Thông tin từ Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) cho biết, Tập đoàn E-United, chủ đầu tư của Dự án Thép Guang Lian, đã chính thức có văn bản thông báo việc không thể thu xếp tài chính cho Dự án. Điều này có nghĩa rằng, dù đã xin giảm quy mô từ 3 tỷ USD xuống còn 2 tỷ USD, đồng thời xin phân kỳ đầu tư thành 4 giai đoạn, song đến thời điểm này, việc E-United tiếp tục đầu tư dự án thép có số phận long đong này là bất khả thi.
“Trước mắt, sẽ phải chấm dứt thực hiện Dự án. Chúng tôi sẽ hỏi ý kiến các bộ, ngành để tiến hành các thủ tục cần thiết cho việc thu hồi dự án này”, nguồn tin của Báo Đầu tư cho biết.






Sau nhiều năm giậm chân tại chỗ, Dự án Thép Guang Lian đã chính thức phá sản do không thể thu xếp tài chính. Ảnh: Đ.T




“Giấc mộng” Thép Guang Lian như vậy đã chính thức phá sản, dù các thủ tục cuối cùng vẫn chưa được thực hiện.
Dự án Thép Guang Lian chính thức được cấp chứng nhận đầu tư từ năm 2006, đầu tiên cho Tập đoàn Tycoons (Trung Quốc), sau đó có thêm sự tham gia của E-United (Đài Loan), với tỷ lệ góp vốn tương ứng là 10% và 90%.
Triển khai chậm, đã qua 4 lần đổi giấy chứng nhận đầu tư, Guang Lian trên thực tế đã dừng triển khai xây dựng từ năm 2010 để xin nâng vốn đầu tư từ 3 tỷ USD lên 4,5 tỷ USD. Trong lúc chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh, đầu năm 2012,
E-United và JFE - một trong những tập đoàn thép hàng đầu của Nhật Bản và toàn cầu, đã ký thỏa thuận hợp tác để cùng triển khai dự án này. Với sự xuất hiện của JFE, Dự án được kỳ vọng sẽ nhanh chóng triển khai.
Nhưng sau hơn 2 năm đeo đuổi, nghiên cứu, tháng 9/2014, JFE tuyên bố rút khỏi Dự án vì các lý do liên quan đến thị trường thép suy giảm, cũng như biến động tỷ giá khiến việc đầu tư bằng đồng yên trở nên đắt đỏ hơn. Điều này buộc E-United phải tiếp tục “xắn tay”.
Vào thời điểm đó,
E-United tuyên bố tiếp tục triển khai Dự án và tháng 3/2015, tập đoàn này đã đệ trình hồ sơ đề nghị điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư lần thứ 5 cho Dự án. Khác với lần đề nghị điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư trước mà cho đến nay chưa được tỉnh phê duyệt (nâng tổng vốn đầu tư lên 4,5 tỷ USD), lần này, Guang Lian xin giảm vốn đầu tư Dự án xuống còn 2 tỷ USD. Cùng với đó là các đề nghị điều chỉnh liên quan đến phân kỳ đầu tư và tiến độ đầu tư; sản phẩm và cơ cấu sản phẩm; quy hoạch mặt bằng nhà máy và bến cảng chuyên dụng...
Tuy nhiên, cuối cùng, E-United đã không thể thu xếp được tài chính và đành buông tay đối với dự án đã theo đuổi gần 10 năm.
Như vậy, số phận Dự án Thép Guang Lian đã được định đoạt. Thêm một dự án thép tỷ USD nữa phá sản.
“Hậu” Guang Lian là một câu chuyện không đơn giản. Vì thế, theo nguồn tin của Báo Đầu tư, Quảng Ngãi sẽ tìm phương án xử lý Dự án một cách thận trọng, tránh các hệ lụy xấu.
Nhiều năm trước đây, dư luận đã được biết đến câu chuyện của Liên hợp Thép Cà Ná (Ninh Thuận), vốn đầu tư 9,8 tỷ USD. Chậm triển khai, không có năng lực tài chính, thiếu năng lực và kinh nghiệm trong sản xuất thép là lý do chính khiến liên doanh chủ đầu tư của Dự án là Vinashin (Việt Nam) và Tập đoàn Lion (Malaysia) bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư. Được cấp chứng nhận đầu tư từ năm 2008, đến đầu năm 2011, Dự án Liên hợp Thép Cà Ná chính thức phá sản.
Trường hợp khác là Dự án Thép của Tata (Ấn Độ), vốn đầu tư dự kiến 5 tỷ USD. Tuy nhiên, dự án này chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Sau 5 năm theo đuổi, đầu năm 2014, Tata chính thức tuyên bố rút khỏi Dự án.
Hiện tại, trong số các dự án thép quy mô lớn, ngoài Liên hợp Thép Fomosa (Hà Tĩnh, vốn đầu tư gần 10 tỷ USD) đang triển khai xây dựng, China Steel Sumikin (vốn đầu tư 1,15 tỷ USD) đã đi vào hoạt động ở Bà Rịa - Vũng Tàu, vẫn còn Dự án Sắt xốp Kobelco (Nghệ An, vốn đầu tư 1 tỷ USD) đang giậm chân tại chỗ. Dự án này được triển khai với mục đích sử dụng thép nguyên liệu từ mỏ thép Thạch Khê. Tuy nhiên, mỏ thép Thạch Khê vẫn chưa tìm được đường ra, nên Kobelco chưa thể sớm được triển khai.
Nguyên Đức

Theo baodautu.vn