Nhu cầu tuyển dụng cao của ngành công nghiệp phần mềm tại Việt Nam rơi vào nhóm các kỹ sư chất lượng cao có từ 3 năm kinh nghiệm trở lên, trình độ ngoại ngữ tiếng Anh và tiếng Nhật tốt. Yêu cầu là vậy, nhưng các công ty vẫn khó tuyển người vì nguồn cung cho ngành không được dồi dào, hay nói cách khác là phần lớn lao động Việt Nam vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng.






Theo khảo sát năm 2014, công nghệ cao là ngành có tỷ lệ tăng lương cao nhất. Ảnh: Đ.T




Hơn 5 năm trở lại đây, công nghệ thông tin không còn là ngành “thời thượng” trong định hướng nghề nghiệp của nhiều bạn trẻ, nếu đặt cùng những ngành khác như quản trị kinh doanh, kiểm toán hay ngân hàng tài chính. Bản thân những sinh viên đang theo học công nghệ thông tin cho rằng, đây là một ngành “học khó, làm khổ”, ra trường khó xin việc và mức lương không cao.
Trên thực tế, với lao động tay nghề cao, các công ty cũng không ngại đưa ra mức lương cao cũng như chế độ phúc lợi tốt. Khảo sát lương năm 2014 do Mercer, công ty hàng đầu thế giới về tư vấn nhân sự và đại diện tại Việt Nam là Talentnet cho thấy, công nghệ cao là ngành có tỷ lệ tăng lương cao nhất (ở mức 11,4%).
Nhưng kể cả nếu các công ty có thể đem lại mức lương cao, ưu tiên của người tìm việc cũng thay đổi. Nếu như trước đây yếu tố lương thưởng giữ vị trí số một trong quyết định lựa chọn làm trong ngành phần mềm của các ứng viên, thì nay việc được làm đúng với đam mê, sở thích và sở trường là yếu tố tiên quyết trong việc ứng viên gắn bó lâu dài với công việc.
Cơn khát nhân sự trong ngành phần mềm khiến các công ty hướng sự tập trung nhiều đến những ứng viên tiềm năng là sinh viên. Những chương trình hợp tác giữa công ty với trường đại học để tuyển dụng, đào tạo và phát triển dành cho sinh viên năm thứ 3, thứ 4 ra đời ngày một nhiều.
Đối với các nhân viên mới, các công ty cũng có những chương trình đào tạo về chuyên môn, đặc biệt phổ biến là hình thức tutor (người kèm cặp) giúp họ nhanh chóng thích nghi với công việc. Khách quan mà nói, chương trình đào tạo của các công ty không đi vào giải quyết các yếu điểm này mà vẫn thiên về chuyên môn thuần túy.
Trước viễn cảnh Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được hình thành cuối năm 2015, dự kiến nhu cầu tuyển dụng nhân lực ngành công nghệ thông tin nói chung và công nghiệp phần mềm nói riêng sẽ ngày càng nóng hơn. Ngành công nghệ thông tin của Việt Nam sẽ có thêm một nguồn cung lao động có kinh nghiệm, tay nghề từ các nước trong khu vực.
Nhưng để tuyển dụng lao động nước ngoài, các doanh nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam cũng đứng trước một số thách thức, bởi chế độ cho nhân sự nước ngoài chắc chắn sẽ có những khác biệt với nhân sự trong nước, hoàn toàn có khả năng tác động đến bài toán chi phí của doanh nghiệp.
Nếu so nhu cầu lao động phần mềm của Việt Nam với lực lượng lao động trong nước có khả năng dịch chuyển ra nước ngoài, thì lo ngại chảy máu chất xám ít có khả năng xảy ra. Nhưng về phía người lao động, việc gia nhập AEC sẽ khiến họ bị cạnh tranh quyết liệt ngay trên sân nhà. Vì vậy, lao động Việt Nam cần trang bị hơn nữa kỹ năng chuyên môn, khả năng ngoại ngữ và các kỹ năng mềm.
Dù được dự báo là sẽ có nhiều thuận lợi hơn bất lợi, nhưng mở cửa thị trường ASEAN không phải là giải pháp bền vững để ngành công nghệ thông tin Việt Nam giải quyết được vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực. Về lâu dài, đảm bảo nhân lực nội địa vẫn nên là một ưu tiên hơn cả, vì như vậy vừa giải quyết nhu cầu việc làm cho lao động Việt Nam, vừa đảm bảo tính độc lập, ổn định tương đối của ngành trong bối cảnh hội nhập khu vực.n
Quỳnh Phương (Trưởng phòng cấp cao Dịch vụ tuyển dụng nhân sự Talentnet)

Theo baodautu.vn