Cơ hội lớn chưa từng có
Câu chuyện được ông Peter Ryder chia sẻ tại Diễn đàn Đầu tư toàn cầu, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Euromoney tổ chức hôm 30/9 vừa qua, đã ngay lập tức nhận được sự quan tâm của dư luận. Đó là tại một cuộc họp về đầu tư vào khu vực ASEAN, được tổ chức mới đây tại một khu resort ở miền Trung Việt Nam, các nhà đầu tư đã dành tới 5,5 tiếng trên tổng thời lượng 6 tiếng đồng hồ để nói riêng về Việt Nam. Theo nhà đầu tư đã có 20 năm làm việc tại Việt Nam này, điều đó cho thấy Việt Nam đang được hết sức quan tâm.
Không chỉ là đầu tư trực tiếp, mà ngay cả đầu tư gián tiếp ở Việt Nam cũng đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư, nhất là khi các thông tin được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh chia sẻ tại Diễn đàn cho thấy, kinh tế Việt Nam đã hồi phục trở lại, với mức tăng trưởng trên 6,5% trong năm nay, dự kiến 6,7% trong năm tới. Trong khi đó, lạm phát sau giai đoạn tăng cao đã hạ xuống mức thấp kỷ lục, chỉ khoảng 1,5 - 2% trong năm nay.






Diễn đàn Đầu tư toàn cầu, diễn ra ngày 30/9, đã tập trung phân tích những cơ hội và thách thức trong thu hút FDI. Ảnh: Đức Thanh



