Để len chân được vào chỗ đứng chật hẹp trong trí nhớ của khách hàng, doanh nghiệp đi sau cần những chiến lược định vị thương hiệu khôn ngoan và thực tế



Luôn có cơ hội cho kẻ đến sau
Quy luật dẫn đầu - quy luật đầu tiên trong “22 quy luật marketing bất biến”của 2 chuyên gia thương hiệu người Mỹ là Al Ries và Jack Trout khẳng định, khách hàng thông thường chỉ nhớ được thường xuyên 3 thương hiệu dẫn đầu. Đó là lý do mà, các thương hiệu phải cạnh tranh khốc liệt để có được vị trí này. Chọn chủ đề cho năm đầu tiên là “Xây dựng thương hiệu dẫn đầu”, Vietnam Brand Matters đã chạm đến đúng điểm mà các thương hiệu đều trăn trở.
Tuy nhiên, điều mà nhiều người băn khoăn là, vị trí dẫn đầu liệu có phải chỉ dành cho những thương hiệu đi trước?.
Tin mừng cho các doanh nghiệp là, trong cuộc chiến thương hiệu, những người đến sau vẫn luôn có cơ hội, nếu biết cách. Ông Nguyễn Đức Sơn - Giám đốc chiến lược thương hiệu cho Richard Moore Associates, một diễn giả của Vietnam Brand Matterscho biết: “Để len chân được vào chỗ đứng chật hẹp trong trí nhớ của khách hàng, họ cần có những chiến lược định vị thương hiệu khôn ngoan và thực tế: như tránh đối đầu với kẻ dẫn đầu, tạo sân chơi nhỏ trong một sân chơi mới, nói một cách sáng tạo và mới mẻ về một điều cũ kỹ…”Với nội dung chương trình mà Vietnam Brand Mattes đưa ra, hầu như tất cả những vấn đề này đều được đề cập trong chương trình.
Theo ban tổ chức, các chủ đề được Vietnam Brand Matters chia sẻ năm nay được lựa chọn dựa trên kết quả khảo sát nhanh 50 doanh nghiệp tham gia, dựa trên những vấn đề họ gặp phải hoặc chưa có câu trả lời cho việc xây dựng thương hiệu. Đó là lý do mà 6 chủ đề chính được các diễn giải chia sẻ trong sự kiện này đều rất sát sườn với doanh nghiệp Việt: Chiến thắng kinh doanh trên nền tảng thương hiệu, chiến lược khác biệt hóa cho doanh nghiệp; Thách thức cho những thương hiệu sinh sau đẻ muộn, chiến lược nào để có thể dẫn đầu; Cách thức xây dựng thương hiệu trong ngành B2B và B2C; Xây dựng thương hiệu chuẩn/bài học từ FMCG; Cách thức để thương hiệu nhận được sự ủng hộ của công chúng; Đo lường, định giá thương hiệu và công bố danh sách các thương hiệu được định giá cao nhất ở Việt Nam.
Tuy nhiên, những vấn đề trên có lẽ sẽ không có sức hút với cộng đồng doanh nhân nhiều đến vậy, nếu không phải được chia sẻ bởi những người đã có trải nghiệm thực tế trong việc xây dựng thương hiệu dẫn đầu.
Sự có mặt của Phạm Đình Nguyên - ông chủ Phin Deli; Vũ Minh Trí, CEO của Microsoft; Nguyễn Đình Toàn - phù thuỷ marketing của Masan Beverage hay ông Samir Dixit, Giám đốc vùng châu Á - Thái Bình Dương Brand Finance đến từ Singpaore - đơn vị nổi tiếng trong lĩnh vực đo lường, định giá thương hiệu quốc tế…. hứa hẹn sẽ mang lại những giải pháp thiết thực và các doanh nghiệp có thể áp dụng ngay.
Mặt khác, việc lựa chọn các diễn giả kinh doanh trên nhiều ngành nghề như: FMCG, B2B, B2C… giúp chương trình này tiệm cận được với nhu cầu đa dạng của các doanh nghiệp tham dự. Mỗi người tham dự đều sẽ tìm thấy vấn đề của mình, hình ảnh của mình trong những câu chuyện được diễn giả chia sẻ.
Đại diện ban tổ chức cho biết, Vietnam Brand Matters đặc biệt tập trung vào tính giải pháp mang lại cho doanh nghiệp. Không chỉ tư vấn và thảo luận trong ngày chính diễn ra sự kiện, sau chương trình này, các hoạt động nhằm song hành và hỗ trợ lâu dài doanh nghiệp đã được ban tổ tính đến như: giao lưu trực tuyến với các diễn giả, xây dựng cộng đồng Vietnam Brand Matters gồm các chủ doanh nghiệp và giới chuyên môn để tiếp tục thảo luận về cách thức xây dựng thương hiệu cho các doanh nghiệp.






