Theo quy định của Luật Đầu tư, ông sẽ là người ký Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (DN) của các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong trường hợp họ đến làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN cho nội dung liên quan trong Giấy chứng nhận đầu tư đã được cấp trước ngày 1/7/2015.
“Điều chúng tôi cảm thấy không yên tâm ở đây là nếu không làm rõ các quy trình cũng như các bước phối hợp giữa cơ quan đăng ký đầu tư và cơ quan đăng ký kinh doanh, việc đăng ký này trong giai đoạn chuyển đổi có thể sẽ phát sinh nhiều phức tạp”, ông Lê Xuân Hiền lý giải.








Lo ngại nhất của ông Hiền, ở vị trí cơ quan đăng ký kinh doanh, rất có thể một số giấy chứng nhận đầu tư đã được cấp trước đó có những sai phạm, vi phạm về quy trình, thủ tục… Với việc tách giấy chứng nhận đăng ký DN ra khỏi giấy chứng nhận đầu tư cũ, những sai sót này sẽ được hợp thức hóa và khi đó, trách nhiệm phải chăng thuộc về cơ quan đăng ký kinh doanh.
“Tôi cho rằng, cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư (cũ) phải chịu trách nhiệm về hồ sơ đã cấp và phải giải thích cách hiểu về nội dung có vướng mắc mà cơ quan này đã cấp cho DN, làm căn cứ pháp lý để cơ quan đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mới cho DN. Hiện tại, chúng tôi đã nhận được Công văn 4211/BKHĐT-ĐKKD của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn, nhưng mới chỉ hướng dẫn trình tự, thủ tục hồ sơ”, ông Hiền nói.
Theo ông Hiền, các trường hợp này có thể không phổ biến, nhưng cũng phải để tâm đến hướng dẫn trong quá trình xử lý thực tế. Nhất là khi dữ liệu về DN FDI vừa mới được cập nhật trên Cơ sở Dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp theo nguyên tắc chuyển đổi nguyên trạng, chưa phân định được các doanh nghiệp đang có vấn đề, vướng mắc… liên quan đến các nội dung về đăng ký DN như với DN trong nước.
Trong khi đó, các thành viên của Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam lại đang băn khoăn về trường hợp DN có nhu cầu thay đổi nội dung liên quan đến đăng ký kinh doanh trong Giấy chứng nhận đầu tư. “Câu hỏi là, với các giấy tờ hiện có của Giấy chứng nhận đầu tư, nếu thay đổi vốn điều lệ, người đại diện, các DN sẽ phải làm thủ tục thế nào”, luật sư của Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam đặt vấn đề.
Trước đó, trong Diễn đàn DN Việt Nam giữa kỳ 2015, đây cũng là câu hỏi được nhiều nhà đầu tư nước ngoài đặt ra cùng với những lo ngại có thể có về thủ tục khi phải tiến hành tách các loại giấy tờ này.
Hiện tại, theo Công văn 4211/BKHĐT-ĐKKD, trường hợp DN FDI thay đổi nội dung đăng ký DN, DN sẽ làm thủ tục tách Giấy đăng ký DN ra khỏi Giấy chứng nhận đầu tư trước, rồi tiến hành bước thay đổi sau. Tuy nhiên, theo hướng dẫn, DN sẽ chỉ mất một lần làm việc với cơ quan đăng ký kinh doanh, các thao tác trên sẽ do cán bộ phòng đăng ký kinh doanh thực hiện trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Trong trường hợp các DN này có tên trùng, tên gây nhầm lẫn với tên DN đã đăng ký trong Cơ sở Dữ liệu quốc gia về đăng ký DN trước đó, DN này được quyền sử dụng tên DN đã đăng ký và không bắt buộc phải đăng ký đổi tên.
Với các DN đang sử dụng Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh không muốn thay đổi gì, họ được quyền tiếp tục hoạt động mà không bắt buộc phải thực hiện thủ tục đổi sang Giấy chứng nhận đăng ký DN.
Khánh An

Theo baodautu.vn