-
06-15-2015, 04:05 PM #1Junior Member
- Ngày tham gia
- Oct 2015
- Bài viết
- 0
Góc khuất sau cuộc chạy đua giành quyền kiểm soát Bibica
Tại Đại hội cổ đông thường niên 2015 mới đây của Bibica (BBC), việc bầu lại thành viên Hội đồng Quản trị một lần nữa bị lờ đi. Như vậy, kể từ năm 2013, công ty trong nhóm top 5 ngành bánh kẹo đã đi qua 3 mùa đại hội cổ đông tạm quên vấn đề quan trọng này.
Bibica vẫn tiếp tục duy trì Hội đồng Quản trị cũ gồm 5 người. Trong đó, ông Jung Woo Lee (Chủ tịch) và ông Jeong Hoo Cho (thành viên), đại diện cho Lotte (nắm 44% vốn ở Bibica) đã tham gia vào ban quản trị từ năm 2009. Ông Trương Phú Chiến (Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc), ông Võ Ngọc Thành và ông Nguyễn Ngọc Hòa (thành viên) có thâm niên trong ban quản trị Bibica lâu hơn nhưng đều đã được bầu lại sau nhiệm kỳ 5 năm. Chỉ riêng ông Seok Hoon Yang, thành viên Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Tài chính Công ty, bị “rớt” sau kết quả bầu lại năm 2012. Ông Yang chỉ đạt tỷ lệ bầu chọn là 53,3% trong khi mức tối thiểu để có mặt trong ban quản trị là 65%.
Có lẽ từ trường hợp thất bại của ông Yang mà sang năm 2013, việc bầu ban quản trị ở Bibica đã không còn yên bình nữa. Báo chí đã tốn không ít giấy mực để ghi lại các biến động ở Bibica. Từ chuyện ban quản trị ra Nghị quyết nhưng cuối cùng hủy bỏ tổ chức Đại hội cổ đông bất thường, đến việc Đại hội cổ đông năm 2013 bị dời lại 5 ngày nhưng vẫn thất bại vì vắng mặt cổ đông lớn thứ hai là Công ty Chứng khoán SSI.
Mấu chốt bất đồng nằm ở chỗ, Bibica chỉ muốn bầu lại 2 thành viên Hội đồng Quản trị sắp hết nhiệm kỳ (đó là 2 đại diện của Lotte, hết nhiệm kỳ vào năm 2014), trong khi Lotte muốn bầu lại toàn bộ thành viên Hội đồng Quản trị. Không ai nhường ai và kết quả là dù tiến hành được Đại hội cổ đông nhưng việc bầu Hội đồng Quản trị đã phải tạm hoãn.
Thực tế, tình hình Bibica năm 2013 rất rối ren. Nội bộ lãnh đạo chia làm 2 phe, các giám đốc bán hàng khu vực đồng loạt nghỉ việc, Bibica không còn ban kiểm soát, các quyết định không tìm thấy sự thống nhất... Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm vào cuối tháng 10/2013, khi đại diện Lotte cho biết họ không tham gia vào các quyết định mang tính chiến lược ở Bibica và cho rằng ký kết với Bibica chỉ đơn thuần là đầu tư tài chính.
Ông Trương Phú Chiến ngay lập tức phản pháo. Từ năm 2012 ông Chiến đã đi 2 nước cờ. Một mặt ông nhờ đến SSI để SSI trở thành cổ đông đối trọng với Lotte, giúp Bibica ngăn cản các bước ảnh hưởng đi đến khả năng thâu tóm từ Lotte. Mặt khác, ông chia sẻ với báo giới về những sai lầm khi bắt tay với Lotte để tranh thủ sự ủng hộ của dư luận.
Từ giữa năm 2012, thị trường chứng kiến cuộc chạy đua gia tăng sở hữu đầy quyết liệt của các cổ đông lớn tại Bibica. Quỹ tầm nhìn SSI và Công ty Quản lý quỹ SSI (SSIAM) đều tích cực giao dịch. Đặc biệt, từ tháng 8/2013, nhóm SSI có thêm sự xuất hiện của Công ty Đường Mặt Trời. Kết quả là cuối năm 2013, nhóm SSI và các bên liên quan sở hữu gần 40% vốn tại Bibica.
Về phía Lotte cũng ra sức gom cổ phiếu và vẫn là cổ đông lớn nhất khi nắm 43,56% vốn tại Bibica. Sang năm 2014, thế trận giữa SSI và Lotte tiếp tục ngang ngửa khi Lotte nắm 44,03% vốn ở Bibica, còn nhóm SSI sở hữu trên 41% vốn. Đến nay, tương quan lực lượng vẫn như cũ nhưng khác đôi chút là SSI chuyển vốn sang cho PAN Food, công ty con của PAN, cũng do ông Nguyễn Duy Hưng làm Chủ tịch (ông Hưng là Chủ tịch SSI). PAN Food hiện nắm 42,24% cổ phần, còn tỷ lệ sở hữu của Lotte ở Bibica là không đổi.
Trong cuộc chạy đua tranh giành quyền kiểm soát này, hoạt động kinh doanh của Bibica có thời gian đã bị lơ là. Quý II/2012, Bibica bị lỗ gần 8 tỷ đồng. Tính cả năm 2012, lợi nhuận chỉ đạt 25,8 tỷ đồng, giảm gần 45% so với năm trước đó. Hay trong năm 2013, dù tình hình có khá hơn, nhưng tỷ suất lợi nhuận trước thuế/doanh thu vẫn chỉ đạt 5%.
