Sau khi xem xong Chương trình CEO - Chìa khóa thành công, phần 1 của chủ đề “Nhân sự thời hội nhập - mất đội ngũ cấp cao”, bạn Tony Nguyễn đã bình luận rằng: “Các doanh nghiệp Việt Nam thường mất bò mới lo làm chuồng”.
Cũng tương tự tình huống mà Chương trình đặt ra, đó là sau khi nhân sự cấp cao bỏ đi, mất khách hàng, CEO của một doanh nghiệp công nghệ thông tin mới lo đi “săn” nhân lực thay thế, trong khi cổ đông lại chỉ muốn đào tạo đội ngũ kế cận. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, luôn bị động trong thực hiện chiến lược nhân sự.






Nhiều doanh nghiệp Việt Nam luôn bị động trong thực hiện chiến lược nhân sự





“Ngay cả muốn “săn” người thì cũng đâu phải là săn được ngay. Để làm được điều đó, CEO phải có những bước chuẩn bị thật kỹ càng, nếu không sẽ rất khó”, bạn Lương Chi đã chia sẻ như vậy trên facebook của Chương trình CEO Chìa khóa thành công.
Tất nhiên, một lẽ đương nhiên, giải pháp tức thì, như hiến kế của bạn Hồ Thanh Tịnh, đó là ngay lập tức thông báo tuyển dụng nội bộ; hoặc không thì như bạn Ola Nguyen đề xuất, trước tiên phải giải quyết tình hình hiện tại bằng cách tuyển dụng nhân sự vào vị trí còn khuyết càng sớm càng tốt. Song, điều quan trọng nhất là các giải pháp dài hạn phải thực hiện như thế nào.
“Nguyên tắc của cạnh tranh nằm ở giai đoạn chuẩn bị, thành hay bại của một doanh nghiệp nằm ở giai đoạn này. Việt Nam chuẩn bị gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN, nên việc xây dựng môi trường doanh nghiệp có đội ngũ giỏi, thích nghi với tình hình hội nhập là điều bắt buộc phải làm”, bạn Nguyễn Đức Anh bày tỏ quan điểm và cho rằng, CEO cần xây dựng được một môi trường làm việc mà ở đó tạo được cơ hội thăng tiến, niềm tin của nhân viên. Bên cạnh đó, vừa đào tạo đội ngũ hiện tại cho “đủ tầm”, vừa thanh lọc nhân viên yếu kém, đồng thời xây dựng chính sách giữ người tài...
Trong khi đó, bạn Ngô Bạch Huệ cho rằng, trong nền kinh tế chuyển động, cần phải xây dựng một đội ngũ nhân sự chuyển động. “Hãy biến tất cả mọi người trong một phòng thành những bộ phận trong cơ thể, thành một khối thống nhất không thể tách rời, họ sẽ bị yếu đi khi phải tách ra khỏi bộ phận và người còn lại vẫn có thể nắm bắt toàn bộ công việc từ trước tới giờ. Để tìm một người bổ sung vào phần khuyết đó, đơn giản và ít tốn kém hơn là tìm một người hoàn hảo có thể đảm nhận tất cả mọi việc ở vị trí cấp cao”, bạn Huệ bày tỏ quan điểm.
Rất nhiều “hiến kế” như vậy đã được người xem Chương trình CEO - Chìa khóa thành công bình luận trên trang facebook của Chương trình. Điều này chứng tỏ, đây là vấn đề nóng, là bài toán mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang rất quan tâm.
“Chúng ta đang tiến tới hội nhập ngày càng sâu rộng, phải chấp nhận thực tại là chuyện nhân sự đến và đi là không thể tránh khỏi. Hơn nữa, khi hội nhập, thị trường lao động mở ra rất nhiều, doanh nghiệp nước ngoài có thể lấy nhân sự của mình và mình cũng có thể nhận người của họ. Vì thế, phải luôn đặt ra câu hỏi là nếu ngày mai, nhân viên của mình nghỉ việc thì phải làm thế nào”, ông Võ Tấn Long, Giám đốc Khối công nghệ thông tin VP Bank chia sẻ.
Câu hỏi mà ông Long đặt ra được hiểu rằng, doanh nghiệp luôn phải có một sự chuẩn bị kỹ càng cho chiến lược nhân sự của mình, nhất là trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay. “Hội nhập là không thể tránh khỏi. Nếu không chuẩn bị sẵn sàng, thì khi hội nhập, doanh nghiệp còn mất người hơn nữa. Nhưng kể cả khi mất người, thì hãy có sự chuẩn bị và coi đó là cơ hội để hợp tác với đối tác, thậm chí “mượn” người của họ”, ông Long nói.
Trong khi đó, bà Vũ Thị Lê Lan, Công ty TNHH PricewaterhouseCoopers Việt Nam cho rằng, để hội nhập thành công, doanh nghiệp phải đặc biệt coi trọng đào tạo và phát triển con người. Linh hoạt trong tuyển dụng, thực hiện biện pháp “mượn” người từ đối tác cũng là giải pháp hợp lý.
Bà Vũ Thị Lê Lan và ông Võ Tấn Long chính là hai chuyên gia sẽ cùng CEO Đinh Thị Quỳnh Như, Giám đốc Công ty TNHH MTV An Luật, tiếp tục giải bài toán “Nhân sự thời hội nhập - mất nhân sự cao cấp”.
Sau những tranh luận giữa CEO Đinh Thị Quỳnh Như với đại diện cổ đông tuần trước, thì tuần này, câu chuyện sẽ được đẩy lên cao trào hơn nữa với sự tham gia của hai vị chuyên gia nói trên. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chắc chắn sẽ học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý khi theo dõi Chương trình.

Nhã Nam

Theo baodautu.vn