Quy luật dẫn đầu - quy luật đầu tiên trong '22 quy luật marketing bất biến' của Al Ries và Jack Trout khẳng định, khách hàng thông thường chỉ nhớ được 3 thương hiệu dẫn đầu



Cú hích cho thương hiệu
Hội tụ hơn 500 doanh nghiệp, sự kiện thương hiệu này tập trung hướng đến đối tượng chính là doanh nhân. Bởi theo các chuyên gia về marketing, thương hiệu nếu không có sự đồng thuận và hiểu biết từ phía lãnh đạo cao nhất sẽ không thể triển khai được đến nơi đến chốn.
Ngày càng ý thức được tầm quan trọng của thương hiệu, nhiều chủ doanh nghiệp Việt đã không bỏ qua cơ hội này để được học hỏi và tìm kiếm những giải pháp cho doanh nghiệp mình.
Đến với Vietnam Brand Matters năm nay, ông Nguyễn Đại Thắng, Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Sunhouse, cho biết, “thông qua sự kiện này, rất có thể Sunhouse sẽ tìm được hướng đi đúng đắn cho chiến lược khẳng định “thương hiệu dẫn đầu” trong ngành hàng gia dụng trong giai đoạn sắp tới.”
Trong các nội dung được chia sẻ, Sunhouse cũng nóng lòng tìm được cách để kể câu chuyện mới về Sunhouse với thị trường, điều mà họ vô cùng trăn trở sau 15 xây dựng và phát triển thương hiệu.
Gặt hái được nhiều thông tin giá trị để giải bài toán thương hiệu cho doanh nghiệp, đó không chỉ là kỳ vọng của riêng Sunhouse. Được biết, đến thời điểm này, số lượng doanh nghiệp tham dự chương trình đã vượt trên kỳ vọng của ban tổ chức.
Rõ ràng, những người tham dự có cơ hội gặt hái được khá nhiều từ chương trình này: một sân chơi có thể giao lưu, học hỏi với hơn 500 doanh nghiệp khác, thảo luận để tìm ra giải pháp về thương hiệu với những doanh nhân – chuyên gia dạn dày kinh nghiệm, đồng thời, được tư vấn và đồng hành lâu dài trong quá trình xây dựng thương hiệu.
Ông Nguyễn Văn Phương, Giám đốc Học viện Thương hiệu và Truyền thông Sage – đơn vị chủ trì tổ chức Vietnam Brand Matters là người đặt rất nhiều tâm huyết vào chương trình này.
“Tôi muốn mang đến một cái nhìn toàn cảnh về xây dựng thương hiệu ở Việt Nam, xây dựng một tầm nhìn dài hạn cho các doanh nhân về xây dựng thương hiệu, cùng cập nhật và phân tích những xu hướng xây dựng thương hiệu mới nhất, và bàn bạc những giải pháp hiệu quả nhất có thể áp dụng được ngay”, ông Phương cho biết.
Trong bối cảnh thị trường hội nhập với sự gia nhập của hàng loạt những thương hiệu mới trong nước và cả những thương hiệu đã có bề dày đến từcác quốc gia khác, Vietnam Brand Matters được kỳ vọng tạo ra một cú hích về mặt giải pháp để Việt Nam ngày càng có nhiều thương hiệu lọt được vào vị trí dẫn dắt thị trường.
Liên Hương

Theo baodautu.vn