Không phải vào thời điểm này, nhờ dự án 3 tỷ USD của Samsung Display nên 8 tháng đầu năm, vốn FDI vào Việt Nam (bao gồm cả cấp mới và tăng thêm) đạt 13,33 tỷ USD, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm trước, mà ngay từ những tháng trước bất chấp xu hướng suy giảm, GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI, vẫn bày tỏ sự tin tưởng rằng, dòng tiền vẫn sẽ chảy vào Việt Nam.
“Chỉ cần một dự án Lọc hóa dầu Nhơn Hội hay một, hai dự án điện BOT được cấp chứng nhận đầu tư, tình hình sẽ khác”, ông Mại nói và cho rằng, khác với nhiều quan điểm khá bi quan về khả năng cạnh tranh thu hút FDI của Việt Nam trong thời gian gần đây, ông vẫn tin tưởng Việt Nam là địa điểm đầu tư hàng đầu.






Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục coi Việt Nam là địa chỉ đầu tư tin cậy. Ảnh: Đức Thanh




Câu chuyện gần đây được nhắc đến, đó là sự mất giá của EUR, của đồng nhân dân tệ và sự lên giá của USD, những đồng tiền chủ chốt, có thể sẽ khiến FDI vào Việt Nam bị ảnh hưởng. Ngay bản thân ông Tomaso Andreatta, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Âu (EuroCham) cũng cho rằng, kể từ năm ngoái, khi EUR mất giá từ, các dự án đầu tư của các công ty đến từ khu vực đồng tiền chung châu Âu tại Việt Nam đã trở nên đắt đỏ hơn, buộc họ phải tăng vốn đầu tư nếu muốn tiếp tục theo đuổi.
Tăng vốn đầu tư là điều không hề đơn giản, bởi tổng tài sản của các công ty tại khu vực này cũng đã giảm đi nếu quy đổi sang USD. “Chính vì vậy, các công ty tại khu vực EU có thể sẽ hoãn, hoặc xem xét lại kế hoạch đầu tư trước đó của họ tại Việt Nam”, ông Tomaso Andreatta nói.
Điều này có thể là sự thật, song nhiều khả năng chỉ ở trên lý thuyết. Bởi từ sự phân tích của mình, GS-TSKH. Nguyễn Mại cho rằng, mấy năm gần đây, các nước lớn ở khu vực châu Âu ít đầu tư vào Việt Nam. “Họ đầu tư ít vào Việt Nam không phải vì môi trường đầu tư tại Việt Nam kém cạnh tranh, cũng không phải vì vấn đề tỷ giá, mà bởi chính các vấn đề nội tại trong khu vực EU. Họ còn phải lo giải quyết rất nhiều vấn đề, ví dụ chuyện nợ công của Hy Lạp cũng rất đáng quan ngại”, ông Mại nói.
Tất nhiên, tác động từ việc EUR giảm giá so với USD là có thật. Tuy nhiên, khi dòng đầu tư không lớn, thì tác động cũng sẽ không đáng kể. “Trong tương lai gần, có lẽ Việt Nam cũng chưa thể kỳ vọng lớn vào dòng vốn đầu tư từ EU. Trong khi đó, lại có thể trông chờ vào vốn đầu tư từ Mỹ”, GS-TSKH. Nguyễn Mại phát biểu.
Theo GS-TSKH. Nguyễn Mại, việc USD lên giá sẽ thúc đẩy đầu tư từ Mỹ ra nước ngoài. Và dựa trên các động thái gần đây liên quan đến việc Intel, Micsosoft dịch chuyển nhà máy sản xuất của mình về Việt Nam, việc Harvard, Fulbright xây dựng các trường đại học tại Việt Nam, hay việc đích thân các vị lãnh đạo đất nước đi “xúc tiến đầu tư” tại Mỹ, thì chuyện Mỹ sẽ trở thành nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam sẽ sớm trở thành hiện thực.
“Tôi tin vào các tuyên bố từ phía Mỹ, rằng họ sẽ là nhà đầu tư số 1, cũng giống như quan hệ thương mại Việt - Mỹ đã được thúc đẩy mạnh mẽ trong thời gian qua”, ông Mại nói.
