Tham vọng lớn
Cụ thể, tỉnh Cà Mau vừa có Tờ trình 84/TTr - UBND đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư và chỉ định nhà đầu tư là Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý (Công ty Công Lý) thực hiện Dự án Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai.
Vừa được Thủ tướng cho phép bổ sung vào nhóm cảng biển Đồng bằng sông Cửu Long (nhóm 6), cảng Hòn Khoai được quy hoạch là cảng tổng hợp quốc gia có thể đón các tàu biển có dung tích, tải trọng lớn nhất thế giới hiện nay.






Cảng Hòn Khoai sẽ được xây dựng trên đảo Hòn Khoai cách bờ biển khoảng 17 km. Ảnh: Huỳnh Lâm




Theo ông Phạm Thành Tươi, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, sau một thời gian xúc tiến đầu tư, Công ty Công Lý đã có tờ trình xin đầu tư xây dựng hệ thống cảng biển nước sâu Hòn Khoai với nguồn vốn đầu tư được vay từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hoa Kỳ (US - Exim Bank).
“Việc sớm triển khai và hoàn thành Dự án Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai có ý nghĩa đặc biệt quan trọng gắn với việc đầu tư Khu kinh tế Năm Căn, góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng”, ông Tươi cho biết.
Theo đề xuất của Công ty Công Lý, cảng Hòn Khoai sẽ được xây dựng trên đảo Hòn Khoai cách bờ biển khoảng 17 km, cách Khu kinh tế Năm Căn 42 km.
Nếu được chấp thuận, nhà đầu tư sẽ xây dựng 1 bến cảng có đê chắn sóng, bao gồm 1 khu tạo bãi để xây dựng các bến cho tàu 250.000 DWT; bến chuyển tiếp có thể đáp ứng cỡ tàu từ 5.000 DWT đến 100.000 DWT; khu bến cho tàu lai dắt, tàu tuần tra và dịch vụ; xây dựng một tuyến cầu dẫn nối đảo Hòn Sao vào đất liền…
Dự kiến, tổng vốn đầu tư cảng tổng hợp Hòn Khoai khoảng 2,5 tỷ USD, trong đó 15% vốn doanh nghiệp, 85% vốn vay từ US – Exim Bank; thời gian thực hiện Dự án từ năm 2016 - 2020.
“Dự án cảng Hòn Khoai được đầu tư sẽ hình thành một mắt xích trong chuỗi phân phối toàn cầu, kết nối hệ thống cảng biển và trung tâm kinh tế trong khu vực như Hongkong, Singapore, Malaysia, Thái Lan (qua kênh Kra)”, ông Tô Hoài Dân, Tổng giám đốc Công ty Công Lý nêu tham vọng.
Điều đáng nói là, trong tờ trình Chính phủ của UBND tỉnh Cà Mau và đề xuất của Công ty Công ty không nói rõ Dự án Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai sẽ được thực hiện theo phương thức đầu tư nào? Tương tư, tỷ lệ vốn tham gia của Nhà nước, phương án tài chính cho siêu công trình hạ tầng ở vùng cực Tây Nam Bộ này hiện vẫn là một ẩn số.
Chân dung nhà đầu tư nội
Được thành lập năm 2000, Công ty Công Lý (trụ sở chính tại số 127A, Nguyễn Tất Thành, TP. Cà Mau) là đơn vị tiên phong của tỉnh Cà Mau tham gia lĩnh vực kinh doanh loại hình du lịch sinh thái với Khu du lịch Khai Long.
Trong đơn đề xuất dự án gửi UBND tỉnh Cà Mau, ông Tô Hoài Dân cho biết, nhà đầu tư này đang đầu tư vào nhà máy điện gió trên thềm lục địa thuộc Ấp Biển đông A, xã Vĩnh Trạch Đông, TP.Cà Mau có công suất 300 MW. Giai đoạn I của dự án điện gió gồm 16 trụ turbine công suất 16 MW, tổng mức đầu tư 1.024 tỷ đồng đã hoàn thành và đấu nối vào lưới điện quốc gia từ tháng 4/2014.
Cần phải nói thêm rằng, Công ty Công Lý không phải là nhà đầu tư duy nhất đang theo đuổi Dự án Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai.
Theo thông tin của phóng viên Báo Đầu tư, UBND tỉnh Cà Mau đã từng đề nghị Công ty International Bechtel (Hoa Kỳ) phối hợp với Công ty cổ phần Phát triển cảng trung chuyển container quốc tế Vân Phong lập Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai. Báo cáo này dự kiến được liên danh Việt - Hoa Kỳ hoàn tất trong năm 2016.
Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng hồi tháng 1/2015, ông Mark Argar, Quản lý dự án của Công ty Bechtel cho biết, nhà đầu tư đến từ Hoa Kỳ mong muốn phát triển Cảng Hòn Khoai trở thành cảng cửa ngõ để đưa than đá vào phục vụ các nhà máy nhiệt điện ở Đồng bằng sông Cửu Long...
Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, phía Công ty cần xem xét thị trường khu vực này khi quyết định đầu tư. Theo ông Thăng, đối với cảng than, khu vực này đã có Cảng Duyên Hải; còn cảng trung chuyển quốc tế thì đã có cụm Cảng Cái Mép - Thị Vải. Hiện nay, Bộ Giao thông - Vận tải đang triển khai dự án đầu tư xây dựng công trình luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu, nên cảng chính của khu vực lại là cảng Cần Thơ.
Bên cạnh đó, việc kết nối giao thông đường bộ giữa cảng với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long quy hoạch trước năm 2020 chưa có đường cao tốc. Ông Thăng đặt câu hỏi: nếu hàng hóa nhập khẩu về thì vận chuyển lên phía trên bằng gì?
Được biết, trong văn bản góp ý gửi Thủ tướng Chính phủ về đề xuất của tỉnh Cà Mau, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu cho rằng, Dự án Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai hiện chưa đáp ứng các điều kiện để áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư trong trường hợp nhà đầu tư đề xuất dự án đáp ứng yêu cầu về tính khả thi, có hiệu quả cao nhất, có mục tiêu bảo vệ chủ quyền quốc gia, biên giới, hải đảo.
Anh Minh

Theo baodautu.vn