Thưa ông, VKFTA sẽ tác động đến tình hình thu hút các nhà đầu tư Hàn Quốc tới Việt Nam như thế nào?
Theo cam kết của VKFTA, Hàn Quốc sẽ tự do hóa 95,4% dòng thuế cho Việt Nam và Việt Nam cũng sẽ cắt giảm thuế quan 89,2% số dòng thuế cho Hàn Quốc. Để tận dụng cơ hội này, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đã, đang và sẽ đầu tư vào Việt Nam trong rất nhiều lĩnh vực được nhắc đến trong hiệp định này, như may mặc, linh kiện điện thoại, các sản phẩm điện tử.








Đặc biệt, trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, nhiều tập đoàn lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa của Hàn Quốc đang hợp tác với một số doanh nghiệp và địa phương của Việt Nam để hỗ trợ nông dân sản xuất các sản phẩm này và sau đó xuất khẩu trở lại Hàn Quốc.
Các doanh nghiệp Hàn Quốc rất quan tâm đến VKFTA. Mỗi tập đoàn lớn đều có một bộ phận riêng nghiên cứu và chuẩn bị để tập đoàn tham gia các FTA. Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, Chính phủ Hàn Quốc cũng có các chương trình giúp họ hiểu và nắm bắt các cơ hội từ các FTA.
Ông có thể nêu tên một số tập đoàn lớn dự kiến đầu tư vào Việt Nam từ lợi ích của VKFTA?
Hôm 19/5 vừa rồi, Samsung Electronics đã khởi công xây dựng Dự án Khu phức hợp Điện tử gia dụng Samsung tại TP.HCM, với tổng vốn đầu tư 1,4 tỷ USD. Như vậy, Samsung đã đầu tư 6 dự án, với tổng vốn khoảng 11,2 tỷ USD tại Việt Nam. Samsung cũng đang lên kế hoạch đầu tư thêm vào Việt Nam trong các lĩnh vực điện tử, năng lượng, đóng tàu và sân bay.
Ngoài ra, tháng 3/2015, Tập đoàn LG đã khánh thành Nhà máy LGE tại Khu công nghiệp Tràng Duệ (TP. Hải Phòng). Dự án được chia thành 2 giai đoạn: giai đoạn I có tổng vốn đầu tư 510 triệu USD, thực hiện trong vòng 4 năm; giai đoạn II có tổng vốn đầu tư dự kiến là 990 triệu USD, thực hiện trong vòng 6 năm tiếp theo.
Đối với nông nghiệp và thực phẩm, các tập đoàn CJ, Miwon, Orion đã đầu tư lớn và sẽ tiếp tục đầu tư tại Việt Nam. Một số tập đoàn lớn khác đang chuẩn bị hợp tác với Chính phủ Việt Nam đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp. Việt Nam và Hàn Quốc cũng đang phối hợp để xây một trung tâm đầu mối nông, lâm, thủy sản hiện đại để cải thiện chất lượng các mặt hàng này.
Trong VKFTA, Việt Nam mở cửa hơn cho Hàn Quốc so với cam kết WTO và Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc trong phân ngành dịch vụ cho thuê máy móc và thiết bị khác không kèm người điều khiển. Vậy các doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ được lợi như thế nào khi vào Việt Nam?
Lĩnh vực thuê máy móc và thiết bị không phải là lĩnh vực mới ở Hàn Quốc. Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc không cần phải đầu tư mua sắm các máy móc và thiết bị này như tài sản cố định, mà chỉ cần đi thuê khi có dự án. Với VKFTA, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ vào Việt Nam để mở rộng hoạt động, khiến thị trường máy móc, thiết bị của Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn. Việc cho thuê này không chỉ dừng lại ở máy móc, thiết bị, mà còn ở lĩnh vực y tế nữa.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất máy móc, thiết bị của Việt Nam lo ngại rằng, việc Việt Nam mở cửa cho Hàn Quốc trong việc cho thuê máy móc, thiết bị sẽ tạo áp lực rất lớn cho họ, thưa ông?
Ngày trước, doanh nghiệp Hàn Quốc cũng chịu sức ép tương tự, tức là không ai mua sản phẩm của Hàn Quốc, mà thuê các sản phẩm của Nhật Bản, Mỹ, Đức. Tuy nhiên, doanh nghiệp Hàn Quốc đã học tập được các bí quyết của các quốc gia này và sản xuất ra các sản phẩm chất lượng cao. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam cũng học hỏi như vậy thì họ cũng không có gì đáng lo ngại cả.
Dự kiến đến khi nào thì Việt Nam phải dỡ bỏ toàn bộ các mức thuế nhập khẩu cho các sản phẩm của Hàn Quốc theo cam kết của VKFTA?
Rất khó xác định điều này, nhưng nếu bãi bỏ được thì sẽ rất tuyệt vời cho doanh nghiệp hai nước. Hiện Hàn Quốc đã mở cửa khoảng 95% cho hàng hóa Việt Nam và Việt Nam cũng đã mở cửa gần 90% cho hàng hóa Hàn Quốc. Việt Nam là đối tác FTA đầu tiên được Hàn Quốc mở cửa thị trường đối với các sản phẩm hết sức nhạy cảm như tỏi, gừng, mật ong, khoai lang… Hiện thuế suất những mặt hàng này rất cao, từ 241 đến 420% vì Hàn Quốc phải bảo vệ nông dân của mình.
Thanh Tùng

Theo baodautu.vn