Phân tích kỹ MEI 2014 (Chỉ số hiệu quả hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh), theo thông điệp chính dành cho 14 bộ này là phần điểm chấm chi tiết cho từng khía cạnh, hành động cụ thể trong quá trình xây dựng và thi hành pháp luật kinh doanh.
Có thể coi đây như một tấm gương phản chiếu bức tranh toàn cảnh với những điểm mạnh, điểm yếu trong quá trình từ soạn thảo đến thi hành pháp luật của từng bộ thông qua lăng kính của doanh nghiệp – người ở vị trí thực thi pháp luật, nhưng cũng là đối tác của các cơ quan trong quá trình xây dựng và thực thi pháp luật liên quan đến kinh doanh.
Những người chấm điểm năm nay là 228 hiệp hội doanh nghiệp, chiếm 50% tổng số hiệp hội doanh nghiệp ở các cấp đang hoạt động trên cả nước, đại diện cho hơn 400.000 doanh nghiệp trên cả nước.
Họ đã trực tiếp chấm 18 trong số 19 chỉ tiêu thuộc 5 bộ chỉ số của MEI 2014 thông qua những hiểu biết, trải nghiệm thực tế và kỳ vọng của mình với các bộ. Chỉ số còn lại là hiệu quả hoạt động xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thông qua tỷ lệ văn bản mà các bộ gửi lấy ý kiến doanh nghiệp thông qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong năm 2014.
Đặc biệt, khác với hai lần thực hiện trước, MEI 2014 được thực hiện vào cuối năm 2014, chấm cho các hoạt động ngay trong năm với mong muốn là có được những đánh giá mới nhất, nóng nhất, cập nhật nhất của các hiệp hội doanh nghiệp về những vấn đề vừa xảy ra trong năm.
Bởi vậy, một thông điệp khác quan trọng không kém cũng được ngầm ý gửi tới 14 bộ có tên, đó là có thể có một vài doanh nghiệp thể hiện sự yêu ghét cảm tính trong điểm chấm dành cho một vài bộ, nhưng không đủ để lấn át kết quả chung.
Có nghĩa là, các bộ có thể nhìn thấy hình ảnh của mình phản chiếu trong tấm gương đẹp, chưa đẹp thì nguyên nhân không phải lỗi do tấm gương. Với tấm gương này, việc xác định các biện pháp thích hợp nhằm tiếp tục phát huy những mặt tích cực, cải thiện những mặt còn hạn chế trong quá trình xây dựng và thi hành pháp luật của từng bộ đều khá rõ ràng.
Vấn đề là ở bước thực hiện các giải pháp này ở từng bộ cũng như giải pháp tổng thể ở Chính phủ trong cải thiện môi trường pháp lý liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Cũng phải nói thêm, trong vận hành hệ thống pháp luật trong nền kinh tế có 2 nội dung cơ bản là xây dựng và thực thi. Ở phần xây dựng, trách nhiệm chủ yếu thuộc về các bộ ngành trung ương.Ở phần thực thi, cơ quan địa phương và cơ sở có vai trò quan trọng. Nhưng đang có tình trạng những hạn chế về thể chế và khung khổ chính sách lớn hơn từ cấp trung ương bó buộc khá nhiều sáng kiến cải cách của địa phương.
Trong bối cảnh Quốc hội còn chưa có nhiều cơ quan chuyên trách, vai trò của các bộ ban ngành của Chính phủ với tư cách là cơ quan soạn thảo, cơ quan trình, cơ quan ban hành văn bản pháp luật có vai trò trọng yếu nhất.
Bởi vậy, 5 bảng xếp hạng với các ngôi vị khác nhau trong MEI 2014 cũng gửi gắm sự kỳ vọng của doanh nghiệp với các bộ rằng, những bước đột phá mới về thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh đang phụ thuộc rất lớn vào hành động của các bộ, từ những thay đổi trong tư duy xây dựng pháp luật, coi doanh nghiệp là đối tác chỉ không chỉ là đối tượng thực thi để minh bạch, trách nhiệm hóa hoạt động soạn thảo, lấy ý kiến, đảm bảo chất lượng nội dung các văn bản cũng như quá trình tuyên truyền, phổ biến và thực thi pháp luật...
Những bước cải cách từ khung khổ pháp luật theo kịp với yêu cầu của tình hình kinh tế, yêu cầu của thị trường, của cộng đồng doanh nghiệp cũng như mô hình phát triển mới của Việt Nam sẽ tiếp tục mở đường cho những cải cách tiếp theo ở khâu thực hiện, ở các địa phương.
Bảo Duy

Theo baodautu.vn