20h tối, tại tầng một cửa hàng Circle K, đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh) số lượng khách ngồi thư giãn, ăn uống khá đông, đa phần là những người trẻ, học sinh, sinh viên với hóa đơn chi tiêu tầm 50.000-200.000 đồng.

Hoa, sinh viên trường Đại học Công nghệ TP HCM cho biết, trước đây rất hiếm khi vào cửa hàng tiện lợi vì không gian nhỏ, nhưng vài tháng trở lại đây, một tuần Hoa vào cửa hàng khoảng 3-4 lần.
“Từ khi cửa hàng này mở rộng thêm tầng một với vài bộ bàn ghế, lại có không gian khá yên tĩnh, tôi và bạn bè thường vào đây để họp nhóm. Buổi trưa nếu muốn ăn uống, cả nhóm có thể chạy xuống quầy hàng mua. Nơi đây có đủ các loại thực phẩm ăn nhanh như mì gói, bánh mì, gà, trứng chiên, bánh bao…” Hoa nói.







Cửa hàng tiện ích ngày càng thu hút nhiều học sinh, sinh viên. Ảnh: Hồng Châu.




Không gian rộng hơn so với Circle K, FamilyMart trên đường D2 (Bình Thạnh) thu hút ngày càng đông khách. Tại đây, nhà bán lẻ này cũng nâng cấp hệ thống bằng cách mở thêm tầng một. Toàn bộ diện tích được đặt 8 bộ bàn ghế để khách hàng mua sắm có thể nghỉ ngơi và ăn uống tại chỗ. Đáng chú ý, nhiều nơi, cửa hàng còn sắp đặt không gian riêng hướng ra đường cho những khách hàng muốn ngắm cảnh và thư giãn buổi sáng.
Đại diện FamilyMart cho biết, việc dành khá nhiều diện tích cho khách hàng ăn uống, thư giãn là chiến lược được công ty đẩy mạnh. Cho tới nay, những cửa hàng bên trong trung tâm thương mại được công ty chuẩn bị chỗ thư giãn, nghỉ ngơi phía trước hoặc bên cạnh cho khách. Còn với các cửa hàng ở trên những tuyến đường trọng điểm, hãng sẽ nâng cấp và mở rộng thêm tầng.
“Hiện chúng tôi đã có 72 cửa hàng tiện lợi, trong đó 52 chi nhánh có quầy ăn uống (22 cái được nâng cấp thêm lầu). Trong đó, thực phẩm ăn nhanh phục vụ ngay tại cửa hàng như sushi, lẩu hot pot, đồ chiên, bánh bao, sandwich... bán rất chạy”, đại diện FamilyMart nói.
Đơn vị này cũng cho biết, đang tăng cường tìm kiếm mặt bằng để đẩy mạnh chiến lược chiếm lĩnh thị trường với mục tiêu 800-1.000 cửa hàng vào năm 2020 và hướng tới số lượng 5.000 chi nhánh trong tương lai, tương đương chiếm trên 30% thị phần, đứng đầu trong kinh doanh cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam.
Cùng với các hệ thống cửa hàng tiện lợi, các hệ thống siêu thị cũng không ngừng gia tăng thêm dịch vụ tiện ích như phục vụ đặt hàng qua điện thoại, giao hàng tận nơi miễn phí, lên lai quần áo, bố trí thêm các khu ẩm thực... Đại diện Saigon Co.op cho biết, hiện có khoảng 60 Co.opmart trên cả nước có khu ẩm thực do siêu thị trực tiếp kinh doanh. Ngoài ra, tại các khu tự doanh còn bố trí máy rút tiền, sắp tới chuẩn bị đưa vào hoạt động dịch vụ thanh toán tiền điện, nước, điện thoại,…
Không chỉ các cửa hàng tiện lợi, siêu thị phục vụ khách hàng kỹ lưỡng, ngay cả những trạm xăng cũng đã bước vào cuộc đua này bằng việc cung cấp đầy đủ các loại dịch vụ như rửa xe, cà phê, cho tới đồ ăn.
