thu Trang

Theo baodautu.vn