HĐQT tự phong và những nghị quyết… trên trời!
Mặc dù là cổ phiếu có thị giá thấp (dưới 10.000 đồng) và thường xuyên không có giao dịch, nhưng trong 1 tháng trở lại đây, mã cổ phiếu TBX bất ngờ “nổi tiếng”, không phải bởi lượng giao dịch khủng hay giá cổ phiếu tăng đột biến, mà bởi việc các thành viên HĐQT “tố” nhau.
Tiền thân của TBX là Xí nghiệp Xi măng Thái Bình, được thành lập từ năm 1979, chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm xi măng trắng, chiếm khoảng 30% thị phần trong nước. Kể từ khi cổ phần hóa năm 2008, cổ đông nhà nước đã dần thoái toàn bộ vốn khỏi TBX.






Nhà máy xi măng Thái Bình



Tưởng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của TBX ổn định khi thường xuyên có lãi các năm qua (năm 2013 lãi 88,05 triệu đồng, năm 2014 lãi hơn 120 triệu đồng), có hàng xuất khẩu đi Australia và Campuchia, tạo công ăn việc làm cho 140 công nhân. Trong năm 2014, TBX cũng đã hoàn thành việc trả nợ cổ tức năm 2012 (tỷ lệ 12%).
Nhưng bất ngờ xảy ra vào ngày 9/5/2015 khi xuất hiện cái gọi là Nghị quyết số 09/NQ-HĐQT của TBX. Tại Nghị quyết này, một nhóm cổ đông trên danh nghĩa HĐQT TBX đã “hạ bệ” ông Nguyễn Minh Thành từ vị trí Tổng giám đốc xuống làm Phó tổng giám đốc và “đề bạt” ông Phạm Văn Tân làm Tổng giám đốc; ông Vũ Đại từ vị trí thành viên HĐQT được đề cử làm Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2013 - 2017 thay cho bà Bùi Thị Nguyên Hạnh với lý do bà Hạnh “có đơn xin từ nhiệm”.
Ngay sau đó, bà Bùi Thị Nguyên Hạnh và nhóm cổ đông (gồm 4 thành viên) đã gửi đơn tới Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Thái Bình. Theo bà Hạnh, việc đưa ông Vũ Đại lên Chủ tịch HĐQT khi ông này đang là công chức đã vi phạm Luật Phòng chống tham nhũng và Luật Doanh nghiệp. Theo quy định tại Điều 37, Luật Phòng chống tham nhũng, cán bộ, công chức, viên chức không được thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Do đó, chỉ sau 1 tuần, ngày 16/5, “HĐQT tự phong” lại ra Nghị quyết miễn nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT đối với ông Vũ Đại và đề cử Phó chủ tịch HĐQT Phạm Đức Long vào vị trí nói trên.
Cùng với những văn bản này, “HĐQT tự phong” còn ban hành Nghị quyết số 11/NQ-HĐQT ngày 30/5, do ông Phạm Đức Long ký, yêu cầu ông Nguyễn Minh Thành trả lại con dấu đang “chiếm giữ bất hợp pháp” cho HĐQT trước ngày 2/6.
Tuy nhiên, theo Công văn số 186/CV-ĐKKD của Sở KH&ĐT tỉnh Thái Bình gửi ông Nguyễn Minh Thành và các cổ đông của TBX, đại diện theo pháp luật của Công ty TBX là ông Nguyễn Minh Thành. Mà theo Luật Doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chịu trách nhiệm quản lý sử dụng con dấu.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Thành cho biết, để duy trì khả năng sản xuất của TBX cho đến khi giải quyết xong các mâu thuẫn, trong thời gian tạm giữ con dấu, ông Thành vẫn thực hiện trả lương cho người lao động và làm việc với các nhà cung cấp nguyên liệu để nhà máy hoạt động bình thường, tránh việc dừng lò.
Cũng theo Nghị quyết này, “HĐQT tự phong” yêu cầu chấm dứt ngay việc bán hàng cho 4 công ty, gồm: Công ty CP Thương mại Xi măng Thái Bình, Công ty CP Kiến trúc Mỹ thuật Treelife, Công ty CP Fujisan và Công ty CP Thành An 77. Theo ông Phạm Đức Long, việc yêu cầu chấm dứt giao dịch thương mại với các công ty nói trên xuất phát từ việc bà Hạnh và ông Thành đã lập các công ty thương mại trung gian để thao túng bán hàng nhằm chiếm đoạt các tài sản của TBX.
Chủ tịch HĐQT nói gì?
Phản ứng trước những hành động của nhóm cổ đông nêu trên, bà Bùi Thị Nguyên Hạnh, Chủ tịch HĐQT TBX và ông Nguyễn Minh Thành, Tổng giám đốc TBX đã gửi Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) thông báo số 134 và 136/TB-XMTB, trong đó khẳng định, hủy bỏ các Nghị quyết HĐQT ngày 9/5, 16/5 và 30/5, cũng như các quyết định bổ nhiệm chức danh tại Công ty từ ngày 9/5 đến 30/5/2015; bà Bùi Thị Nguyên Hạnh tiếp tục giữ chức Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Minh Thành tiếp tục giữ chức vụ Tổng giám đốc. Theo thông báo này, các Nghị quyết HĐQT nói trên vi phạm Điều lệ Công ty cũng như Luật Doanh nghiệp.
Cụ thể, đối với việc bổ nhiệm Chủ tịch HĐQT mới, bà Bùi Thị Nguyên Hạnh cho biết, bà không có đơn từ nhiệm như thông báo tại Nghị quyết 09/NQ-HĐQT. Ngoài ra, như đã nói ở trên, căn cứ Điều 37, Luật phòng chống tham nhũng và Điều 13, Luật Doanh nghiệp, ông Vũ Đại không thể đảm nhận chức danh Chủ tịch HĐQT, bởi ông này đang là công chức tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nam Định. Do đó, các biểu quyết và chữ ký của ông Đại tại các cuộc họp của HĐQT từ khi được “bổ nhiệm” là không có giá trị pháp lý.
Về Nghị quyết số 10/NQ-HĐQT ngày 16/5 của Hội đồng quản trị, bà Bùi Thị Nguyên Hạnh cho biết, đã có văn bản không thừa nhận cuộc họp này do thông báo họp chỉ được gửi cho các thành viên trước 2 ngày (theo Điều lệ của Công ty thì thời hạn này được quy định là 5 ngày). Tại cuộc họp này, ông Phạm Đức Long đã được bổ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT.
Theo dự kiến, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2015 của TBX sẽ được tổ chức trong tháng 7/2015. Theo nhóm cổ đông nắm giữ 62% cổ phần của TBX (bao gồm cả bà Hạnh và ông Thành), những mâu thuẫn tại TBX sẽ được đàm phán, thỏa thuận linh hoạt, đưa Công ty phục hồi sản xuất, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các cổ đông và người lao động.
Báo Đầu tư sẽ tiếp tục theo dõi và phản ánh diễn biến vụ việc này.
Hữu Tuấn - Kỳ Thành

Theo baodautu.vn