Dù liên tục mở rộng đầu tư, song tỷ trọng xuất khẩu của doanh nghiệp dệt may trong nước đang có xu hướng giảm. Ảnh: Đức Thanh




Kim ngạch xuất khẩu dệt may duy trì tốc độ tăng trưởng 2 con số trong nửa đầu năm 2015, đạt xấp xỉ 12 tỷ USD là một thành quả ấn tượng, cho thấy sự chuyển động tích cực của ngành về năng lực sản xuất, cung ứng, khẳng định vị thế dệt may Việt Nam trong chuỗi giá trị dệt may toàn cầu.
Nhưng thực tế là, trong gần 12 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu 6 tháng qua, giá trị do các doanh nghiệp dệt may nội địa thực hiện chỉ chiếm 27,5%, trong khi 3 năm trước, tỷ trọng này xấp xỉ 35%.
“Tỷ trọng xuất khẩu do các doanh nghiệp nội thực hiện ngày càng giảm mạnh, cho thấy sự chênh lệch lớn về quy mô, năng lực sản xuất và khả năng đáp ứng yêu cầu đặt hàng của 2 khu vực FDI và khối doanh nghiệp trong nước”, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết.
Số liệu đầu tư được ông Giang công bố cho thấy, năm 2014, đầu tư của khu vực FDI vào ngành dệt may Việt Nam là 2 tỷ USD; riêng 6 tháng đầu năm 2015, vốn FDI đăng ký vào dệt may đã vượt 1 tỷ USD.
Đáng lưu ý, những dự án FDI vào dệt may thời gian gần đây đều có điểm chung là được đầu tư bởi các tập đoàn lớn, quy mô dự án lớn và tập trung vào sản xuất nguyên phụ liệu, thay vì chỉ vào ngành may, vốn mỏng như trước kia.
Chỉ tính riêng 3 dự án lớn được cấp phép đã có vốn đăng ký trên 1 tỷ USD, gồm Dự án Sản xuất và gia công các loại sợi của Công ty TNHH Hyosung Đồng Nai (vốn đầu tư 660 triệu USD); Dự án Sản xuất sản phẩm may mặc cao cấp của Công ty TNHH Worldon - Việt Nam (vốn đầu tư 300 triệu USD) do nhà đầu tư British Virgin Islands đầu tư tại TP.HCM và Dự án Nhà máy sợi, vải màu Lu Thai - Việt Nam (vốn đầu tư 160,8 triệu USD) do nhà đầu tư Hồng Kông tại tỉnh Tây Ninh với mục tiêu sản xuất sợi, sản xuất vải màu.
Giải thích thêm về sự chênh lệch trong xuất khẩu của doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa, theo đại diện Vitas, doanh nghiệp Việt Nam có đặc điểm quy mô nhỏ và vừa, 70% làm gia công, còn các doanh nghiệp FDI đầu tư lớn, có quy mô lớn, chủ yếu làm FOB.
Báo cáo cập nhật mới nhất của Tổng cục Hải quan về tình hình xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm nay cho thấy, tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của khối doanh nghiệp trong nước là 25,23 tỷ USD, giảm 8,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) thừa nhận, vốn mỏng đang là lực cản lớn đối với các doanh nghiệp dệt may trong việc gia tăng tỷ lệ nội địa hóa.
Trong khi đó, động thái đổ thêm vốn, gia tăng quy mô hoạt động, mở rộng xuất khẩu… hoặc nhanh chân vào Việt Nam đầu tư nhà máy, tận dụng lợi thế về thị trường, thuế của khối doanh nghiệp FDI có thể nhìn thấy rõ hơn ở khối các doanh nghiệp sản xuất phụ liệu, điển hình là sản xuất sợi đến từ Hàn Quốc, Đài Loan…
Minh chứng là, Công ty TNHH Ilshin Việt Nam đang cần tuyển một lượng lao động lớn làm việc tại nhà máy ở Tây Ninh. Dự án Đầu tư xây dựng Nhà máy dệt Ilshin tại Tây Ninh do Công ty TNHH Ilshin Việt Nam thực hiện có tổng vốn đầu tư 177 triệu USD và là một trong số dự án FDI được cấp phép và triển khai thực hiện với thời gian nhanh kỷ lục từ trước đến nay tại địa phương này. Được cấp giấy phép đầu tư từ đầu năm 2014, nhưng đến hết tháng 9/2014, công tác xây dựng Nhà máy đã thực hiện ước đạt 50% khối lượng công việc và đầu quý II/2015, nhà thầu VINAINCON đã hoàn thành và bàn giao công trình cho chủ đầu tư…
Hải Yến

Theo baodautu.vn