“Tôi cho rằng, cơ hội đã quay trở lại với Việt Nam và các nhà đầu tư nước ngoài đang trông chờ vào các cơ hội đầu tư trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, nông, thủy sản”, ông Jonathan Choi, Chủ tịch Tập đoàn Sunwah và Tập đoàn VinaCapital chia sẻ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) kể rằng, ông thường xuyên tiếp xúc các nhà đầu tư quốc tế và nhận thấy, sau một thời gian bị cạnh tranh quyết liệt bởi các thị trường Indonesia, Philippines, Myanmar, thì nay dòng vốn đầu tư từ nước ngoài lại đang đổ vào Việt Nam.
Trong 9 tháng đầu năm, vốn FDI vào Việt Nam ước đạt trên 17 tỷ USD, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính lũy kế, 270 tỷ USD đã được cam kết đầu tư vào Việt Nam, trong đó vốn giải ngân là 135 tỷ USD.
Câu hỏi được đặt ra là, Việt Nam có những khác biệt gì để có thể cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài?
Nếu như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhắc đến vị trí thuận lợi ở khu vực ASEAN, chính trị ổn định, chính sách nhất quán trong thu hút FDI và tăng trưởng kinh tế ổn định, thì các nhà đầu tư lại nhắc nhiều hơn nguồn hơn đến nguồn lực lao động.
“Vì sao GE lại chọn Việt Nam, đó là vì Việt Nam có thị trường lao động tuyệt vời, ngoài ra còn có các điều kiện thuận lợi khác như chính sách phát triển phù hợp với khu vực tư nhân, môi trường đầu tư thông thoáng. Nguồn lao động chính là một tài sản quý của Việt Nam”, ông Steve Plunkett, Giám đốc cấp cao phụ trách quan hệ chính phủ của GE ASEAN chia sẻ.
Trong khi đó, theo Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam, sự hấp dẫn của Việt Nam đến từ chính tốc độ hội nhập kinh tế quốc tế và cả tiềm năng của thị trường trong nước. Hiện tại, Việt Nam đã ký kết 8 hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác trên thế giới và đang chuẩn bị ký kết hiệp định với Liên minh châu Âu và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
“Các nhà đầu tư nước ngoài đang đi trước trong cuộc chơi này và đón đầu những cơ hội sắp tới ở Việt Nam”, ông Eric Sidgwick.
Cơ hội còn được các nhà đầu tư nước ngoài khẳng định là đến từ các cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, cũng như các chính sách thu hút đầu tư tư nhân…
“Dù có những giai đoạn khó khăn, nhưng chúng tôi vẫn ‘sống’ được ở Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đã xử lý khủng hoảng rất tốt mà không phải quốc gia nào cũng làm được. Triển vọng đầu tư trong dài hạn của Việt Nam là rất lớn, bởi Việt Nam là một trong những quốc gia hội nhập tốt nhất thế giới, hàng hóa sản xuất ở Việt Nam sẽ được đưa đi khắp thế giới. Đây chính là lợi thế, là sự khác biệt khiến Việt Nam thu hút được nhiều hơn nữa vốn đầu tư vào đây”, ông Alain Cany, Chủ tịch Jardin Matheson Việt Nam khẳng định.
Cạnh tranh thu hút FDI: Đối thủ là chính mình
Một câu hỏi thú vị khác được đặt ra tại Diễn đàn Đầu tư toàn cầu, đó là đối thủ cạnh tranh thu hút FDI của Việt Nam là ai?
Các diễn giả tham gia Diễn đàn, từ ông Alain Cany đến ông Petrus Ng, Tổng giám đốc BASF Việt Nam, rồi Steve Punkett…, mỗi người đều có lý giải của riêng mình. Ví như, Việt Nam không thể cạnh tranh với Thái Lan hay
Indonesia trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực ô tô. Philippines có thể sẽ là địa điểm đầu tư tiếp theo của GE. Malaysia, Indonesia có thể được BASF lựa chọn…
Trong khi đó, câu trả lời của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh không khỏi khiến nhiều người bất ngờ: Đó là chính mình.
Theo Bộ trưởng, đối thủ của Việt Nam là ai thì chính các nhà đầu tư mới là người trả lời chính xác nhất, đó là địa điểm mà nhà đầu tư dự định bỏ vốn. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, với Việt Nam, thách thức lớn nhất là chính mình. “Điều cần thiết nhất là Việt Nam phải vượt lên chính mình. Bởi nếu không, nhiều nước hôm nay chưa phải đối thủ, ngày mai chắc chắn sẽ là đối thủ của Việt Nam”, Bộ trưởng Vinh nhận định.
Hiện tại, sự cạnh tranh giữa các quốc gia trong khu vực để thu hút FDI đang tăng lên rất cao. Trong khu vực ASEAN, các nước như Thái Lan, Indonesia hay Malaysia gần đây đã thay đổi chính sách nhằm tạo thuận lợi hơn cho nhà đầu tư. Trong khi đó, các nước như Campuchia hay Myanmar cũng đã có những bước tiến nhất định.
Do vậy, nếu không tiếp tục cải cách môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng hơn, cũng như gỡ bỏ những điểm yếu nội tại của nền kinh tế, thì Việt Nam sẽ thua cuộc.
“Đối thủ mỗi giai đoạn mỗi khác, nếu không tự đổi mới mình, vươn lên, thì sẽ có nhiều đối thủ nữa. Ngay cả Lào, Campuchia hay Myanmar cũng sẽ trở thành đối thủ của Việt Nam, chứ không phải là Singapore hay Malaysia như trước”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.
Lời tuyên bố trên của người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cho thấy rõ ràng một điều, thách thức lớn nhất trong quá trình hội nhập toàn cầu của Việt Nam, cũng như trong thu hút FDI lại nằm ở chính nội tại nền kinh tế, và ở chính tư duy chậm đổi mới đến từ khối doanh nghiệp nội, khi vẫn còn đâu đó tư tưởng về việc cần tiếp tục bảo hộ khu vực doanh nghiệp trong nước và những quan ngại về sự lớn mạnh của khu vực FDI tại Việt Nam.
Thông điệp nhất quán
Một câu chuyện thú vị khác. Tại Diễn đàn Đầu tư toàn cầu, cả hội trường đã vỗ tay thích thú trước cuộc trao đổi thẳng thắn và cởi mở giữa Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh với Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen Lê Phước Vũ.
Nếu như ông Vũ nhắc đến việc trong trung và dài hạn, Nhà nước phải có chính sách để thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp nội địa, bởi hiện nay, Việt Nam như đã thành một nơi để các doanh nghiệp nước ngoài khai thác tối đa lợi thế, thì Bộ trưởng Bùi Quang Vinh thẳng thắn cho rằng, nói như vậy có điều đúng và cũng có điều chưa đúng.
Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, đúng là cần phát triển doanh nghiệp trong nước, bởi chỉ có như vậy mới tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam. “Chỉ cà phê Trung Nguyên, nước mắm Phú Quốc mới là thương hiệu Việt Nam, còn Samsung thì ai cũng hiểu không phải là thương hiệu Việt Nam”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói và khẳng định rằng, điều đáng tiếc là kỳ vọng thu hút FDI để từ đó kéo sự phát triển của khu vực doanh nghiệp trong nước đã chưa thể thực hiện được.
“Các doanh nghiệp nước ngoài như Samsung, Toyota vào Việt Nam họ cũng muốn doanh nghiệp Việt phát triển để làm công nghiệp hỗ trợ, cung cấp linh kiện cho họ, như thế là đôi bên cùng được hưởng lợi. Ta thu hút FDI là để tạo cạnh tranh, kéo khu vực trong nước đi lên, phải làm sao doanh nghiệp trong nước đi nhanh hơn, chứ không thể đóng cửa với FDI”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.
Và thông điệp lại một lần nữa được khẳng định, đó là khu vực FDI là một bộ phận quan trọng, lâu dài của nền kinh tế Việt Nam, đồng thời, Việt Nam cũng sẽ quan tâm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng cho cả doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng đã nhấn mạnh, Chính phủ luôn hoan nghênh các doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư, kinh doanh ổn định, lâu dài tại Việt Nam.
Sự cởi mở và thẳng thắn của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh và thông điệp nhất quán của Chính phủ Việt Nam về việc coi trọng khu vực FDI, cộng thêm những cải cách mạnh mẽ trong môi trường đầu tư, kinh doanh được cho là nền tảng quan trọng để Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư hàng đầu trong khu vực.

“Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam đang bước vào quỹ đạo tăng trưởng mới, với kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng nhanh hơn, lạm phát ở mức thấp và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững với GDP tăng trưởng 6,5 - 7%/năm trong giai đoạn 2016 - 2020.

Thực hiện chính sách chủ động hội nhập quốc tế, Việt Nam đang cùng các nước thành viên nỗ lực hoàn thành mục tiêu xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015, cũng như ký kết 8 hiệp định thương mại tự do (FTA). Các FTA này mở ra không gian thương mại tự do rộng lớn giữa Việt Nam với 55 đối tác.

Tuy nhiên, chúng tôi nhận thức rất rõ rằng, những kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng mà còn có thể đạt được cao hơn, tốt hơn. Môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam vẫn còn những hạn chế, khó khăn. Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều biện pháp cụ thể để vượt qua thách thức và những hạn chế của chính mình, tranh thủ hiệu quả các cơ hội thuận lợi cho mục tiêu phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tới.

Bối cảnh kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam đang có nhiều cơ hội và thách thức đan xen, chuyển hoá lẫn nhau. Với nỗ lực của Chính phủ nhằm phát huy tốt nhất những tiềm năng phát triển kinh tế Việt Nam, chúng tôi luôn hoan nghênh các doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư, kinh doanh ổn định, lâu dài tại Việt Nam. Việt Nam luôn khẳng định, thành công của các nhà đầu tư nước ngoài, của các bạn cũng chính là thành công của Việt Nam chúng tôi”.

(Trích ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Diễn đàn Đầu tư toàn cầu 2015)
Nguyên Đức

Theo baodautu.vn