Việc lập quy hoạch nguồn tài nguyên sẽ giúp quản lý, khai thác và sử dụng được hiệu quả nhất





Trong thời gian qua, đặc biệt là thời kỳ kế hoạch hóa tập trung bao cấp, quy hoạch sản phẩm, ngành nghề cụ thể đã có những đóng góp nhất định trong đời sống xã hội, là kênh quan trọng để điều tiết lượng hàng hóa cho nhu cầu xã hội.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đất nước đang chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường ở một tầm cao mới và đang chủ động hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, quy hoạch sản phẩm, ngành nghề cụ thể đã bộc lộ nhiều bất cập, gây trở ngại cho nền kinh tế, làm cản trở hoạt động đầu tư và gây lãng phí nguồn lực của xã hội.
Báo cáo tổng kết công tác quy hoạch của Bộ Kế hoạch và Đầu tư được tổng hợp từ kết quả đánh giá của các bộ, ngành và địa phương cho thấy, nhiều quy hoạch ngành, sản phẩm chưa thực sự phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường nên không phát huy được hiệu quả, thậm chí còn cản trở việc thu hút đầu tư và gây trở ngại cho phát triển kinh tế - xã hội. Trong thực tế, nhiều sản phẩm do thị trường quyết định (dựa trên quy luật cung - cầu, quy luật giá trị và quy luật cạnh tranh) nhưng vẫn được các cấp, các ngành tổ chức lập quy hoạch làm cản trở việc thu hút đầu tư, gây bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sản phẩm. Không ít loại quy hoạch sản phẩm được sử dụng như một dạng 'giấy phép con' trong thủ tục hành chính.
Thực tế cho thấy, không ít lĩnh vực chỉ cần xây dựng đề án, chương trình phát triển hoặc xây dựng tiêu chí để quản lý như một số ngành nghề thuộc diện kinh doanh có điều kiện, nhưng cũng được một số bộ, ngành và địa phương lập thành quy hoạch, tạo cơ chế “xin-cho”. Trong số đó, có thể kể đến Quy hoạch nuôi, chế biến cá tra đến năm 2020 và quy hoạch phát triển tôm hùm đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức triển khai; Quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo do Bộ Công thương triển khai theo Quyết định số 6139/2013/QĐ-BCT; Quy hoạch kinh doanh bán buôn, bán lẻ sản phẩm rượu bia, thuốc lá đến năm 2020 do các địa phương thực hiện...
Nhiều quy hoạch sản phẩm quy định “cứng” trong điều kiện “nhạy bén” của nền kinh tế thị trường, đã triệt tiêu sự linh hoạt trong điều kiện phát triển không ngừng của khoa học công nghệ và sự tác động mạnh mẽ của quá trình hội nhập quốc tế.
Điển hình là các quy hoạch cây trồng với mục tiêu xác định chỉ tiêu phát triển về diện tích, nhưng thực tế đã vượt xa mục tiêu của quy hoạch đề ra. Theo quyết định số 750/QĐ-TTg về Quy hoạch phát triển cây cao su đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, thì đến năm 2020 diện tích cao su sẽ ổn định 800.000 ha, nhưng đến nay diện tích cao su cả nước đã vượt quy hoạch trên 155.700 ha (trong đó có 9 tỉnh không có trong quy hoạch nhưng vẫn trồng). Tình hình tương tự với cà phê, hồ tiêu...
Việc đi tìm lời giải cho vấn đề quy hoạch sản phẩm, ngành nghề cụ thể ở Việt Nam quả thật là không dễ. Kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, Chính phủ cần phải kết hợp hài hòa giữa các yếu tố thị trường với việc sử dụng công cụ quy hoạch để quản lý, điều tiết và phân bổ hợp lý nguồn lực quốc gia một cách có chủ ý, hiệu quả và nhất quán theo quy luật thị trường. Vấn đề ở đây là, Việt Nam cần phải nhận diện được những ngành, lĩnh vực nào cần thiết phải lập quy hoạch, loại nào không cần, có thể thay bằng cách thức quản lý khác, từ đó Nhà nước tập trung nguồn lực hữu hạn của đất nước cho đầu tư phát triển.
Đã đến lúc, việc đổi mới phương pháp và nội dung quy hoạch là một yêu cầu tất yếu khách quan để quy hoạch thực sự là công cụ quan trọng giúp Chính phủ kiến tạo sự phát triển và tạo lập một không gian sống bền vững, hài hoà với thiên nhiên cho dân cư thông qua việc phân bổ hiệu quả các nguồn lực tài nguyên thiên nhiên hữu hạn phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội.
Các ngành, sản phẩm chịu sự biến động của thị trường sẽ do thị trường điều tiết. Nếu cần định hướng, thì Nhà nước thông qua quản lý bằng các điều kiện, tiêu chuẩn một cách công khai, minh bạch.
Chẳng hạn như các ngành sản phẩm có gắn với không gian và sử dụng nguồn tài nguyên sẽ không lập quy hoạch sản phẩm mà chỉ lập quy hoạch nguồn tài nguyên (ngành xi măng sẽ không lập quy hoạch sản phẩm xi măng mà chỉ lập quy hoạch và tiêu chí bảo tồn khai thác nguồn tài nguyên đá vôi). Đối với các sản phẩm chịu sự tác động trực tiếp của các yếu tố khoa học kỹ thuật và công nghệ, nhất là các sản phẩm phụ thuộc vào thị trường sẽ do thị trường quyết định. Việc quản lý sẽ bằng điều kiện, tiêu chuẩn hay thông qua các chính sách ưu tiên khuyến khích hoặc hạn chế đầu tư để định hướng phát triển. Đối với các sản phẩm nông nghiệp đã có quy hoạch kết cấu hạ tầng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp như giao thông, thủy lợi, điện..., Nhà nước sẽ hỗ trợ thông tin cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân chủ động sản xuất kinh doanh.
Đổi mới tư duy và phương pháp quy hoạch ngành nghề, sản phẩm cụ thể theo hướng nói trên sẽ góp phần đảm bảo quyền tự do kinh doanh của người dân.
Vũ Quang Các ( Vụ trưởng Vụ Quản lý Quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Theo baodautu.vn