Các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng linh kiện, phụ tùng cho các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản, Hoa Kỳ khi TTP được ký kết





Quy tắc xuất xứ
Ba vấn đề lớn nhất còn tồn đọng sau hội nghị cấp bộ trưởng TPP lần này là tiếp cận thị trường ô tô, sữa và thời hạn độc quyền dữ liệu đối với dược phẩm sinh học.
Đối với ô tô, câu chuyện xoay quanh 4 nước sản xuất ô tô lớn nhất trong TPP là Nhật Bản, Hoa Kỳ, Canada và Mexico. Mâu thuẫn lớn hiện nay, ngoài vấn đề thuế quan, là quy tắc xuất xứ đối với ô tô. Trong khi Nhật Bản đề xuất hàm lượng nội khối của ô tô chỉ là 40% hoặc thấp hơn, thì Hoa Kỳ lại yêu cầu phải là 55%, còn Mexico và Canada mong muốn 62,5% như quy định trong Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA).
Nói dễ hiểu thì sản phẩm ô tô khi xuất khẩu vào các nước thành viên TPP, nếu đạt hàm lượng sản xuất tại các nước nội khối TPP theo thỏa thuận, thì sẽ được hưởng các ưu đãi thuế quan. Vấn đề nằm ở chỗ, các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đang sử dụng các linh kiện, phụ tùng được sản xuất từ Thái Lan, vốn không phải là nước tham gia TPP. Vì thế, các quy định về xuất xứ với ô tô như Hoa Kỳ, Canada và Mexico mong muốn sẽ gây sức ép lên chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp ô tô Nhật Bản.
Chuyên gia kinh tế Douglas Lippoldt (người có 10 năm làm việc cho Chính phủ Hoa Kỳ với tư cách là nhà kinh tế quốc tế, chính sách thương mại và lao động) nhận xét, TPP sẽ tạo cơ hội cho các công ty Hoa Kỳ và Nhật Bản tìm nhà cung cấp linh kiện và thị trường để bán thành phẩm.
Với thực tế 12 nước đang tham gia đàm phán TPP là New Zealand, Brunei, Chile, Singapore, Australia, Peru, Hoa Kỳ, Malaysia, Việt Nam, Canada, Mexico và Nhật Bản, có thể nhận thấy tia sáng cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam nếu biết tận dụng cơ hội.
Việt Nam, với dân số hơn 90 triệu dân, gấp rưỡi Thái Lan, lại rất ì ạch trong phát triển công nghiệp ô tô. Năm 2014, thị trường ô tô Việt Nam bán được 157.810 xe, trong khi doanh số bán xe nội địa của Thái Lan là 881.823 chiếc và xuất khẩu là 1.128.102 chiếc.
Tuy nhiên, các hãng ô tô hiện có mặt tại Việt Nam vẫn “kiên quyết” ngóng đợi các chính sách hấp dẫn từ Chính phủ trước khi mở hầu bao.
Cơ hội nào?
Cuối tháng 7, Hiệp hội Các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nam (VAMA) đã có buổi kỷ niệm 15 năm thành lập khá hoành tráng tại Hà Nội. Một trong những thành tựu lớn nhất được VAMA nhắc tới là khuyến khích và hướng dẫn các thành viên phát triển theo định hướng và chính sách của Nhà nước.
Phát biểu với báo giới, các quan chức VAMA nhấn mạnh việc “đã luôn tập trung vào nghiên cứu cải tiến công nghệ, đồng thời đẩy mạnh nền công nghiệp phụ trợ vốn rất quan trọng, nhưng lại chưa được quan tâm đúng mức” và khẳng định quyết tâm “mỗi thành viên VAMA sẽ không ngừng nỗ lực cắt giảm chi phí sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm, phát triển và ra mắt các mẫu xe mới chất lượng cao, giá thành phù hợp với nhiều bộ phận người tiêu dùng Việt Nam”.
Dẫu vậy, Chủ tịch VAMA đương nhiệm, ông Yoshihisa Maruta khi được hỏi “bao giờ giá xe ở Việt Nam rẻ như các nước lân cận”, đã thẳng thắn cho hay, giá xe chịu ảnh hưởng bởi quy mô của thị trường và mức độ phát triển của ngành công nghiệp phụ trợ trong nước. Vì thế, khó nói được bao giờ giá xe có thể ngang bằng với các nước khác.
Trước đó, kết luận của Thủ tướng Chính phủ khi họp về cơ chế, chính sách thực hiện chính sách, Quy hoạch Phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam nêu rõ, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã đạt một số kết quả nhất định trong thời gian qua, nhưng chưa đáp ứng được các mục tiêu đề ra. Phần lớn các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô còn hoạt động theo hình thức lắp ráp CKD đơn giản, chưa chế tạo được các cụm chi tiết quan trọng; cơ chế, chính sách cho phát triển công nghiệp ô tô thời gian qua chưa phù hợp.
Theo yêu cầu của Thủ tướng, Bộ Tài chính sẽ là đơn vị chủ trì xây dựng phương án sửa đổi chính sách về thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp, báo cáo Chính phủ xem xét, trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 13. Theo đó, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ được phân chia thành các nhóm nhỏ hơn quy định hiện hành và theo hướng giảm đối với các dòng xe ưu tiên phát triển, tăng cao với xe dưới 9 chỗ có dung tích trên 3.0L...
Trả lời phóng viên Báo Đầu tư, ông Yoshihisa Maruta cho hay, các thành viên VAMA mong muốn duy trì sản xuất tại Việt Nam, song cũng nhấn mạnh, khi Chính phủ có các chính sách thuận lợi thì sẽ đáp ứng các chính sách đưa ra.
Thanh Hương

Theo baodautu.vn

Bài viết cùng chuyên mục: