Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)




Ông đánh giá như thế nào về việc tiếp cận thông tin hội nhập hiện nay của doanh nghiệp Việt Nam?
Từ sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), 10 năm qua Việt Nam đã tích cực hội nhập kinh tế, ký kết 10 hiệp định thương mại (FTA), hiện đang đàm phán 5 FTA khác, trong đó có những đối tác quan trọng hàng đầu thế giới như Mỹ, EU. Việc này mang đến tác động lớn cho nền kinh tế và các doanh nghiệp.








Tính đến 31/12/2014, Việt Nam đã ký và tham gia 9 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 6 FTA mang tính khu vực gồm: ASEAN - Trung Quốc, ASEAN - Hàn Quốc, ASEAN - Nhật Bản, ASEAN - Ấn Độ, ASEAN - Australia - New Zealand và ASEAN - AEC. Ba Hiệp định còn lại là 2 hiệp định song phương với Nhật Bản, Chile và Lào.
Trong 9 tháng đầu năm 2015, Việt Nam đã hoàn tất đàm phán và ký kết FTA với Liên minh Kinh tế Á - Âu và FTA Việt Nam - Hàn Quốc.
Hiện Việt Nam đang đàm phán để tham gia một số FTA mới với mức độ tự do hoá cao hơn như TPP (Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương), FTA Việt Nam - EU.








Vừa qua báo chí nói nhiều đến hội nhập, các cơ quan Nhà nước cũng tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, nhiều bộ tài liệu được in ấn, nhưng qua điều tra chúng tôi thấy doanh nghiệp vẫn lúng túng khi tiếp cận thông tin hội nhập. Nhiều doanh nghiệp tỏ ra lo lắng khi hội nhập nhưng không biết hội nhập cái gì, chỉ biết tinh thần chung chung nhưng cụ thể doanh nghiệp sẽ khai thác cái gì, cơ hội thế nào thì chưa biết. Điều này xuất phát từ bản thân doanh nghiệp chưa có khả năng tìm kiếm thông tin, kém trình độ ngoại ngữ nên không tổng hợp được những thông tin mới nhất cần thiết cho doanh nghiệp.
Việc doanh nghiệp yếu khả năng tìm kiếm thông tin dẫn đến tình trạng không biết cơ hội và thách thức như thế nào. Thậm chí có một tập đoàn hàng đầu đang phân phối thiết bị phần cứng máy tính cho chúng tôi, họ đang rất tự tin trong việc mở rộng thị trường của mình và không biết rằng, theo cam kết quốc tế, lĩnh vực phân phối thiết bị máy tính đã được mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài. Chúng tôi cho rằng vấn đề này là tương đối lo ngại, đặt ra nhiều công việc cho cơ quan Nhà nước và những tổ chức như VCCI trong thời gian tới.
Bên cạnh nguyên nhân từ bản thân doanh nghiệp, còn nguyên nhân nào dẫn đến việc phổ biến thông tin từ cơ quan Nhà nước đến doanh nghiệp chưa đạt như kỳ vọng, thưa ông?
Vừa qua công tác phổ biến thông tin hội nhập đến doanh nghiệp của các cơ quan Nhà nước đã có nhiều nỗ lực nhưng vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Tôi cho rằng chúng ta phải chấp nhận thực tế là, đa phần doanh nghiệp Việt Nam là vừa và nhỏ, nguồn nhân lực của doanh nghiệp hạn chế, mới làm quen với kinh tế thị trường, do đó không thể có bộ phận nghiên cứu chuyên sâu về thông tin hội nhập. Điều này hoàn toàn khác so với doanh nghiệp ở các nước khác và ngay cả trong khu vực. Do đó nếu thông tin về hiệp định mà chỉ đăng tải toàn văn thì e là doanh nghiệp khó tiếp cận, bởi nội dung của hiệp định quá phức tạp và hàn lâm, nếu là chuyên gia kinh tế am hiểu về pháp luật đọc cũng khó hiểu chứ chưa nói đến doanh nghiệp. Đó là chưa kể đến có hiệp định sau một thời gian ký kết mà vẫn chưa được đăng tải.
Tôi quan sát thời gian vừa qua, thông tin cung cấp cho doanh nghiệp qua những cuộc đào tạo, hội thảo nhìn chung là chung chung, sơ sài, không đi vào lĩnh vực cụ thể mà doanh nghiệp quan tâm như biểu thuế ngành hàng của mình sẽ thay đổi như thế nào. Ngoài ra, nếu doanh nghiệp có vướng mắc cụ thể liên quan đến hội nhập thì hiện nay chưa có đầu mối nào có thể giúp doanh nghiệp giải đáp hướng dẫn một cách chính thức. Đó là những nguyên nhân khiến doanh nghiệp chưa hội nhập tốt.
Vậy theo ông cần thay đổi như thế nào để hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp?
Trước hết, chính các doanh nghiệp cần chủ động sắp xếp nguồn lực để tìm hiểu thông tin phù hợp với thực tế của mình. Về phía cơ quan Nhà nước, việc hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp cần phù hợp với thực tế và “sức vóc” của doanh nghiệp hơn, ví dụ như nội dung hiệp định cần được cụ thể hóa để doanh nghiệp trong từng lĩnh vực dễ hiểu. Việc này cần sự đầu tư và nguồn lực, sự tham gia của những chuyên gia từng ngành hàng.
Chúng tôi cũng cho rằng, trong thông tin hội nhập, doanh nghiệp cần một đầu mối thông tin. Khi các hiệp hội ngành hàng cần tìm hiểu thông tin gì thì liên lạc với đầu mối này, đầu mối này có thể chú giải, hướng dẫn, phối hợp với hiệp hội để tổ chức các cuộc hội thảo giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn vấn đề mới, nghĩa là phải đứng về phía doanh nghiệp để đưa ra dịch vụ và cung cấp thông tin tốt nhất. Do đó tôi cho rằng thời gian tới Việt Nam cần thay đổi theo hướng này để chuyển đổi tốt nhất.
Xin cảm ơn ông !

Hồ Huệ (HQ Online)

Theo baodautu.vn