Trong khi đó, Hàn Quốc và Nhật Bản, cũng như Singapore vẫn là sẽ những nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam. Các cam kết đầu tư của Samsung, LG, hay Lotte mới đây tại Việt Nam, với các dự án hàng tỷ USD, cũng như khẳng định của các doanh nghiệp Nhật Bản về việc coi Việt Nam là địa điểm sản xuất hàng đầu, có thể là minh chứng rõ nét nhất cho điều này.
Số liệu thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, 8 tháng đầu năm nay, Hàn Quốc vẫn dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 5,26 tỷ USD, chiếm 39,5% tổng vốn đầu tư tại Việt Nam.
Đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam tuy đang chững lại, với chỉ 720 triệu USD trong 8 tháng qua, đứng thứ 5 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, song theo ông Đặng Xuân Quang, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, thì đó chỉ là vấn đề mang tính thời điểm.
“Có thể việc đồng yên giảm giá cũng ảnh hưởng tới dòng vốn từ Nhật Bản, song đó chỉ là trong ngắn hạn, họ vẫn sẽ tiếp tục đẩy vốn đầu tư ra bên ngoài trong dài hạn. Với quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản, cũng như lòng tin của nhà đầu tư Nhật Bản đối với Việt Nam, thì vốn đầu tư từ Nhật Bản sẽ tiếp tục vào Việt Nam”, ông Quang nói.
Trong khi đó, sự bất ổn của kinh tế Trung Quốc, biểu hiện qua chuyện đồng nhân dân tệ mất giá, thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh, tăng trưởng GDP chậm lại… có thể lại là cơ hội cho Việt Nam. Trước đây, trong khu vực, Trung Quốc là địa điểm đầu tư hàng đầu. Tuy nhiên, với những diễn biến trong hiện tại, cộng thêm việc giá nhân công ở Trung Quốc đang trở nên đắt đỏ hơn, thì xu hướng “Trung Quốc + 1” càng trở nên rõ nét hơn và trong xu hướng đó, Việt Nam đang có lợi thế.
Chưa kể, chuyện đồng nhân dân tệ giảm giá trong thời gian qua cũng được Tổ điều hành vĩ mô cho là “sẽ có những tác động nhất định tới cạnh tranh thu hút FDI vào Việt Nam”.
Theo quan điểm của Tổ điều hành vĩ mô, trong ngắn hạn thì có thể chưa, vì hoạt động đầu tư mang tính dài hạn, không chỉ phụ thuộc vào vấn đề tỷ giá mà còn rất nhiều yếu tố liên quan, song trong trung và dài hạn, nếu đồng nhân dân tệ tiếp tục mất giá thì sẽ tác động tích cực đến thu hút FDI vào Việt Nam. “Giá trị đồng nhân dân tệ giảm sẽ tác động đến lợi nhuận của nhà đầu tư tại Trung Quốc, đến môi trường đầu tư của quốc gia này. Các nhà đầu tư nước ngoài có thể sẽ chuyển hướng đầu tư sang thị trường khác, trong đó có Việt Nam”, Tổ điều hành nhận định.
Câu chuyện còn lại chỉ là Việt Nam sẽ cạnh tranh thu hút đầu tư ra sao với Thái Lan, Indonesia, Malaysia… “Xét trên các yếu tố ổn định chính trị, ổn định kinh tế vĩ mô, cũng như những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cũng như tiềm năng thị trường thì Việt Nam vẫn có lợi thế lớn trong cạnh tranh thu hút đầu tư”, TSKH. Nguyễn Mại lạc quan.
Nguyên Đức

Theo baodautu.vn

Bài viết cùng chuyên mục: