65% doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam có ý định tiếp tục mở rộng sản xuất, kinh doanh



Đó là khẳng định của ông Nguyễn Gia Phương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch Hà Nội (HITTPC) với Đoàn doanh nghiệp tỉnh Gifu (Nhật Bản) sang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Hà Nội cuối tuần qua.
Tới Việt Nam lần này, ngoài 10 doanh nghiệp tỉnh Gifu, thuộc các ngành chế tạo linh kiện, phụ kiện ô tô và cơ khí chế tạo, sản xuất thép… còn có thêm 2 ngân hàng là Ogaki Kyoritsu và Juroku, cũng có mối quan tâm đến môi trường đầu tư và lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam.
Ông Phương cho biết thêm, các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Hà Nội sẽ luôn nhận được ưu đãi tốt nhất. Hiện, Hà Nội đã có sự chuẩn bị khá kỹ để thu hút đầu tư, với mục tiêu xúc tiến đầu tư có trọng tâm, tránh dàn trải, tập trung vào các đối tác chiến lược, để thu hút các dòng vốn FDI chất lượng, đồng thời sản phẩm đầu ra sẽ phục vụ tối đa cho sản xuất nội địa, giảm thiểu phụ thuộc vào nhập khẩu.
Tuy mong muốn các doanh nghiệp tỉnh Gifu đầu tư vào các khu công nghiệp tại Hà Nội, nhưng đại diện HITTPC đã “khoanh vùng” các lĩnh vực mà địa phương đang cần sự trợ giúp và đầu tư từ phía Nhật Bản, đó là lĩnh vực chế tạo linh phụ kiện, sản phẩm khuôn mẫu, thiết bị công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô... Đây là các lĩnh vực mà Việt Nam đang yếu.
“Những lĩnh vực này đều có dư địa phát triển rất tốt, bởi Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng chưa có nhiều doanh nghiệp cung cấp linh phụ kiện cho các tập đoàn lớn. Đơn cử hãng Toyota của Nhật Bản vào Việt Nam nhiều năm nay, nhưng 95% phụ kiện phục vụ sản xuất, lắp ráp xe đều phải nhập khẩu từ nước thứ 3”, ông Phương phân tích.
Hay với trường hợp của một doanh nghiệp Nhật Bản khác là Canon Việt Nam, mỗi năm Canon Việt Nam phải chi tới 40 triệu USD để nhập các sản phẩm khuôn mẫu của nước ngoài phục vụ cho sản xuất. Điều này làm Canon Việt Nam tốn cả chi phí thời gian và tiền bạc. Rõ ràng, sự thiếu hụt về cung cấp các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ từ Toyota, Canon và nhiều doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn đang tạo cơ hội cho các nhà đầu tư mới đến Việt Nam.
Để thu hút dòng vốn Nhật Bản, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, những năm qua, Hà Nội đã đầu tư hạ tầng khu công nghiệp để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong và ngoài nước tới sản xuất, kinh doanh. Một trong những địa chỉ thích hợp để thu hút các doanh nghiệp Nhật Bản là Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (Hanssip).
Với quy mô 600 ha, định hướng mở rộng lên đến 2.000 ha, KCN Hanssip do Công ty cổ phần Đầu tư phát triển N&G (N&G Corp) làm chủ đầu tư. Hiện đã hoàn thành giai đoạn I với diện tích 73 ha, đang sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư vào hoạt động.
Ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch HĐQT N&G Corp cho biết, doanh nghiệp tỉnh Gifu đầu tư vào Hanssip sẽ là một sự lựa chọn hiệu quả, bởi đây là khu công nghiệp chuyên sâu đầu tiên được quy hoạch thiết kế đồng bộ, hiện đại theo tiêu chuẩn Nhật Bản, có vị trí đắc địa, cùng với những chính sách ưu đãi đặc biệt của Chính phủ.
Ông Niwa Yoshinori, Chủ tịch điều hành Trung tâm Xúc tiến kinh tế tỉnh Gifu, Trưởng đoàn doanh nghiệp đến khảo sát cho biết, các doanh nghiệp tỉnh Gifu mong muốn hiện thực hóa kế hoạch đầu tư kinh doanh tại Việt Nam càng sớm càng tốt. Việt Nam đã mở cửa, tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương như TPP, EVFTA, VKFTA... sẽ là “cửa ngõ” để hàng hóa sản xuất trong nước đi ra nhiều thị trường lớn trên thế giới.
Theo Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), vốn đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam có mức tăng nhanh trong thời gian qua, nhưng hiện tại thì có phần chững lại. Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam cho rằng, tỷ lệ nội địa hóa thấp vẫn là vấn đề cơ bản tác động mạnh đến quyết định đầu tư của doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam.
Hiện tỷ lệ nội địa hóa tại Việt Nam mới đạt 33,2%, thấp hơn rất nhiều so với Trung Quốc (66%), Thái Lan (55%)... Tuy nhiên, khi những hạn chế này dần được cải thiện, cơ hội để Việt Nam hút vốn đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản vẫn rất lớn, bởi theo khảo sát mới đây của JETRO, tên 65% doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam có ý định tiếp tục mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Thế Hoàng

Theo baodautu.vn