Ngành dịch vụ logistics tại Việt Nam phát triển nhanh chóng, từ một vài doanh nghiệp giao nhận quốc doanh của đầu thập niên 90 đến nay đã có hơn 600 công ty hoạt động trên cả nước.
Thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho thấy, trung bình mỗi tuần có một công ty giao nhận, logistics được cấp phép hoạt động hoặc bổ sung chức năng logistics. Sự phát triển ồ ạt về số lượng các công ty giao nhận, logistics trong thời gian qua là kết quả của việc dỡ bỏ rất nhiều rào cản trong thành lập và đăng ký doanh nghiệp.
Giới chuyên gia dự báo, chỉ vài năm nữa, Việt Nam sẽ vượt cả Thái Lan (1.100 công ty), Singapore (800), Indonesia, Philippines (700-800) về số lượng công ty logistics đăng ký hoạt động trong nước.






Bà Trần Thị Thanh Thủy, Phó giám đốc Chi nhánh Hàm Long Ngân hàng TMCP SHB trong vai trò CEO ở tình huống này




Việc phát triển nóng của ngành logistics trở nên lo ngại hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Xét về quy mô vẫn rất nhỏ bé, ngoại trừ vài chục doanh nghiệp quốc doanh và cổ phần, có quy mô 300-400 nhân viên, số còn lại trung bình 20-70 nhân viên, trang thiết bị, phương tiện, cơ sở hạ tầng còn thấp kém, chủ yếu mua bán cước tàu biển, cước máy bay, đại lý khai quan và dịch vụ xe tải, một số có thực hiện dịch vụ kho vận nhưng không nhiều.
Do phát triển nóng, nên nguồn nhân lực cung cấp cho thị trường logistics Việt Nam đang trở nên thiếu hụt trầm trọng. Hiện chưa có thống kê chính xác về nguồn nhân lực phục vụ. Nếu chỉ tính riêng các công ty thành viên Hiệp hội Logistics Việt Nam, tổng số nhân viên khoảng 5.000 người. Ngoài ra, ước tính có 4.000-5.000 người thực hiện dịch vụ giao nhận vận tải bán chuyên nghiệp hoặc chuyên nghiệp khác, nhưng chưa tham gia Hiệp hội.
Đối với các công ty logistics giao nhận có quy mô nhỏ và vừa, hoặc mới gia nhập thị trường, cũng có một đội ngũ cán bộ quản lý trẻ, có trình độ đại học, nhiều tham vọng nhưng kinh nghiệm kinh doanh quốc tế và tay nghề còn thấp.
Để nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức khi bước vào kinh doanh trong khu vực kinh tế chung ASEAN, nhiều công ty đã đi thuê một đơn vị tư vấn để thực hiện hoạt động tái cấu trúc, cải thiện chất lượng nhân sự. Trong quá trình đó, công ty tư vấn và doanh nghiệp thấy khoảng 40% trong tổng số cán bộ nhân viên của công ty không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu công việc trong giai đoạn mới. Trong đó, sẽ có khoảng 20% nhân sự hết hạn hợp đồng lao động trong thời gian tới và công ty có quyền chấm dứt hợp đồng lao động. Trước tình hình đó, bên đối tác tư vấn gợi ý công ty không nên tiếp tục ký hợp đồng với những nhân sự này, mà thay vào đó tìm và tuyển mới thay thế nhân sự phù hợp hơn. Khi CEO đưa vấn đề này ra bàn bạc trước với các trưởng phòng thì bị phản đối.
Các trưởng phòng cho rằng, những nhân sự này làm việc rất ăn ý trong đội nhóm của họ. Mặc dù còn có nhiều hạn chế, nhưng lại là những người chăm chỉ, xông xáo và không ngại việc. Hơn nữa, họ là những người gắn bó, hiểu rõ văn hóa của doanh nghiệp, khách hàng, đối tác, có kinh nghiệm và kỹ năng giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình làm việc với các bên. Công ty nên gia hạn hợp đồng với họ, thêm chi phí để đào tạo họ thêm.
Nhưng CEO lại không đồng tình, vì việc đào tạo sẽ mất rất nhiều thời gian và chưa chắc đã thành công. Hơn nữa, cùng một lúc cần đào tạo mỗi đội ngũ nhân sự đông đảo như vậy, công ty phải thêm gánh nặng chi phí. Trong khi đó, trên thị trường, có nhiều nhân sự có chi phí tương tự, nhưng chất lượng hơn tốt hơn. Ý kiến của CEO vẫn không nhận được sự đồng thuận của các trưởng phòng. CEO sẽ có cuộc họp chính thức với các trưởng phòng liên quan vào Chủ nhật tuần này.
Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của chương trình CEO - Chìa khóa Thành công do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất với sự đồng hành của nhãn hàng OTIV.
Bà Trần Thị Thanh Thủy, Phó giám đốc Chi nhánh Hàm Long Ngân hàng TMCP SHB trong vai trò CEO ở tình huống này

Anh Vũ

Theo baodautu.vn