Các sản phẩm của Nhà máy Đạm Phú Mỹ




Ông Lê Cự Tân, Chủ tịch HĐQT PVFCCo thừa nhận, lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp trong 7 tháng qua tăng cao là do nguyên nhân khách quan từ giá dầu giảm. “Trong khi các đơn vị khác xin điều chỉnh kế hoạch do ảnh hưởng của giá dầu giảm, thì PVFCCo cũng điều chỉnh, nhưng theo hướng tăng lên”, ông Tân cho hay.
Với thực tế chi phí giá khí chiếm tới 75% giá thành sản xuất phân đạm, khi cơ quan hữu trách thay đổi cách tính giá khí sang dựa trên giá dầu theo thị trường, lại đúng lúc giá dầu thô thế giới giảm sâu, nên chi phí đầu vào của doanh nghiệp đã giảm đáng kể, góp phần tăng mạnh lợi nhuận.
Ước tính, giá khí tính theo giá dầu trên thị trường giảm so với cách áp dụng trước đây khoảng 32%. Tuy nhiên, giá dầu giảm chỉ là lợi thế khách quan và để trụ vững trên thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt, PVFCCo đã không ngừng đổi mới để có được lợi thế cho riêng mình.
Nhà máy Đạm Phú Mỹ sử dụng công nghệ hiện đại, công suất 740.000 tấn/năm, từ khi đi vào vận hành cách đây 12 năm, luôn sản xuất trên công suất thiết kế. Nhà bản quyền của phân xưởng Amoniac là Haldor Topsoe (Đan Mạch) đã trao chứng nhận đây là nhà máy thứ hai trên thế giới hoạt động an toàn, hiệu quả sau 10 năm vận hành.
Để nâng cao hiệu suất hoạt động, PVFCCo đã đưa vào Dự án Thu hồi CO2 từ khói thải Nhà máy Đạm Phú Mỹ, giúp sản lượng đạt mốc 807.000 tấn urea vào năm 2010 và kỷ lục là 885.000 tấn urea quy đổi trong năm 2014.
Nỗ lực xây dựng hệ thống phân phối và kho hàng tại các vùng miền trên cả nước, với mạng lưới tiêu thụ 3.053 đại lý, cửa hàng, đã giúp thương hiệu Đạm Phú Mỹ của PVFCCo nhanh chóng được tin dùng. Chất lượng cũng là điểm mạnh của PVFCCo, khi tháng 5/2015, sản phẩm phân bón Phú Mỹ đã được Bộ Nông Lâm Thủy sản Nhật Bản cấp Chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng của Nhật Bản.
Đánh giá của Hãng nghiên cứu và phân tích thị trường Nielsen cho thấy, thị phần Đạm Phú Mỹ tính bình quân cả nước là 48%. Ngoài ra, Đạm Phú Mỹ là thương hiệu dẫn đầu thị trường. Các sản phẩm NPK Phú Mỹ, Kali Phú Mỹ, DAP Phú Mỹ nằm trong top 3 nhãn hiệu dẫn đầu.
Ngoài kinh doanh các sản phẩm urea tự sản xuất, PVFCCo còn đẩy mạnh hoạt động xuất, nhập khẩu các mặt hàng phân bón khác, vừa cung cấp lượng phân bón còn thiếu hụt, vừa tận dụng được lợi thế hệ thống đại lý, kho hàng hiện có để tối ưu hóa chi phí hoạt động. 7 tháng đầu năm, Công ty đã kinh doanh hơn 233.000 tấn phân bón khác, bên cạnh 500.000 tấn Đạm Phú Mỹ.
PVFCCo đang dồn sức triển khai Tổ hợp Dự án nâng công suất Phân xưởng NH3 và xây dựng Nhà máy NPK có tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng (tương đương 237 triệu USD). Dự án NH3 mở rộng sẽ tăng công suất xưởng NH3 tại Nhà máy Đạm Phú Mỹ thêm 90.000 tấn/năm (từ 450.000 tấn/năm hiện nay lên 540.000 tấn/năm). Sản phẩm NH3 tăng thêm được sử dụng làm nguyên liệu cho Nhà máy Sản xuất phân bón NPK Phú Mỹ và một phần đáp ứng nhu cầu trong nước còn thiếu hụt lớn.
Nhà máy NPK Phú Mỹ có công suất 250.000 tấn/năm sẽ sử dụng công nghệ hóa học của Hãng Incro SA (Tây Ban Nha), để sản xuất phân bón NPK chất lượng cao, đảm bảo hàm lượng các nguyên tố đa, trung, vi lượng và phù hợp với nhu cầu sinh trưởng của cây trồng ở từng vùng thổ nhưỡng. Dù công suất NPK của cả nước đã vượt cầu, nhưng trên thực tế, sản phẩm NPK chất lượng cao mới đáp ứng khoảng 5 - 10% nhu cầu. Vì thế, cơ hội cho NPK Phú Mỹ chất lượng cao rất rộng mở.
Ở lĩnh vực hóa chất, Xưởng hóa phẩm dầu khí tại Vũng Tàu đã hoạt động từ đầu năm 2014, Xưởng sản xuất UFC85/ Formaldehyde do PVFCCo xây dựng trong khuôn viên Nhà máy Đạm Phú Mỹ đang được khẩn trương thi công, với mục tiêu đưa vào hoạt động trong tháng 12/2015. Dự án này có công suất 15.000 tấn/năm UFC85 hoặc 25.000 tấn/năm Formaldehyde nồng độ 37%kl quy đổi. Việc đầu tư xưởng sản xuất này giúp Việt Nam đảm bảo chủ động hoàn toàn nguồn cung trong nước, từ đó chủ động trong sản xuất phân đạm.
Minh Nam

Theo baodautu.vn