Tại cuộc buổi làm việc gần đây với Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả (DCIC), Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định, chỉ cần xây dựng xong hầm đường bộ qua đèo Cù Mông nữa thì sẽ chính thức hoàn thiện toàn tuyến Quốc lộ 1A thông suốt từ Bắc tới Nam, mở rộng cơ hội giao thương và liên kết vùng. Ý kiến của Phó thủ tướng đã được Bộ Giao thông - Vận tải và DCIC hiện thực hóa bằng Dự án Hầm đường bộ qua đèo Cù Mông chính thức động thổ vào sáng 26/9.
Đáng chú ý là nguồn vốn đầu tư 3.921 tỷ đồng cho dự án này được Bộ GTVT và DCIC chuyển từ nguồn vốn đầu tư hầm đường bộ Đèo Cả tiết kiệm được nhờ vào các giải pháp kỹ thuật trong thi công hầm Đèo Cả, với tổng vốn giảm hơn 4.000 tỷ đồng. Đây có thể xem là “một mũi tên trúng hai đích”, không chỉ hoàn thành Dự án hầm đường bộ Đèo Cả với chất lượng tốt, mà còn giải quyết nốt bài toán hầm qua đèo Cù Mông mà không phát sinh thêm vốn đầu tư.






Hầm Cổ Mã - một trong những hạng mục của Dự án hầm đường bộ Đèo Cả chuẩn bị thông xe




Theo báo cáo tiến độ, Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả đến thời điểm này đã hoàn thành giai đoạn I, gồm gói thầu hầm Cổ Mã và Dự án mở rộng tuyến Quốc lộ 1A đoạn Đèo Cả - Khánh Hòa dài 37 km và sẽ chính thức thông xe kỹ thuật cũng vào sáng 26/9 này. Trong khi đó, gói thầu tuyến hầm chính dài hơn 4 km đang đi vào giai đoạn nước rút, đến nay mỗi đầu đã khoan sâu hơn 1,1 km mỗi ống hầm.
Ông Lê Quỳnh Mai, Phó tổng giám đốc DCIC tự tin khẳng định, với kinh nghiệm quản lý điều hành dự án Đèo Cả, DCIC cùng với các nhà thầu sẽ tập trung đưa tiến độ thông hầm Đèo Cả vào tháng 9/2016. Với kinh nghiệm đó, DCIC tin tưởng sẽ triển khai hoàn thành đúng tiến độ Dự án hầm đường bộ đèo Cù Mông vào tháng 12/2018.
Cũng theo ông Mai, DCIC rất hiểu sự trăn trở của Bộ GTVT về hoàn thiện thông toàn tuyến Quốc lộ 1A, giúp các địa phương thúc đẩy kinh tế phát triển thông qua việc mở rộng giao thương, tạo kết nối thu hút đầu tư có hiệu quả. Chính vì thế, sau khi giảm được chi phí đầu tư từ Dự án hầm đường bộ Đèo Cả thông qua việc xử lý kỹ thuật mà không tác động đến chất lượng công trình, lãnh đạo DCIC đã xin ý kiến Bộ GTVT tiếp tục dùng số tiền đó để đầu tư Dự án hầm Cù Mông.
Sự thành công của Dự án hầm đường bộ Đèo Cả đã tăng thêm niềm tin của Chính phủ đối với Dự án hầm đường bộ qua đèo Cù Mông trong tương lai. Quan trọng hơn, theo Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, sự thành công lớn nhất của các dự án hạ tầng có độ khó như hầm đường bộ là đã hình thành được một đội ngũ cán bộ, kỹ sư giỏi, có thể đảm nhận được nhiều dự án phức tạp mà trước kia chỉ nhà thầu quốc tế đảm nhận.
Từ hầm Đèo Cả đến Cù Mông tồn tại duy nhất một huyết mạch giao thương quan trọng, đó là Quốc lộ 1A. Hai dự án cùng một mục đích đó là tháo “nút thắt” cuối cùng để mở toang cánh cửa giao thương, tạo sự liên kết vùng sâu hơn và thiết thực hơn, đúng như kỳ vọng của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 03/2014/QĐ-TTg về xúc tiến đầu tư, trong đó khẳng định về vai trò của sự liên kết vùng.
Tại các hội thảo Vùng Duyên hải miền Trung, các chuyên gia như TS. Trần Du Lịch, PGS-TS Trần Đình Thiên... đều khẳng định, để Vùng phát triển xứng tầm thì nhất thiết phải liên kết, mà việc liên kết có hiệu quả hay không tùy thuộc vào điều kiện liên kết hạ tầng, rồi mới đến cơ chế, chính sách.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Đào Tấn Lộc, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên nhấn mạnh sự cần thiết phải khai thông các tuyến giao thông huyết mạch, xem đây là điều kiện tiên quyết để giải quyết các nút thắt, phục vụ cho sự phát triển kinh tế tỉnh Phú Yên cũng như cả vùng. Ông Đào Tấn Lộc lạc quan, chỉ vài năm nữa thôi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa sẽ tạo thành thế chân kiềng, kết nối giao thương, mở rộng hợp tác, thúc đẩy kinh tế phát triển.
Ý kiến - Nhận định

Hầm qua đèo Cù Mông sẽ thúc đẩy sự phát triển TP. Quy Nhơn”

- Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định

Chiến lược đến năm 2025, TP. Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) và vùng phụ cận sẽ trở thành một trong những khu đô thị trung tâm trong chuỗi đô thị du lịch ven biển của miền Trung, kinh tế phát triển theo định hướng công nghiệp - cảng biển - dịch vụ - du lịch. Đến năm 2035, TP. Quy Nhơn sẽ là một trong những trung tâm kinh tế biển của quốc gia.

Để tầm nhìn trên trở thành hiện thực, đòi hỏi Quy Nhơn cần được mở rộng hơn nữa, vượt qua ranh giới hiện nay để có được không gian kiến trúc đô thị mới, sẵn sàng liên kết với các thành phố khác trong khu vực, đủ điều kiện để tạo sức hút đủ lớn các dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước, tạo động lực cho đô thị phát triển.

Trong chiến lược phát triển Quy Nhơn, UBND tỉnh Bình Định định vị hướng phát triển thành phố trong tương lai là mở rộng theo hướng Đông Bắc hoặc hướng Tây. Hướng Đông Bắc sẽ dựa trên tuyến đường ven biển kết nối Khu kinh tế Nhơn Hội với Sân bay Phù Cát. Hướng Tây sẽ lấy tuyến Quốc lộ 1A và tuyến Quốc lộ 19 – một huyết mạch được cho là cánh cửa của Tây Nguyên. Hiện tại, dọc tuyến QL1A đang được quy hoạch phá triển khá mạnh với ga Diêu Trì và cả vệt đô thị kéo dài đến chân đèo Cù Mông.

Việc đầu tư hầm đường bộ qua đèo Cù Mông đã tạo nên một điểm nhấn quan trọng cho sự phát triển của TP. Quy Nhơn trong tương lai về hướng Tây, UBND tỉnh Bình Định tin rằng, khi dự án này hoàn thành sẽ góp phần mở toang cánh cửa cho Bình Định nói chung và TP. Quy Nhơn phát triển.

Đặc biệt, Công ty liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) đang xúc tiến dự án VSIP Bình Định với quy mô dự án lên đến 2.370 ha, thuộc địa xã Canh Vinh (huyện Vân Canh). Khu vực này tiếp giáp khu vực đèo Cù Mông, UBND tỉnh Bình Định khẳng định rằng, với dự án hầm đường bộ qua đèo Cù Mông sẽ là lợi thế lớn giúp cho dự án VSIP Bình Định triển khai nhanh và mang lại hiệu quả trong tương lai gần. Đây chính là cú huých quan trọng giúp quy hoạch TP. Quy Nhơn trở thành hiện thực.

Tháo nút thắt cuối cùng trong vành đai liên kết phát triển Phú Yên”

- Ông Lê Văn Trúc, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên

Phú Yên là địa phương duy nhất trên cả nước bị kẹp giữa hai ngọn đèo trắc trở, đó là đèo Cù Mông (phía Bắc) và đèo Cả (phía Nam). Chưa kể, phía Tây là dãy Trường Sơn trải dài, phía Đông là biển. Địa thế này đã hạn chế sự phát triển và hội nhập của Phú Yên.

Trước những khó khăn vậy, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Yên đã định hướng chiến lược khơi thông các cánh cửa, tạo nên vành đai hạ tầng kết nối với các địa phương và các vùng kinh tế để kích hoạt tiềm năng và lợi thế phát triển của tỉnh. Trong đó, Phú Yên nhấn mạnh khơi thông tuyến liên kết Bắc - Nam qua đường Quốc lộ 1A, đầu tư nâng cấp các tuyến quốc lộ liên kết với các tỉnh Tây Nguyên và đặc biệt là đầu tư hệ thống cảng biển, nâng cấp Sân bay Tuy Hòa… để mở toang cánh cửa giao thương với bên ngoài.

Hiện nay, Phú Yên đã có Cảng Vũng Rô và tương lai gần sẽ đầu tư mới Cảng Bãi Gốc (thuộc Dự án Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô). Sân bay Tuy Hòa đã nâng cấp và mở các đường bay trong nước đi Hà Nội, TP.HCM. Các tuyến QL 25 và tỉnh lộ 625 kết nối với Tây Nguyên đã được Chính phủ và tỉnh Phú Yên ưu tiên nâng cấp. Quan trọng nhất, Dự án Hầm đường bộ qua Đèo Cả đang triển khai và hoàn thành vào năm 2017, và bây giờ là Dự án Hầm đường bộ qua đèo Cù Mông khởi công xây dựng, dự kiến hoàn thành vào năm 2019. Như vậy, nút thắt liên kết Bắc - Nam của Phú Yên sẽ chính thức khai thông, mở toang cánh cửa phát triển kinh tế.

Tỉnh Phú Yên tin rằng, hai dự án hầm đường bộ Đèo Cả và đèo Cù Mông không chỉ đóng vai trò quan trọng hỗ trợ mở rộng giao thương, mà còn là sản phẩm du lịch, dịch vụ quan trọng.
Huỳnh Quế Sơn

Theo baodautu.vn

Bài viết cùng chuyên mục: