Du khách quốc tế tham quan Hà Nội. Ảnh: Nguyệt Ánh



Doanh nghiệp chịu thiệt
Bà Tống Thị Thu Hiền, Giám đốc Công ty Du lịch Thăng Long GTC cho biết, việc phá giá đồng nhân dân tệ làm cho các ngoại tệ khác cũng có biến động, đặc biệt hai ngoại tệ mạnh là USD và euro. Điều đáng nói, đây chính là hai đồng ngoại tệ được sử dụng nhiều nhất trong ngành du lịch, do đó sẽ có ảnh hưởng không nhỏ tới ngành 'công nghiệp không khói' Việt Nam. Đối với mảng outbound (du lịch từ Việt Nam ra nước ngoài), hiện các công ty du lịch đều mua landtour (dịch vụ mặt đất) tại nước ngoài bằng ngoại tệ.
Các đồng ngoại tệ mạnh nói trên tăng giá thì đồng nghĩa với việc giá tour tăng theo. Tuy nhiên, các công ty du lịch lớn, chuyên nghiệp thường bán tour đã đặt từ nhiều tháng trước, thậm chí hằng năm với giá bán cố định đã công bố. Vì vậy, khi tỷ giá đột ngột tăng mạnh, các công ty du lịch khó có khả năng tăng giá từ khách đã mua. Ví như, Thăng Long GTC hiện đang có những chuỗi tour đi Hàn Quốc, Nhật Bản, Dubai và Châu Âu đã được đặt sẵn và giá bán cố định, nhiều tour thậm chí đã bán hết, như vậy, công ty không thể thu thêm tiền của khách hàng. Vì tỷ giá biến động bất ngờ nên hiện tại Thăng Long GTC vẫn giữ nguyên giá bán và chấp nhận giảm lợi nhuận.
Cùng quan điểm trên, ông Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Công ty Lữ hành Golden Tour nhận định, với việc tăng tỷ giá thì các đơn vị cả inbound (du lịch từ nước ngoài vào Việt Nam) và outbound đều bị ảnh hưởng. Hiện nay, vé máy bay vẫn phải mua bằng USD, giá landtour các công ty lữ hành Việt Nam cũng trả bằng USD nên khi giá USD tăng thì tất nhiên sẽ bị ảnh hưởng. Hiện nay, Golden Tour phải đối phó với khó khăn bằng cách đàm phán với các đối tác để giảm giá và trả tiền tour, vé máy bay bằng tiền bản địa đồng thời cố gắng tiết kiệm tối đa những chi phí khác để bảo đảm giá tour không tăng.
Lượng khách Trung Quốc vào Việt Nam có thể giảm
Ông Nguyễn Công Hoan, Phó Tổng Giám đốc Hanoi Red Tour cho rằng, việc phá giá đồng nhân dân tệ sẽ không gây biến động nhiều đến du lịch. Tuy nhiên, hiện nay khách Trung Quốc sang Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn, khi đồng nhân dân tệ mất giá thì số lượng người Trung Quốc có thu nhập khá và trung bình có thể sẽ đi du lịch ít hơn, họ cũng thắt chặt chi tiêu hơn khi đi du lịch, và như vậy thị trường inbound của Việt Nam có thể sẽ bị ảnh hưởng.
Còn ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công ty Du lịch TransViet cũng khẳng định, việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ sẽ có ảnh hưởng ít nhiều đến du lịch Việt Nam. Đồng nhân dân tệ yếu hơn và giá cả hàng hóa, dịch vụ của Trung Quốc rẻ hơn thì khách Việt Nam đi tour Trung Quốc sẽ có lợi và khách Trung Quốc đến Việt Nam sẽ thiệt hơn một chút. Tuy nhiên, nó không ảnh hưởng quá nhiều bởi vì việc đi du lịch phụ thuộc vào nhiều yếu tố gồm: Ý thích, tâm lý, khả năng chi trả của người đi du lịch, an ninh tại nước sở tại... 'Ở khía cạnh khác, tour cho khách Việt Nam đi Trung Quốc là shopping tour, tức là tour có gắn thêm vào đó những điểm shopping nên có giá rất rẻ. Chính vì vậy, đồng nhân dân tệ dù có giảm thêm 2% hay 3% nữa thì số lượng khách Việt Nam sang Trung Quốc cũng không tăng thêm là bao, do đó, doanh nghiệp cũng không nên quá lo lắng', ông Nguyễn Tiến Đạt dự đoán.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, khách du lịch từ Trung Quốc đang chiếm tỷ trọng lớn nhất trong số khách quốc tế đến Việt Nam (gần 25%), với mức 1,9 triệu khách năm 2014 và xấp xỉ 950.000 trong 7 tháng đầu năm 2015. Mặc dù chiếm tỷ lệ cao nhưng khách du lịch Trung Quốc lại là đối tượng chi tiêu thấp hơn so với các đối tượng khách khác tại Việt Nam.
Cũng theo số liệu điều tra của Tổng cục Thống kê, khách du lịch Trung Quốc tự tổ chức đến Việt Nam có mức chi tiêu bình quân khoảng 90 USD/ngày/khách, chỉ bằng 63% so với chi tiêu trung bình của khách quốc tế tại Việt Nam, thấp hơn nhiều nước trong khu vực, chỉ cao hơn khách Lào, Malaysia. Chi tiêu trung bình ngoài tour của khách du lịch Trung Quốc đi theo tour là 41,28 USD/ngày/khách, chỉ bằng 35% mức chi tiêu trung bình của khách quốc tế tại Việt Nam.

Lâm Vũ (Báo Hànộimới)

Theo baodautu.vn