Tất cả những hoạt động này đang diễn ra tại Công ty TNHH MHI Aerospace Vietnam (MHIVA), một công ty con của MHI và là doanh nghiệp đầu tiên đăng ký sản xuất linh kiện máy bay thương mại tại Việt Nam, cánh tà máy bay chở khách cánh đơn Boeing 737 Thế hệ mới.
Cánh tà là một bộ phận quan trọng đối với máy bay. Bộ phận này cho phép tăng lực nâng của máy bay khi di chuyển với tốc độ chậm, như trong thời gian cất cánh và hạ cánh, nhờ đó giúp đảm bảo sự ổn định của chuyến bay trong những thời điểm quan trọng. Việc sản xuất cánh tà máy bay đã được thực hiện tại MHIVA từ năm 2009 với sự hỗ trợ của Boeing và cho đến nay, 1.000 bộ cánh tà đã được xuất xưởng. Tháng 10/2014, MHIVA đã đánh dấu sự tăng trưởng về quy mô một cách đáng kể với việc hoàn thành và bắt đầu đưa vào hoạt động nhà máy mới, chuyên sản xuất cửa hành khách cho máy bay phản lực Boeing 777 tầm xa.






Mitsubishi là doanh nghiệp đầu tiên đăng ký sản xuất linh kiện máy bay thương mại tại Việt Nam




