Điều hành một doanh nghiệp xuất khẩu lớn, với kim ngạch 400 triệu USD/năm, ông nhìn nhận thế nào về những cơ hội đến từ TPP?
TPP là cơ hội rất lớn của ngành dệt may Việt Nam, trong đó Hugaco không là ngoại lệ. Theo tôi, dù đứng ở góc độ nào, những cái được mà TPP đem lại, như mở cửa thị trường, thúc đẩy xuất khẩu, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), ưu đãi thuế… là vô cùng lớn. Tất nhiên, cơ hội với từng doanh nghiệp sẽ không giống nhau.
Kim ngạch xuất khẩu chắc chắn sẽ tăng lên. Đặc biệt, theo tính toán, giá trị gia tăng trong mỗi sản phẩm xuất khẩu sẽ tăng thêm 20% so với hiện tại, do tăng đầu tư nguyên phụ liệu trong nước thông qua các dự án mà cả doanh nghiệp nội lẫn doanh nghiệp FDI đang triển khai trong ngành, tạo nguồn cung sản phẩm lớn hơn. Tuy nhiên, theo tôi, lợi ích từ TPP với dệt may sẽ rõ ràng hơn sau năm 2017.






Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần May Hưng Yên (Hugaco), Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên




Xuất khẩu dệt may sang thị trường các nước thành viên TPP sẽ tăng trưởng ra sao và “miếng bánh” thị phần mà Hugaco có được tại các thị trường này thế nào, thưa ông?
TPP đã hoàn tất đàm phán. Tuy nhiên, ngay cả sau khi ký kết, thì vẫn phải chờ Quốc hội các nước thành viên phê chuẩn, nên có thể nói, hiệp định này chưa thể có hiệu lực ngay.
Như tôi đã nói, phải sau năm 2017, cơ hội với ngành dệt may mới có thể “đong, đếm” rõ ràng được. Còn hiệu ứng tích cực từ TPP thì đương nhiên ai cũng biết, thị trường xuất khẩu của 11 nước thành viên TPP là “chiếc bánh lớn”, song tăng được đến đâu, ở mức nào, ưu đãi ra sao thì vẫn còn phải chờ.
Với riêng Hugaco, chúng tôi luôn lượng sức mình và thực hiện phương châm nỗ lực ở mức cao nhất để gia tăng kim ngạch xuất khẩu bằng việc dựa vào vai “những người khổng lồ” là những doanh nghiệp cung cấp nguyên phụ liệu lớn tại Việt Nam.
Trở ngại lớn nhất với ngành dệt may trong việc tận dụng những ưu đãi từ TPP là sự yếu kém về sản xuất nguyên phụ liệu. Thậm chí, một đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) từng đánh giá, chỉ 30% doanh nghiệp nội có thể được hưởng ưu đãi thuế trong TPP. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
TPP là cơ hội rất lớn với ngành dệt may, nhưng cũng phải khẳng định, ngay khi TPP có hiệu lực, được hưởng lợi nhiều nhất sẽ là khối doanh nghiệp FDI, chứ không phải doanh nghiệp dệt may trong nước. Lý do là, doanh nghiệp FDI hiện góp tới 70% tổng kim ngạch xuất khẩu, có quy mô sản xuất lớn, đầu tư bài bản và đã đầu tư hàng tỷ USD để mở rộng năng lực sản xuất nhằm đón cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có TPP. Đơn cử, Texhong chỉ trong một thời gian ngắn đã tăng mạnh sản lượng sợi bằng dự án tại Quảng Ninh. Nhưng dù lợi thế có nghiêng về khối doanh nghiệp FDI hay doanh nghiệp nội thì theo tôi, cái được mà TPP mang lại cho dệt may là không nhỏ. Những đòi hỏi về quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” là động lực để các doanh nghiệp đầu tư hiệu quả hơn, trọng điểm hơn, để nâng cao khả năng cạnh tranh, tận dụng cơ hội thị trường trong dài hạn. Về tổng thể, dệt may sẽ tiếp tục là ngành đóng góp lớn cho xuất khẩu khi TPP có hiệu lực.
Đầu tư vào khâu dệt, nhuộm và hoàn tất thời gian qua vừa yếu, vừa không hiệu quả, nên sợi sản xuất ra không tiêu thụ được trong nước, mà phải xuất khẩu. Theo ông, từ nay đến khi TPP có hiệu lực, ngành có cải thiện được hạn chế này không?
Hoạt động dệt, nhuộm, hoàn tất vải của doanh nghiệp Việt Nam được cải thiện rất chậm. Theo tôi, để khắc phục điểm yếu này, Nhà nước cần có chính sách ưu tiên ở mức độ nào đó về vốn, ưu đãi thuê đất, thuế… cho ngành.
Doanh nghiệp kêu nhiều về tiêu chuẩn xử lý nước thải trong dệt nhuộm vải cao quá, chi phí xử lý nước thải sau khi nhuộm và hoàn tất rất lớn, khiến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp không cao, nên không doanh nghiệp nào muốn đầu tư vào phân khúc dệt, nhuộm, hoàn tất. Do vậy, nếu cứ để tự thân doanh nghiệp làm mà không có hỗ trợ thì rất khó.
Hải Yến

Theo baodautu.vn