Tại trạm xăng của Petrolimex trên đường Hai Bà Trưng, quận 1 đang thí điểm triển khai mô hình tiện lợi với khá nhiều dịch vụ. Nếu trước đây, bên trong nhà chờ rửa xe chỉ là các hàng ghế ngồi thì nay cung cấp thêm dịch vụ nước uống và cà phê pha sẵn với giá 10.000-15.000 đồng một ly. Đồng thời, các nhân viên ở đây còn bán thêm cả bảo hiểm xe máy. Bên cạnh nhà chờ này còn có thêm một tiệm bánh mì rộng khoảng 10m2. Giá cả sản phẩm cũng chỉ dao động quanh mức 15.000-50.000 đồng.
Đại diện Petrolimex cho biết, mô hình kinh doanh tiện lợi trên đang trong quá trình thử nghiệm. Tại TP HCM, đơn vị mới chỉ triển khai ở quy mô nhỏ với một vài địa điểm chứ chưa mở đại trà.
“Nếu mô hình thử nghiệm hiệu quả, chúng tôi mới lên kế hoạch nhân rộng và cải thiện quy mô ở khoảng 200 địa điểm kinh doanh xăng dầu, đồng thời mở thêm cửa hàng tiện lợi. Hiện, doanh nghiệp cũng đang tìm đối tác để cùng thực hiện”, đại diện đơn vị cho biết.
Nhận định về tình hình trên, giám đốc một hệ thống siêu thị tại TP HCM cho biết, cuộc đua của thị trường bán lẻ ngày càng trở lên gay gắt. Nếu trước đây chỉ có các ông lớn trong ngành bán lẻ cạnh tranh với nhau thì nay khá nhiều doanh nghiệp có tiềm lực tài chính lớn cũng muốn tham gia vào ngành này, khiến cho thị phần đang dần dần được chia lại.
Cũng chính bởi lẽ đó, hiện nay các hệ thống siêu thị không những gia tăng tiện ích mà còn cấu trúc lại cơ cấu mặt hàng sao cho đem lại mức lợi nhuận ổn định nhất. 'Tại hệ thống siêu thị tôi đang điều hành, toàn bộ việc bài trí khu ẩm thực cũng như đồ uống mà người tiêu dùng ưa thích được sắp đặt có hệ thống hơn. Bên cạnh đó, nếu trước đây chúng tôi chỉ chú trọng vào một số loại thực phẩm nấu chín thông thường thì nay phát triển đa dạng hơn, thậm chí có món chỉ vài nghìn đồng', vị này nói.
Ông cũng cho biết, từ khi các dịch vụ tiện lợi phát triển, sức mua tại hệ thống siêu thị của công ty có chậm lại, nhưng doanh thu từ các tiện ích gia tăng đã giúp cho lợi nhuận công ty tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo số liệu của Cục Thống kê TP HCM, trong 4 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn đạt 211.414 tỷ đồng, tăng 10,7%. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt trên 165.825 tỷ đồng, tăng 11,1%, dịch vụ tiêu dùng đạt 45.588 tỷ đồng, tăng 8,9%.
Thông tin từ Hiệp hội siêu thị Việt Nam cũng cho biết, dư địa của kênh bán lẻ hiện đại còn nhiều, tuy nhiên sự cạnh tranh của kênh phân phối này đang rất khốc liệt bởi ngoài các nhà đầu tư nước ngoài tham gia mạnh vào thị trường thì trong nước các doanh nghiệp khác ngành cũng nhanh chân nắm bắt cơ hội.
Hiện cả nước có khoảng 724 siêu thị và 132 trung tâm thương mại, số cửa hàng tiện lợi hoạt động đúng nghĩa (có thương hiệu và vận hành theo chuỗi) mới chỉ dừng lại ở con số hàng trăm. Theo quy hoạch của Bộ Công Thương, đến năm 2020 cả nước sẽ có khoảng 1.200 – 1.500 siêu thị, tức là cần thêm 550 cái so với hiện tại.


Hồng Châu (Vnexpress)

Theo baodautu.vn