Giờ đây, cùng với sự mở rộng quy mô sản xuất và lắp ráp một cách ổn định các linh kiện và kết cấu kim loại của máy bay, Công ty MHIVA đã không chỉ đạt được tầm quan trọng không thể thay thế trong các hoạt động của MHI về máy bay thương mại, mà còn tạo nên những đóng góp ngày càng lớn cho việc đặt nền móng phát triển ngành công nghiệp hàng không tại Việt Nam.
Công ty MHIVA đặt tại Khu công nghiệp Thăng Long (KCN Thăng Long) tại phía Tây Bắc TP. Hà Nội, cách trung tâm Thành phố 30 phút đi ô tô. KCN Thăng Long được xây dựng bởi Tập đoàn Sumitomo Nhật Bản, thu hút rất nhiều nhà máy của những doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản. Cũng như MHIVA, tất cả những công ty này, với nhận biết về Việt Nam với nguồn nhân lực dồi dào, nền kinh tế ổn định và độ an toàn cao, đều muốn mở rộng quy mô vào Việt Nam.
Công ty MHIVA thành lập vào tháng 12/2007, là nhà máy đầu tiên của MHI tại châu Á hoạt động trên lĩnh vực máy bay thương mại. Cho đến nay, MHIVA đã có 2 nhà máy trên diện tích 19.000 m2. Nhà máy ban đầu có tổng diện tích sàn là 4.500 m2, sau đã được bổ sung thêm 6.500 m2 diện tích nhà xưởng. Hiện có tổng cộng gần 300 lao động làm việc tại Công ty.
Cánh tà máy bay được sản xuất tại nhà máy chính. Công tác sản xuất bao gồm khoan hơn 5.000 lỗ trên tấm nhôm hoặc titan và khung giá đỡ, sau đó dùng các loại chốt khác nhau để bắt vào các lỗ khoan – một công việc đòi hỏi kỹ thuật lành nghề. Để có được những kỹ thuật đó, ngay từ giai đoạn đầu tiên sau thành lập, các lao động địa phương được tuyển chọn đã được cử đi đào tạo gần 1 năm tại cơ sở Hệ thống hàng không Nagoya của MHI tại Nhật Bản. Với quá trình đào tạo này, các lao động không chỉ được đào tạo về kỹ thuật mà còn được làm quen với tiếng Nhật cơ bản.
Trong một khoảng thời gian đầu sau khi công tác sản xuất được thực hiện tại MHIVA, các sản phẩm sau khi lắp ráp hoàn thiện được gửi tới cơ sở Hệ thống Hàng không Nagoya. Sau quá trình sơn và kiểm tra chất lượng, các sản phẩm được xuất tới Nhà máy Renton của Boeing tại Hoa Kỳ. Quy trình này là cần thiết trong giai đoạn đầu và những sản phẩm được xuất đi từ Nagoya được ghi “Sản xuất tại Nhật Bản, Lắp ráp tại Việt Nam”.
Tuy nhiên, từ tháng 10/2010, sau khoảng hơn 1 năm kể từ khi bắt đầu sản xuất cánh tà tại Việt Nam, sau khi số bộ cánh tà đã xuất xưởng đạt 100 bộ và nhận được ý kiến thống nhất, những sản phẩm cánh tà xuất xưởng sau đó đã được xuất thẳng từ MHIVA tới Boeing. Hiện nay, tất cả các công việc lắp ráp hoàn chỉnh được thực hiện tại MHIVA và số lượng bộ sản phẩm hoàn thiện được xuất xưởng tăng lên theo cấp số nhân. Như vậy, công tác sản xuất tại Việt Nam đã “cất cánh và đi đúng quỹ đạo”. Lẽ dĩ nhiên, bộ sản phẩm cánh tà xuất xưởng thứ 101 trở đi xuất đi từ MHIVA đã được ghi dấu “Sản xuất tại Việt Nam”
Thành công của những nhà máy của MHIVA phải kể đến sự đóng góp lớn lao từ nhiệt huyết của tập thể lao động của nhà máy đã từng bước làm chủ những kỹ năng cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ của mình. Ngày hôm nay, MHIVA cũng đã có những chương trình riêng để đào tạo kỹ năng, tạo lập nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu trong tương lai.
Để biết thêm về những cố gắng mà MHIVA đã trải qua cũng như những khó khăn đã gặp phải, chúng tôi đã phỏng vấn ông Hirotaka Masuda, cựu Tổng giám đốc của MHIVA. “Chúng tôi đã phải rất cố gắng để các công nhân của chúng tôi hiểu về tầm quan trọng tổng thể của chất lượng cao. Không may – hoặc có lẽ may mắn, khi nó xảy ra sớm – ngay sau khi sản phẩm đầu tiên được sản xuất thì chúng tôi đã phát hiện lỗi chất lượng trên một thành phẩm đang được kiểm tra trước khi xuất xưởng. Sau đó, tất cả công nhân phải tháo rời toàn bộ sản phẩm mà họ đã phải rất vất vả để hoàn thành và tiến hành lắp ráp lại từ đầu. Và chính trong lúc đó, các công nhân của chúng tôi đã hiểu được tầm quan trọng của việc trở thành một đối tác hiệu quả và năng suất cao. Sau kinh nghiệm đó, mỗi khi có vấn đề về chất lượng xảy ra do lỗi thực hiện, các công nhân đều phải đào sâu nghiên cứu cho đến khi tìm ra nguyên nhân gây ra lỗi và làm cách nào để cải tiến quy trình sản xuất. Nhờ những cố gắng đó được thực hiện thường xuyên và liên tục, cho đến nay, chất lượng của những sản phẩm xuất xưởng từ MHIVA đã ngang bằng với chất lượng của những sản phẩm sản xuất tại Nhật Bản và những sản phẩm của MHIVA đã nhận được sự tin tưởng tuyệt đối từ phía Boeing.
MHIVA đang tiến hành rất nhiều công việc. Ngoài việc tiếp tục sản xuất cánh tà máy bay Boeing 737, Công ty cũng bắt đầu tiến hành sản xuất cửa hành khách cho máy bay Boeing 777 tầm xa tại nhà máy mới. Công việc sản xuất cửa máy bay được chuyển từ cơ sở Hệ thống Hàng không Nagoya của MHI và mặc dù ở giai đoạn đầu này, MHIVA sẽ chỉ thực hiện lắp ráp phần khung, nhưng theo kế hoạch, MHIVA cuối cùng sẽ thực hiện toàn bộ quy trình lắp ráp, bao gồm cả hệ thống đường ống nước và dây điện.
MHI đang tiến hành một loạt dự án quy mô lớn liên quan tới máy bay thương mại. Đứng đầu trong danh sách đó là việc phát triển máy bay phản lực tầm trung đầu tiên của Nhật Bản, máy bay MRJ, một dự án được phát triển bởi Công ty Máy bay Mitsubishi, một công ty thuộc MHI. Chiếc máy bay mới đã ra mắt vào tháng 10/2014 và kế hoạch thực hiện chuyến bay thử sẽ được tiến hành trong năm nay. Dự kiến máy bay MRJ sẽ được đưa vào vận hành thương mại từ năm 2017.
Cùng với dự án MRJ, MHI cũng đang từng bước tăng sản xuất hộp cánh bằng chất liệu sợi carbon cho máy bay Boeing 787 Dreamliner và tham gia phát triển và sản xuất máy bay Boeing 777X thế hệ mới.
Vì những lý do này, hiện tại MHI đang tiến hành cải tiến hệ thống sản xuất và nâng cao sản lượng và năng lực sản xuất. Như vậy, MHIVA và các cơ sở sản xuất của MHI tại Nhật Bản sẽ cùng thực hiện sản xuất chặt chẽ hơn và năng động hơn.
Trong những năm tiếp theo, MHI sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội để sản xuất những sản phẩm phục vụ ngành hàng không “sản xuất tại Việt Nam” một cách hiệu quả hơn và trau dồi năng lực với mục tiêu đóng góp ngày càng nhiều cho sự phát triển của Việt NAM và vì sự phát triển công nghệ trong sản xuất máy bay.
Thu Huế

Theo baodautu.vn