Trước khi đầu tư vào Việt Nam, GEM đã thực hiện 375 thương vụ đầu tư khác ở hơn 70 quốc gia. Ông nhận định thế nào về cơ hội đầu tư tại Việt Nam?
Việt Nam là một thị trường mới nổi, với dân số lớn (hơn 90 triệu dân) và trẻ, nên tiềm năng tăng trưởng cũng như cơ hội đầu tư rất lớn. Thời gian qua, GEM đã cam kết đầu tư vào một số doanh nghiệp Việt Nam, trong đó, mới đây nhất (ngày 16/6), GEM đã công bố phát hành thành công gần 20 triệu cổ phiếu hoán đổi cho các cổ đông của Công ty Mass Noble Investments Limited của Mỹ (công ty thuộc danh mục đầu tư của GEM), với giá hoán đổi 12.500 đồng/cổ phiếu, tỷ lệ hoán đổi 1:1,4 (1 cổ phiếu DLG của Tập đoàn Đức Long Gia Lai đổi 1,4 cổ phiếu Mass Noble).
Với giao dịch này, Đức Long Gia Lai đã trở thành đơn vị tiên phong trong hoạt động mua lại doanh nghiệp nước ngoài thông qua hình thức hoán đổi cổ phiếu, chính thức nắm quyền sở hữu Công ty Mass Noble, đồng thời trở thành chủ sở hữu nhà máy ANSEN có trụ sở tại tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Vì vậy, ngay khi hoàn thành các thủ tục pháp lý, Ban lãnh đạo Mass Noble đã chính thức bàn giao quyền sở hữu Công ty và Nhà máy ANSEN cho Đức Long Gia Lai.








Tại sao GEM lại chọn Đức Long Gia Lai để rót vốn đầu tư, chứ không phải là doanh nghiệp nào khác, thưa ông?
Việc chọn Đức Long Gia Lai đã được Quỹ tìm hiểu kỹ trước khi đưa ra quyết định đầu tư và GEM đánh giá đây là một doanh nghiệp có tiềm năng của Việt Nam. Hiện tại, GEM còn ký thỏa thuận đầu tư vào FLC, HAGL…
Đến nay, GEM đã công bố đầu tư vào 4 doanh nghiệp tại Việt Nam, gồm: CTCP Tập đoàn FLC (mã: FLC), CTCP Tập đoàn Hoàng Huy (mã: HHS), CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (mã: DLG) và CTCP Hoàng Anh Gia Lai (mã: HAG). Riêng với Đức Long Gia Lai, ngoài khoản đầu tư lần này, GEM sẽ tiếp tục mua thêm hơn 10 triệu cổ phiếu DLG trong thời gian tới để gia tăng quyền sở hữu.
Với các khoản vốn mà GEM đã cam kết đầu tư vào doanh nghiệp Việt Nam từ giữa năm 2014 đến nay, tình hình giải ngân thế nào?
Với các doanh nghiệp mà GEM đã ký thỏa thuận hợp tác, tìm kiếm cơ hội đầu tư, như HHS, HAGL hay FLC, chúng tôi rất muốn đầu tư vào các công ty này. Tuy nhiên, theo cấu trúc hợp đồng mà GEM ký kết với các doanh nghiệp, thì sau khi chọn doanh nghiệp để đầu tư, GEM sẽ làm việc với HĐQT của các công ty để HĐQT các công ty này giới thiệu cho GEM các cổ đông lớn có nhu cầu bán ra cổ phiếu. Tuy nhiên, thời gian qua, giá cổ phiếu của những doanh nghiệp này giảm, nhu cầu bán ra của các cổ đông không nhiều, nên GEM chưa có cơ hội để đầu tư vào các doanh nghiệp này.
Còn với việc chuyển nhượng Mass Noble cho Đức Long Gia Lai qua hình thức hoán đổi cổ phiếu, GEM trở thành cổ đông ngoại lớn và tôi trở thành thành viên HĐQT của Tập đoàn. Tỷ lệ sở hữu của GEM tại Đức Long Gia Lai có kế hoạch sẽ tăng lên trên 20% trong thời gian tới.
Vân Linh

Theo baodautu.vn

Bài viết cùng chuyên mục: