-
Công ty VWS kêu cứu!
Nhiều “hiện tượng lạ”
Trong công văn gửi Thường trực Thành ủy, HĐND và UBND TP.HCM cùng các ban, ngành liên quan, Ban giám đốc VWS cho biết, đầu tháng 8/2015, xung quanh Khu liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước do VWS làm chủ đầu tư liên tục xảy ra một số hiện tượng bất thường như: hàng ngày, cả buổi sáng và buổi chiều, có một nhóm người đứng ngoài hàng rào, trên đường liên ấp 1, 2 và trước cổng Công ty cầm máy chụp hình, máy quay phim ghi hình từ xa các hoạt động tại Khu liên hợp.
“Họ sử dụng xe máy, thuyền, ca nô chạy vòng quanh khu vực Dự án, hướng các ống kính máy quay vào khu vực Dự án để quay phim, chụp hình và sử dụng thiết bị ghi hình hiện đại flycam ghi lại mọi hình ảnh của công nhân và chuyên gia đang làm việc trên công trường và các hoạt động diễn ra hàng ngày tại đây. Thậm chí, có những ngày, ngay cả các chuyên gia nước ngoài và công nhân vào ra Khu liên hợp cũng bị chĩa máy quay phim vào thẳng mặt để ghi hình”, công văn của VWS gửi UBND TP.HCM nêu rõ.
Ông David Dương (bên trái) và ông Kevin Moore trao đổi công việc tại Khu liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước.
Công văn cũng cho biết, nhóm người này còn tiếp xúc và xúi giục những người dân địa phương, đặc biệt là những người dân sống trong khu vực vành đai cây xanh cách ly (chưa được di dời) để nói xấu hoạt động xử lý rác của VWS. Những người này chụp hình, quay phim và thu tiếng nói, làm người dân cảm thấy rất phiền phức. “Người dân đã gọi báo cho chúng tôi biết sự việc và đề nghị giúp đỡ để không bị làm phiền thêm nữa”, Ban giám đốc VWS thông tin.
Trước những dấu hiệu bất thường và ngày càng nghiêm trọng diễn ra như trên, VWS lấy làm lo lắng về sự an toàn trong hoạt động của Khu liên hợp Xử lý thất thải Đa Phước - vốn được đầu tư hàng trăm triệu USD, có hàng trăm công nhân viên, người lao động đang làm việc.
“Chúng tôi khẩn thiết báo cáo các cấp lãnh đạo và quý cơ quan chức năng của Thành phố và địa phương đề nghị hỗ trợ, giúp đỡ, xử lý nghiêm, giải quyết gấp các sự việc này, để tránh gây hoang mang và ổn định tinh thần của tập thể công nhân viên, cũng như các chuyên gia nước ngoài của VWS, giúp họ yên tâm tiếp tục làm tốt công việc của mình”, công văn của VWS nêu.
Là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, VWS cam đoan luôn làm tốt nhiệm vụ bảo vệ môi trường và tuân thủ đúng các quy định đã cam kết với Thành phố trong vấn đề tiếp nhận và xử lý chất thải cho toàn Thành phố. VWS luôn sẵn sàng đón tiếp, chia sẻ những kinh nghiệm và công nghệ vận hành Dự án và làm việc với tất cả các cơ quan, ban, ngành, truyền thông báo chí và người dân quan tâm đến Dự án.
Trả lời phóng viên Báo Đầu tư, ông Kevin Moore, Giám đốc Điều hành VWS cũng cho biết, mấy ngày qua đã xuất hiện một số người “quấy rầy” tại Khu liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước, với những hành động như chụp hình, quay phim và tiếp cận Công ty từ nhiều phía.
“Tôi và đồng nghiệp cảm thấy bất an về những hiện tượng này. Là một doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, đại diện cho TP.HCM và Việt Nam thực hiện dịch vụ bảo vệ môi trường quan trọng, VWS rất lo ngại về các hoạt động ‘bất thường’ này đối với vận hành của chúng tôi”, ông Kevin Moore nói.
Theo ông Kevin Moore, Khu liên hợp Xử lý rác thải Đa Phước vận hành 24 giờ mỗi ngày với chính sách mở cửa, sẵn sàng tiếp đón lãnh đạo, nhân dân địa phương tham quan, tìm hiểu có mục tiêu rõ ràng. “Tuy nhiên, hành động của nhóm người trên là không thể chấp nhận được. Cá nhân tôi thấy hành động này rất đáng lo ngại. Quan điểm của chúng tôi rất rõ ràng, trong khi TP.HCM đang phải đối mặt với nhiều thách thức về môi trường, VWS sẽ tiếp tục nỗ lực vận hành tốt như đã thực hiện hơn 7 năm qua, đem lại một môi trường sống trong lành, thân thiện cho cộng đồng”, ông Kevin Moore khẳng định.
Cơ quan chức năng nói gì?
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Trường Nhân, Phó chủ nhiệm Ủy ban về Người Việt Nam tại ngước ngoài cho biết, Khu liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước là dự án do Việt kiều đầu tư, nên ngay sau khi nhận được văn bản của VWS, Ủy ban sẽ gấp rút làm văn bản gửi tới lãnh đạo các cấp chính quyền từ địa phương tới Thành phố kiến nghị các đơn vị liên quan gấp rút xử lý, làm rõ vụ việc để bảo vệ quyền lợi, tài sản và bảo đảm cho Việt Kiều về đầu tư an tâm hoạt động.
Đồng thời, Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài sẽ hỗ trợ pháp lý cho Công ty về các vấn đề liên quan khi về đầu tư tại Việt Nam nhưng bị quấy phá. “Nhà nước ta đang kêu gọi Việt kiều và nhà đầu tư nước ngoài về nước đầu tư. Nếu để xảy ra tình trạng nhiều người không hiểu mục đích gì mà quấy phá hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp như VWS thì sẽ làm ảnh hưởng rất lớn tới chính sách của Chính phủ Việt Nam”, ông Nhân cho biết thêm.
Về phía lãnh đạo địa phương, ông Đỗ Văn Kề, Phó chủ tịch UBND xã Đa Phước, huyện Bình Chánh cho biết, chính quyền xã đã nhận được văn bản phản ánh vụ việc từ phía Công an huyện Bình Chánh. Trước mắt, UBND xã đã có văn bản kiến nghị gửi Công an huyện Bình Chánh đề nghị điều tra làm rõ những đối tượng mà phía VWS tố cáo. Đồng thời, chính quyền xã cũng thực hiện điều tra ngay những sự việc VWS nêu để có hướng xử lý kịp thời.
Đầu tư vì quê hương
Không chỉ thực hiện các dự án lớn ở Mỹ, gần 10 năm nay, ông David Dương đã liên tục đầu tư về quê hương. Hai dự án lớn nhất Việt Nam về xử lý rác hiện nay được Chính phủ Việt Nam đánh giá cao là Khu liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước của VWS do ông Dương là Tổng giám đốc có tổng giá trị lên đến 150 triệu USD và Dự án Khu công nghệ Môi trường Xanh Long An có tổng đầu tư giai đoạn I gần 500 triệu USD.
Trong đó, Khu liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước được đánh giá là khu xử lý rác hiện đại và quy mô nhất Việt Nam theo tiêu chuẩn và công nghệ Hoa Kỳ. Đây chính là điều ông David Dương luôn tự hào. Vì vậy, đi kèm với niềm tự hào đó, người đứng đầu VWS luôn đặt các tiêu chí về vệ sinh môi trường và an toàn lao động lên cao nhất.
Nhiều đoàn đến làm việc tại Khu liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước đều ngạc nhiên khi thấy “núi rác” hơn 8 triệu tấn nhưng được xử lý đúng tiêu chuẩn. Nhiều năm nay, cư dân ở các xã lân cận Khu liên hợp như Quy Đức, Đa Phước, hay Phong Phú đều kiểm chứng cho điều đó. Gần như những người dân ở các xã này đều được “tận mục sở thị” Khu liên hợp này và khi mắt thấy tai nghe thì họ đã yên lòng.
Bà Nguyễn Thị Bông, ấp 2 xã Đa Phước, sống gần Khu liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước cho hay, người dân không còn quan ngại vì ô nhiễm môi trường nữa. Thay vào đó, từ ngày đầu tư về địa phương, VWS đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân. “Nhiều lao động địa phương được nhận vào làm việc và cuộc sống của họ trở nên ổn định hơn”, bà Bông cho biết.
Chia sẻ quan điểm này, ông Nguyễn Văn Song ở ấp 3, xã Đa Phước cho biết, nếu không có khu xử lý rác này, ông cũng không hình dung nổi lượng rác khổng lồ của Thành phố sẽ được đưa đi đâu và xử lý như thế nào. Đa Phước là xã nghèo, nhưng từ ngày có sự xuất hiện của chủ đầu tư Khu liên hợp, người dân được hỗ trợ an sinh khá nhiều. “Thực tế có xuất hiện mùi hôi do các xe chở rác tập kết rác liên tục, nhưng chỉ thi thoảng thôi. Dân chúng tôi sẵn sàng thông cảm thôi!”, ông Song nói.
Rõ ràng, trong thời buổi mà ô nhiễm môi trường đang là vấn đề nhức nhối, việc một công ty đầu tư khu xử lý rác hiện đại và khép kín với công nghệ đạt tiêu chuẩn thế giới như VWS là điều đáng trân quý. Các đoàn lãnh đạo từ cấp cao nhất của nước ngoài, Việt Nam và các bộ, ngành đều đã đến làm việc và đánh giá cao sự đầu tư này.
“Chúng tôi rất mong nhận được sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, vì hơn 5 tháng qua, VWS tiếp nhận thêm 2.000 tấn rác/ngày, nâng tổng số chất thải tiếp nhận hàng ngày hơn 5.000 tấn/ngày. Điều này nâng tầm quan trọng và giá trị dịch vụ do VWS cung cấp. Hiện tại, VWS xử lý hơn 90% lượng chất thải của Thành phố. Hoạt động tiếp nhận chất thải đã được mở rộng vào ban ngày lẫn ban đêm. Nhằm đảm bảo nghĩa vụ đối với Thành phố, VWS đã liên tục đầu tư bổ sung cơ sở vật chất và thiết bị cần thiết để xử lý một cách hiệu quả lượng chất thải được giao”, ông Kevin Moore khẩn thiết đề nghị.
Ngọc Lâm - Gia Huy
Theo baodautu.vn
Bài viết cùng chuyên mục:
Quyền viết bài
- Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
- Bạn Không thể Gửi trả lời
- Bạn Không thể Gửi file đính kèm
- Bạn Không thể Sửa bài viết của mình
-
Nội quy - Quy định
Để tổ chức một sự kiện thành công, bước đầu tiên và quan trọng nhất là lập kế hoạch chi tiết. Một kế hoạch sự kiện hiệu quả phải bao gồm đầy đủ các hạng mục như mục tiêu sự kiện, ngân sách, đối tượng...
Những rủi ro thường gặp trong tổ...