Một dây chuyền sản xuất của Bibica. Ảnh: Bảo Trọng
Tạm gác chuyện bầu thành viên Hội đồng Quản trị là cách để lãnh đạo Bibica giảm nhẹ mức độ đối đầu, tập trung cho sản xuất kinh doanh. Nhờ đó, tình hình kinh doanh năm 2014 và quý I/2015 đã khởi sắc khi lãi quý I gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, đây có thực sự là cách làm ổn thỏa?
Việc trì hoãn bầu lại thành viên Hội đồng Quản trị cho 2 đại diện ở Lotte đã vi phạm điều lệ Công ty (điều lệ quy định mỗi thành viên Hội đồng Quản trị chỉ tham gia nhiệm kỳ không quá 5 năm, sau đó muốn tham gia tiếp phải được bầu chọn lại hoặc chọn mới). Đó là chưa kể nhiều vấn đề liên quan đến chiến lược, đầu tư mở rộng cần tiếng nói chung từ ban lãnh đạo.
Hiện nay, việc đầu tư nhà máy sản xuất bánh tại Hưng Yên giai đoạn 1 (dự kiến công suất sản xuất 20 tấn/ngày) vẫn bất động, trong khi dự án được lên kế hoạch từ năm 2008 với tổng vốn đăng ký 265 tỷ đồng. Tính đến cuối quý II/2013, lũy kế đầu tư dành cho dự án Hưng Yên chỉ hơn 30 tỷ đồng, chủ yếu là tiền thuê đất. Đặc biệt trong năm 2014, Bibica lên kế hoạch rót 45,4 tỷ đồng cho dự án, nhưng chỉ giải ngân chưa đến 50 triệu đồng. Phía Lotte nói rằng do Bibica chưa đưa ra được nghiên cứu thị trường, đánh giá dự án khả thi, chưa có kế hoạch cụ thể nên không thể thông qua các quyết định đầu tư cho nhà máy Hưng Yên.
Ông Chiến, đại diện phía Bibica, thì bày tỏ bất bình về việc Lotte yêu cầu Bibica chỉ tiến hành nghiên cứu trên 5 sản phẩm của Lotte, trong khi dự án Hưng Yên ban đầu lập ra chủ yếu vì mục đích chuyển giao công nghệ và sản xuất các nhãn hiệu cho Bibica. Theo ông Chiến, yêu cầu của Lotte không khác gì biến Bibica thành nhà sản xuất không thương hiệu, không tên tuổi cho Lotte.
Mâu thuẫn giữa cổ đông Lotte và Bibica đã khiến dự án Hưng Yên phải gia hạn giấy phép đầu tư đến 3 lần. Năm 2015, Bibica tiếp tục lên kế hoạch rót 18,4 tỷ đồng cho công tác nghiên cứu thị trường, xây dựng cơ bản và dự kiến từ năm 2016, Bibica sẽ rót hàng trăm tỷ đồng mỗi năm cho nhà máy. Nhưng chừng nào xung đột nội bộ ở Bibica chưa giải quyết, ít ai dám tin dự án này sẽ được đẩy mạnh.
Chuyện “cơm không lành, canh không ngọt” cũng khiến các mục tiêu doanh thu, thị phần ở Bibica khó mong vượt xa. Năm 2015, Công ty vạch kế hoạch doanh thu 1.250 tỷ đồng, đã điều chỉnh giảm 21% so với kế hoạch cũ. Thị phần hướng tới cho năm 2015 cũng chỉ dừng ở mức 10% thay vì 12% như được đề ra 3 năm trước.
NCĐT chưa thể liên hệ được với lãnh đạo Bibica để có câu trả lời cho vấn đề bầu thành viên Hội đồng Quản trị. Nhưng theo một số trao đổi không chính thức, có thể phải chờ đến sự can thiệp từ phía cơ quan quản lý thì mới mong hóa giải. Như vậy, nút thắt ở Bibica vẫn còn đó và triển vọng kinh doanh của Công ty sẽ chưa thể rõ ràng.
Viết Nguyên (NCĐT)
Theo baodautu.vnBài viết cùng chuyên mục:
- 6 tháng cổ phần hóa được 61 doanh nghiệp nhà nước
- Khi doanh nghiệp chấm điểm các bộ
- Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam bán cổ phần cả lô 5 Công ty thủy điện
- M&A - trên đe dưới búa
- Tổng giám đốc AeonMall Việt Nam: AeonMall Long Biên sẽ cạnh tranh bằng chất lượng
- M&A - rào cản nhân sự
- Vinamilk có điểm Quản trị công ty tốt nhất Việt Nam
- Cạnh tranh bằng công nghệ hay thương hiệu?
- Thiết bị y tế Trường Sơn: Trọng chữ tín với khách hàng
- Doanh nghiệp FDI xuất siêu 873 triệu USD trong quý I/2015
Các Chủ đề tương tự
-
69 Thụy Khuê - Môi trường sống hoàn hảo cho tất cả gia đình
Bởi hungsanphuongdong trong diễn đàn Nhà Đất - Bất Động SảnTrả lời: 0Bài viết cuối: 08-05-2016, 04:34 PM -
Thương hiệu nhượng quyền Mỹ khuấy đảo thị trường Việt
Bởi tindautu trong diễn đàn Tin doanh nghiệpTrả lời: 0Bài viết cuối: 05-24-2016, 03:10 PM -
Hỏi đáp về nhà cao tầng hiện đại 69B Thụy Khuê Tây Hồ Tây
Bởi iseovip2 trong diễn đàn Nhà Đất - Bất Động SảnTrả lời: 0Bài viết cuối: 05-22-2016, 04:47 PM
Để tổ chức một sự kiện thành công, bước đầu tiên và quan trọng nhất là lập kế hoạch chi tiết. Một kế hoạch sự kiện hiệu quả phải bao gồm đầy đủ các hạng mục như mục tiêu sự kiện, ngân sách, đối tượng...
Những rủi ro thường gặp trong tổ...