Thưa ông, sau 2 ngày Luật Doanh nghiệp chính thức có hiệu lực nhưng chưa có nghị định hướng dẫn thi hành, vẫn còn khá nhiều băn khoăn từ các doanh nghiệp…
Tôi muốn khẳng định rõ tinh thần và nguyên tắc của Luật Doanh nghiệp 2014 mà các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước cần thông suốt là, với các quy định chi tiết của Luật, phần lớn các điều khoản của Luật Doanh nghiệp có thể thực thi trực tiếp mà không cần phải có hướng dẫn thêm.
Ví dụ, với doanh nghiệp đăng ký thành lập từ ngày 1/7, hồ sơ đăng ký thực hiện theo quy định tại Điều 20, 21, 22, 23, Luật Doanh nghiệp 2014. Trình tự, thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại Điều 27, Luật Doanh nghiệp 2014…






Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương



Hay với con dấu của doanh nghiệp, theo quy định tại Khoản 2, Điều 44, Luật Doanh nghiệp 2014, trước khi sử dụng, doanh nghiệp gửi thông báo về mẫu con dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện đến Phòng Đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Nghĩa là, việc thực thi Luật Doanh nghiệp 2014 sẽ theo đúng các điều khoản trong Luật mà không cần có hướng dẫn thêm. Về hồ sơ, thủ tục, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có hướng dẫn gửi các Sở Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan đăng ký kinh doanh để thực hiện thống nhất trên toàn ngành và đề nghị các cơ quan này công bố công khai tại các phòng đăng ký kinh doanh.
Có vẻ như không dễ thực thi trực tiếp các điều khoản của luật vì lâu nay, không chỉ doanh nghiệp, mà các cơ quan quản lý nhà nước vẫn có thói quen chờ nghị định hướng dẫn thêm. Có doanh nghiệp khắc dấu nói là không dám khắc mẫu dấu doanh nghiệp đem đến nếu chưa có hướng dẫn cụ thể…
Cả doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước buộc phải thực hiện theo Luật, không có cách nào khác. Nếu cơ quan quản lý nhà nước không tuân thủ theo quy định của Luật, doanh nghiệp có quyền khiếu kiện.
Hay trong trường hợp doanh nghiệp khắc dấu nào không nhận khắc mẫu dấu mới thì tôi tin là sẽ có doanh nghiệp khác nhận công việc này. Luật chơi đã thay đổi, buộc các doanh nghiệp phải thay đổi để thích nghi. Không thể vì thói quen cũ mà cản trở hiệu lực của Luật Doanh nghiệp 2014.
Trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo về danh mục 3.299 ngành nghề đương nhiên bị bãi bỏ và hết hiệu lực sau 1 năm nữa (từ ngày 1/7/2016). Cụ thể thế nào, thưa ông?
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các bộ, cơ quan và địa phương thực hiện tập hợp, rà soát và phân loại các điều kiện kinh doanh. Kết quả cho thấy, tương ứng với 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện là 6.475 điều kiện kinh doanh thuộc các cấp độ khác nhau, trong đó 3.299 điều kiện đang được quy định tại 170 thông tư, quyết định của các bộ.
Theo quy định của Luật Đầu tư 2014, thì 3.299 điều kiện nêu trên sẽ đương nhiên bị bãi bỏ và hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2016. Tôi muốn nhấn mạnh, đây là các điều kiện kinh doanh được ban hành trước ngày 1/7/2015 dưới dạng thông tư, quyết định của các bộ, UBND. Việc công bố là, để tạo thuận lợi cho người dân biết và thực hiện. Có nghĩa là nếu không công bố thì cũng vẫn hết hiệu lực.
Còn các điều kiện kinh doanh được ban hành bởi các thông tư của các bộ, quyết định của UBND các cấp sau ngày 1/7/2015 thì sẽ không có hiệu lực thi hành, người dân và doanh nghiệp không có nghĩa vụ phải thi hành.
Các doanh nghiệp có thể sẽ gặp khó khăn trong việc xác định tính pháp lý của các điều kiện kinh doanh, nhất là khi trước thời điểm thi hành Luật Doanh nghiệp, vẫn còn một số bộ, ngành đang dự thảo điều kiện kinh doanh tại các thông tư của mình?
Có thách thức trong thực thi, nhưng sẽ phải thực hiện. Ở đây, cần vai trò của các giới chuyên gia, báo chí, hiệp hội và chính các doanh nghiệp trong việc phát hiện các điều kiện kinh doanh được ban hành không đúng thẩm quyền. Việc thực hiện đúng Luật cũng sẽ tạo ra áp lực để buộc các cơ quan quản lý nhà nước tuân thủ quy định về việc này.
Khánh An

Theo baodautu.vn

Bài viết cùng chuyên mục: