Theo công bố của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) 3 doanh nghiệp trong nước là Vingroup, VPBank, VietinBank đăng ký trở thành nhà đầu tư chiến lược của Công ty TNHH một thành viên cảng Sài Gòn (cảng Sài Gòn).
Trong đó, Vingroup đăng ký mua 80% trong tổng số hơn 35,7 triệu lượng cổ phần mà cảng Sài Gòn dự kiến chào bán cho các nhà đầu tư chiến lược. Hai nhà đầu tư còn lại là VPBank, VietinBank, - mỗi ngân hàng đăng ký mua 11%. Được biết, trong khi Vingroup sẽ “chồng” tiền mặt với giá không thấp hơn giá IPO, thì hai ngân hàng thương mại được chấp thuận tham gia làm nhà đầu tư chiến lược của cảng Sài Gòn với phương thức trả nợ thành vốn góp.






Cảng Sài Gòn thu hút sự quan tâm của 3 nhà đầu tư chiến lược




Trước đó, trong danh sách các đơn vị quan tâm tới cảng Sài Gòn mà Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) báo cáo Bộ Giao thông - Vận tải vào tháng 3/2015, ngoài 3 nhà đầu tư nói trên, còn có Công ty cổ phần Gemadept. Hiện chưa biết lý do khiến Gemadept - đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực vận tải biển và logistics này bỏ cuộc, song với sự tham gia của Vingroup, cổ phiếu chào bán ra bên ngoài tại cảng biển lâu đời nhất Việt Nam chắc chắn sẽ không bị ế.
Trên thực tế, suốt 4 tháng qua, Vingroup đã thể hiện sự kiên nhẫn và quyết tâm đáng nể. Trước đó, trong tháng 2 và 3/2015, Vingroup đã liên tiếp có 2 văn bản gửi Bộ Giao thông - Vận tải bày tỏ nguyện vọng được trở thành cổ đông chiến lược 2 cảng biển lớn nhất do Vinalines quản lý là Hải Phòng và Sài Gòn.
Cụ thể, đối với cảng Hải Phòng, Vingroup đề xuất được mua 80% cổ phần với giá mua không thấp hơn giá đấu giá thành công trung bình. Đối với cảng Sài Gòn, Vingroup cũng đề nghị mua 80% cổ phần trước cổ phần hóa, với mức giá không thấp hơn giá IPO và được tham gia vào quá trình cổ phần hóa.
Bà Dương Thị Mai Hoa, CEO Vingroup cho biết, Tập đoàn sẽ áp dụng các mô hình quản trị tiên tiến để nâng cao hiệu quả kinh doanh, năng suất bốc dỡ, làm đầu mối vận chuyển hàng hóa và điều hành hoạt động xuất nhập khẩu tại hai cảng biển trên.
Một thông tin ít người biết là, phương án cổ phần hóa và chuyển Công ty TNHH một thành viên cảng Sài Gòn được Hội đồng Thành viên Vinalines phê duyệt vào ngày 1/6/2015, tức là chỉ đúng 1 ngày trước khi thông tin về đợt IPO được công bố chính thức tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM.
Cho dù số lượng cổ phần nhà nước nắm giữ và số lượng cổ phần chào bán ra bên ngoài không có nhiều thay đổi so với phương án tháng 3/2015, nhưng đây vẫn được coi là động thái thể hiện sự cân nhắc kỹ của lãnh đạo Vinalines khi cổ phần hóa cảng Sài Gòn.
Theo phương án vừa được phê duyệt, vốn điều lệ dự kiến của cảng Sài Gòn sau cổ phần hóa là 2.162 tỷ đồng với tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước là 64%. Lượng đấu giá công khai là 35.706.628 cổ phần (tương đương 16,51% vốn điều lệ dự kiến). Phiên đấu giá sẽ được tổ chức vào ngày 30/6/2015 với giá khởi điểm 11.500 đồng/cổ phần. Một lượng tương đương số cổ phần đấu giá sẽ chào bán cho cổ đông chiến lược và 3% còn lại chào bán ưu đãi cho nhân viên công ty và công đoàn.
Trên thực tế, có nhiều tín hiệu cho thấy, tỷ lệ cổ phần mà Nhà nước nắm giữ tại cảng Sài Gòn sẽ giảm đi. Tháng 3/2015, trong quá trình đàm phán với Vingroup, đại diện Vinalines cho biết, nếu Vingroup vẫn tiếp tục muốn nắm giữ cổ phần ở mức tối đa, thì có thể tham gia đấu giá khi cảng Sài Gòn thực hiện IPO. Sau khi IPO, nếu Thủ tướng Chính phủ cho phép Vingroup được mua cổ phần với tỷ lệ vượt quá quy định hiện hành, thì họ sẽ được mua số cổ phần bán cho nhà chiến lược (nếu như không có nhà đầu tư chiến lược mua) và mua tiếp phần vốn Nhà nước khi thoái vốn.
“Đối với các cảng biển hiện tại, Vinalines sẽ xây dựng phương án theo hướng không nắm giữ cổ phần chi phối”, ông Nguyễn Ngọc Huê, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Vinalines cho biết.
Anh Minh

Theo baodautu.vn