Cuộc hội thảo 'Doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam: ràng buộc ngân sách, khung khổ quản trị và biến dạng thị trường' diễn ra tại Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) sáng nay (28/5) nóng lên với hai nỗi lo.
Một là, có tới 14 hình thức biến dạng thị trường chủ yếu được phát hiện do tác động từ hoạt động thực tế của khu vực doanh nghiệp nhà nước không tuân thủ đầy đủ nguyên lý thị trường, dẫn tới sai lệch về quan hệ giá cả, phân bổ nguồn lực… trên thị trường. Hai là, những chậm trễ trong tái cơ cấu đang khiến méo mó thị trường tác động tiêu cực tới cả doanh nghiệp tư nhân và chính các doanh nghiệp nhà nước muốn thay đổi.
Tóm tắt ngắn gọn, đó là tạo rào cản kỹ thuật đối với doanh nghiệp tư nhân khi gia nhập thị trường, đó là tạo ra các lợi thế cạnh tranh bằng phân bổ nguồn lực trong hoạt động trên thị trường (như ưu tiên tiếp cận vốn vay; được cấp vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước; ưu thế tiếp cận đất đai; chưa tính đúng, tính đủ chi phí; cơ chế định giá của nhiều doanh nghiệp nhà nước làm méo mó thị trường; luật cạnh tranh thiếu hiệu lực với doanh nghiệp nhà nước; lợi thế chính sách chủ sở hữu nhà nước; thiếu ràng buộc ngân sách và kỷ luật tài chính; không chịu áp lực cổ tức; khoanh, giảm, gia hạn, xóa nợ; chuyển nợ, trả nợ thay) và việc rút lui của doanh nghiệp nhà nước cũng méo mó khi khá nhiều doanh nghiệp nhà nước yếu kém được giải cứu.
“Hệ thống pháp luật đã nỗ lực đặt doanh nghiệp nhà nước vào khuôn khổ chung với các khu vực doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, ứng xử của nhà nước, các chủ thể khác trong thực thi khiến doanh nghiệp nhà nước được nhận khá nhiều đặc quyền”, ông Phạm Đức Trung, Phó trưởng Ban doanh nghiệp (CIEM), tác giả chính của Báo cáo nghiên cứu về doanh nghiệp nhà nước và những biến dạng thị trường.
Đặc quyền nhìn rõ nhất là trong cung cấp tín dụng, cho dù ông Trung khẳng định rất rõ rằng, Luật Các tổ chức tín dụng và văn bản hướng dẫn quy định chung về trình tự, thủ tục và điều kiện cho vay và cấp tín dụng, không có quy định ngoại lệ hay ưu đãi doanh nghiệp nhà nước. “Có 2 yếu tố để các ngân hàng ưu tiên doanh nghiệp nhà nước trong cung cấp tín dụng: Một là, lòng tin doanh nghiệp nhà nước sẽ được giải cứu khi thua lỗ, phá sản. Hai là, có nhiều động thái 'ủng hộ', kể cả chỉ đạo các ngân hàng cho doanh nghiệp nhà nước vay vốn”, ông Trung nói.
Chỉ trong năm 2014 đã có 20 văn bản thông báo ý kiến chấp thuận hoặc cho phép ngân hàng thương mại được cung cấp tín dụng vượt giới hạn cho các dự án của tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Trong số các ngân hàng thuộc loại này, có cả ngân hàng thương mại tư nhân. “Mục đích phê duyệt cho vay vượt mức hết sức đa dạng, như bổ sung vốn lưu động cho các hoạt động, sản xuất, kinh doanh phục vụ các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của các đơn vị... Nhưng rõ ràng, cùng với những ưu thế tương tự trong tiếp cận đất đai, chế độ hạch toán... doanh nghiệp nhà nước đang làm méo mó phân bổ nguồn lực...”, ông Trung phân tích.
Vấn đề nằm ở chỗ, theo TS. Hà Huy Tuấn, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, chưa rõ mục tiêu giao cho khu vực doanh nghiệp nhà nước, cũng như từng doanh nghiệp, nên việc đánh giá các chính sách cho doanh nghiệp nhà nước trở nên khó khăn. Đây là thực tế khi doanh nghiệp nhà nước vẫn được xác định là công cụ ổn định kinh tế vĩ mô, là lực lượng vật chất để nhà nước điều tiết nền kinh tế…
“Về bản chất, doanh nghiệp nhà nước đang ở vai người tạo luật chơi, chứ không phải là người tuân theo luật chơi, nên những sai lệch do với thị trường gây ra do lẫn lộn vai trò, chức năng… Hệ lụy của nó là quản lý nhà nước kém hiệu quả, kém hiệu lực…”, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM đồng tình với TS.Hà Huy Tuấn.
Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cho rằng, hệ lụy này sẽ đổ lên đầu chính các doanh nghiệp nhà nước khi hội nhập sâu rộng hơn với các yêu cầu khắt khe dành cho khu vực doanh nghiệp nhà nước.
“Tôi có thấy doanh nghiệp nhà nước muốn thay đổi, nhưng khó vì mấu chốt đang nằm ở thể chế”, bà Chi Lan nói. Khuyến nghị được bán tới là tiếp tuc xem xét lại và đổi mới vai trò, chức năng của doanh nghiệ nhà nước.
“Phải thay đổi cơ cấu tổ chức Chính phủ, thành lập cơ quan chuyên trách thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước, quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp”, ông Cung đề xuất.
Cùng với đó, việc áp đặt kỷ luật ngân sách cứng và kỷ luật thị trường thông qua chính sách như ràng buộc lợi nhuận bình quân thị trường, giá vốn thị trường phải tính đến chi phí cơ hội; doanh nghiệp thua lỗ phải bị đào thải… cũng là những giải pháp để đưa doanh nghiệp nhà nước thực sự là một người chơi trong nền kinh tế thị trường.
Khánh An

Theo baodautu.vn