Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet



Với chỉ 2.112 USD/năm, mức lương trung bình của Việt Nam hiện xếp thứ 6 trong khu vực ASEAN, sau Singapore, Brunei, Malaysia, Thái Lan và Philippines. Các nhà phân tích cho rằng, sự khác biệt lớn về tiền lương của các thành viên ASEAN dựa trên nhiều yếu tố, trong đó quan trọng là năng suất lao động. Các quốc gia càng có thế mạnh về công nghệ và cơ sở hạ tầng, thì càng có nhiều khả năng nâng cao kỹ năng và năng suất lao động của lực lượng lao động, chuyển đổi sang các lĩnh vực có gia tăng cao hơn.
Những con số thống kê trên tuy mang tính tham khảo, nhưng đang chỉ ra nhiều vấn đề về năng suất lao động và tiền lương của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh thời điểm gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã cận kề. Đối với các nhà chức trách, bài toán đặt ra hiện nay là thu hẹp khoảng cách về tiền lương, cân bằng thu nhập của người dân. Còn đối với cộng đồng doanh nghiệp, xây dựng chế độ lương thưởng và phúc lợi hợp lý đóng một vai trò vô cùng quan trọng, vì đó là công cụ cạnh tranh tiên quyết trước thềm AEC.
Khảo sát về tình hình lương thưởng Việt Nam năm 2014 và 2 quý đầu năm 2015, Bộ phận Nghiên cứu của Mecer - Talentnet chỉ ra mức độ chênh lệch về lương thưởng giữa các doanh nghiệp, trong đó các doanh nghiệp nước ngoài đang trả lương và thưởng cao hơn khoảng 30% so với doanh nghiệp Việt Nam. Lương thưởng cũng đang có xu hướng chênh lệch giữa các vị trí công việc, như những vị trí ở cấp lãnh đạo và quản lý có mức lương thưởng cao hơn hẳn so với phần còn lại...
Khi Việt Nam tham gia AEC, lao động sẽ là một trong 5 yếu tố được tự do di chuyển. Khi đó, AEC sẽ tạo nên sự cạnh tranh về lao động trong ASEAN và tác động không những tới tiền lương, mà còn là cơ hội việc làm và năng suất lao động. Xét trên các khía cạnh này, câu hỏi lớn nhất đặt ra dành cho các doanh nghiệp Việt Nam là làm sao vừa có thể thu hút nhân tài, vừa có thể hạn chế tình trạng chảy máu chất xám.
Theo nhiều khảo sát mới đây, mức độ nhận biết về AEC của doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ, vẫn ở mức thấp. Còn với các doanh nghiệp lớn, nhận thức này tuy có rõ ràng hơn, nhưng sự chuẩn bị cho việc tuyển dụng và cho sự năng động của thị trường lao động vẫn đang dừng lại ở mức độ chuẩn bị trong tư tưởng.
Nhìn sang đối thủ cạnh tranh là các công ty đa quốc gia, việc tuyển dụng lực lượng lao động từ các quốc gia lân cận đã được chuẩn bị kỹ càng. Bên cạnh chế độ lương thưởng hấp dẫn, các công ty này cũng có một lợi thế lớn, nhờ có yếu tố “đa quốc gia, đa văn hóa” trong nội tại, góp phần thúc đẩy các chính sách giao lưu, trao đổi nhân tài trong phạm vi công ty diễn ra thường xuyên, liên tục. Có vẻ như các công ty này sẽ dễ dàng hơn trong thu hút và tuyển dụng nhân tài từ các nước ASEAN.
Ngưỡng cửa của AEC đã ở trước mắt, thời gian chuẩn bị không còn nhiều, các chuyên gia về lao động và tiền lương cho rằng, Việt Nam cần cải thiện các chính sách điều chỉnh tiền lương để tạo sự cân bằng, một mặt thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, mặt khác giúp người lao động được hưởng thành quả công bằng. Song xác lập tiền lương cần dựa trên cơ sở khoa học vững chắc, phản ánh nhu cầu của người lao động, cũng như nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động nói chung.
Về phía các doanh nghiệp, để thu hút người tài, doanh nghiệp cần phải xác định điểm mạnh cũng như ưu thế cạnh tranh của chính sách lương thưởng phúc lợi so với toàn thể chính sách nhân sự của mình. Xu hướng chung của các doanh nghiệp tại các nền kinh tế phát triển là hợp tác với đối tác tư vấn nhân sự uy tín.
Cách làm trên hoàn toàn có thể được áp dụng tại Việt Nam, khi các doanh nghiệp, bằng cách bắt tay với các công ty khảo sát lương có uy tín, có thể cập nhật, nắm bắt được những thông tin về lương, thưởng của ứng viên tại nước ngoài, qua đó so sánh với cấu trúc lương, thưởng tại Việt Nam, cùng với những khác biệt về mức sống và chi phí sinh hoạt, để có mức chi trả lương hợp lý.
Bên cạnh đó, làm việc với đơn vị tư vấn có chuyên môn sẽ giúp doanh nghiệp trong nước xác định rõ nhu cầu, có những tư vấn hợp lý về tổng chi phí cho một người lao động nước ngoài tại doanh nghiệp và những đóng góp của người đó tại công việc kinh doanh.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc cần phải xây dựng chế độ lương, thưởng hợp lý, hiện nay số lượng các công ty của Việt Nam tham gia các cuộc khảo sát lương ngày càng cao. Họ tham gia với mục đích tìm hiểu mức lương thưởng của thị trường, nhằm tạo nên vị thế cạnh tranh cho doanh nghiệp mình để đón đầu làn sóng hội nhập AEC.
Quỳnh Phương (Trưởng phòng cấp cao Dịch vụ tuyển dụng nhân sự Talentnet)

Theo baodautu.vn