Theo ông Tuất, sau khi một số cơ quan báo chí đăng tải về việc Sabeco bị 'buộc truy thu hơn 408 tỷ đồng' thì một số cơ quan thông tấn, báo chí nước ngoài đưa tin Sabeco trốn thuế, buộc phải nộp 408 tỷ đồng.
'Theo tính toán của các công ty tư vấn tài chính, chúng tôi có thể sẽ mất khoảng 5% thị phần. Và rất may là Sabeco chưa niêm yết trên sàn chứng khoán, nếu đã niêm yết trên sàn chứng khoán, với thông tin sai lệch trên, Sabeco bị mất giá trị cổ phần, mất thị phần 20-25% là chuyện bình thường', ông Tuấn cho biết.






Ông Phan Đăng Tuất trong vòng vây của báo chí sáng ngày 15/7



Theo ông Tuất, hơn 10.000 lao động thuộc Sabeco và khoảng 400.000 lao động gián tiếp của Sabeco rất hoang mang, lo lắng, bức xúc trước thông tin chưa chính xác như đã nêu trên.
Ông Tuất cho rằng, nếu thực hiện theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước sẽ là một bài toán pháp lý phức tạp.
'Đầu tiên Sabeco khẳng định rằng, Sabeco tôn trọng, thượng tôn và thực hiện đúng quy định của pháp luật. Trong trường hợp Sabeco vẫn bị phán quyết nộp 408 tỷ đồng thuế tiêu thụ đặc biệt theo đề xuất của Kiểm toán Nhà nước thì Sabeco sẽ lấy nguồn tiền nào? Trên thực chất, nếu phải nộp, khoản tiền này vẫn là tiền của nhà nước. Chỉ có thể lấy ra ở Quỹ Dự phòng và nguồn lợi nhuận chưa chia. Nhưng 'khổ' là cả 2 nguồn này cũng đều của nhà nước. Nhưng có 10% cổ đông ngoài sở hữu vốn tại Sabeco, phải xin ý kiến họ, nếu cổ đông sở hữu 10% vốn không chịu thì sẽ xử lý như thế nào? Không hiểu cách gì để nộp. Nếu tuân thủ theo kết luận truy thu của Kiểm toán, sử dụng nguồn quỹ dự phòng hoặc nguồn lợi nhuận chưa phân phối thì bản chất vẫn là tiền nhà nước, có nghĩa là Sabeco lại phải xin tiền nhà nước để nộp vào ngân sách nhà nước?', ông Tuất cho biết.
Sâu xa hơn, theo ông Tuất, hiện Chính phủ đang có chủ trương bán tiếp phần vốn của Sabeco cho các nhà đầu tư chiến lược. Nếu thực hiện nộp thuế thuế tiêu thụ đặc biệt như kết luận của Kiểm toán Nhà nước sẽ làm tăng thuế tiêu thụ đặc biệt lên khoảng 3,3% thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, làm mất sức hấp dẫn đầu tư, kéo dài việc cổ phần hóa của chính phủ.
Ông Tuất cho biết thêm, lợi nhuận sau thuế của các năm vừa qua tại Sabeco đã được phân phối cho các quỹ và chia cổ tức cho các cổ đông. Nên việc thay đổi cách thức tính thuế theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước sẽ ảnh hưởng đến hoạt động tài chính, sản xuất kinh doanh của Sabeco. Nếu chấp thuận đề xuất của Kiểm toán Nhà nước về cách tính thuế TTĐB thì truy ngược lại từ năm 2008 tới nay, Sabeco sẽ bị truy thu khoảng 4.000 tỷ đồng.
Thông tin mà ông Tuất cung cấp là hiện Sabeco đã có văn bản báo cáo, đề xuất xử lý với Bộ chủ quản Sabeco là Bộ Công thương, sau đó Bộ Công thương gửi văn bản cho Bộ Tài chính và hiện Sabeco vẫn phải chờ hướng dẫn của Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính.
'Nếu có phán quyết phải nộp Sabeco sẽ nộp. Nhưng nộp như thế nào, lấy nguồn từ đâu chúng tôi phải xin ý kiến chỉ đạo', ông Tuất cho biết.
Như Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn đã đưa tin, lý do khiến Kiểm toán Nhà nước đưa ra đề nghị truy thu hơn 408 tỷ đồng chỉ riêng cho năm 2013 là bởi Công ty TNHH MTV Thương mại Sabeco và các công ty cổ phần thương mại khu vực là những đơn vị thuộc hệ thống sản xuất kinh doanh của cơ sở sản xuất là Công ty mẹ, không phải là công ty con độc lập. Tại đây, Công ty Mẹ - Sabeco vẫn quyết định giá bán ra, nên giá tính thuế TTĐB phải là giá bán ra của các công ty cổ phần thương mại khu vực, không phải là giá bán ra tại Công ty TNHH MTV Thương mại Sabeco như Tổng công ty Sabeco đã thực hiện.
Kết luận của Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra, Sabeco đã thành lập tổng số 10 công ty cổ phần thương mại khu vực nhằm phân phối bia Sài Gòn (tại các công ty này, Sabeco có vốn góp từ 90 - 94%).
Chính vì vậy, trong văn bản gửi Bộ Tài chính và trong kết luận kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước yêu cầu Sabeco phải nộp thuế TTĐB dựa trên giá bán ra của các công ty thương mại khu vực - đơn vị trực tiếp bán hàng ra khỏi hệ thống của Sabeco.
Hữu Tuấn

Theo baodautu.vn