Ngành than khó khăn
Dự kiến, lượng than nhập khẩu sẽ tăng dần qua các năm tiếp theo và đạt tới 18 - 20 triệu tấn vào năm 2020. Vào thời điểm đó, lượng than thương phẩm trong nước sẽ đạt khoảng 42 triệu tấn.
Trong báo cáo gần đây với cơ quan hữu trách, Vinacomin cũng thừa nhận tình hình sản xuất - kinh doanh ngày càng khó khăn. Cụ thể, trong giai đoạn 2011 - 2015, chỉ có năm 2011 là tình hình nói chung thuận lợi, còn các năm tiếp theo, than xuất khẩu giảm mạnh cả về lượng và giá bán, nên hiệu quả kinh doanh của Vinacomin giảm sút do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế.
Năm 2011, lượng than tiêu thụ là 44,71 triệu tấn, trong đó xuất khẩu 16,9 triệu tấn, lợi nhuận đạt 8.632 tỷ đồng. Năm 2012, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, nên các hộ tiêu thụ thụ trong nước như điện, xi măng, hoá chất đều giảm mua khá nhiều so với kế hoạch; than xuất khẩu cũng phải cạnh tranh gay gắt vì cung vượt cầu, nên sản lượng và giá giảm mạnh so với năm 2011. Lượng than tiêu thụ của năm 2012 chỉ đạt 39,2 triệu tấn, tiêu thụ trong nước là 24,8 triệu tấn.
Tới năm 2013, thị trường vẫn chưa hồi phục, sản lượng tiêu thụ tiếp tục giảm, song Tập đoàn đã nỗ lực ổn định sản xuất, đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động.
Còn tới năm 2014 và 2015, khai thác ngày càng xuống sâu, nguy cơ bục nước, khí, cháy nổ cao, cung độ vận chuyển tăng, hệ số đất tăng; các chi phí về thăm dò, thoát nước, thông gió, an toàn bảo hộ lao động, môi trường đều tăng cao. Cộng thêm các loại thuế, phí ngày càng tăng, khiến giá thành tăng cao.
“Nhu cầu vốn đầu tư của Tập đoàn rất lớn, suất đầu tư cao, việc tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu than sau năm 2015 rất khó khăn, đặc biệt là than cho điện; tỷ trọng than hầm lò sẽ gia tăng, xuống sâu hơn. Đặc biệt, đợt mưa lũ tháng 7 - 8/2015 đã ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động sản xuất - kinh doanh, với thiệt hại thực tế lên tới 1.200 tỷ đồng”, báo cáo của Vinacomin nhấn mạnh.
Khoáng sản cũng không dễ
Ngoài than, Vinacomin còn là nhà khai thác và sản xuất nhiều loại khoáng sản khác như thiếc, kẽm, đồng. Tuy nhiên, do thị trường suy giảm, giá bán giảm, nhiều khoáng sản không được xuất khẩu hay bán ra ngoài địa phương, nên Vinacomin đã phải điều chỉnh để không tồn kho cao.
Thực hiện kế hoạch sản lượng khoáng sản chủ yếu trong giai đoạn 5 năm 2011 - 2015 chỉ đạt 50 - 60% so với kế hoạch, trong đó sản lượng thiếc thỏi là 4.276 tấn/7.370 tấn; kẽm thỏi đạt 44.700 tấn/85.000 tấn; đồng tấm là 47.300 tấn/88.500 tấn đề ra.
Ngay mặt hàng alumina cũng không đạt kế hoạch sản lượng đề ra bởi hai dự án Tân Rai và Nhân Cơ vào chậm so với kế hoạch, thậm chí một số mặt hàng như ferochrome hay phôi thép còn chưa ra được sản phẩm.
Với thực tế giá các mặt hàng khoáng sản tiếp tục giảm từ tháng 6/2014 và hiện thấp hơn từ 30% (như kẽm, đồng) tới 50% (quặng sắt) so với cùng kỳ năm 2014 và chưa có dấu hiệu kết thúc do cung quá lớn so với cầu, Vinacomin cũng đề nghị cơ quan hữu trách giữ thuế suất thuế xuất khẩu các mặt hàng đồng, kẽm, thiếc ở mức 0%, thay vì tối thiểu 10% và các mặt hàng khoáng sản khác không thay đổi như hiện tại.
“Nếu thuế tối thiểu là 10%, thì việc chảy máu tài nguyên cũng không kiểm soát được, đồng thời cũng không khuyến khích đầu tư chế biến sâu trong nước, do sản phẩm không có ưu thế gì so với mua quặng thô hay tinh quặng”, báo cáo của Vinacomin do Phó tổng giám đốc Nguyễn Văn Biên ký kiến nghị.
Hoàng Minh

Theo baodautu.vn