Còn dư 14.259 tỷ đồng
Mặc dù còn phải chờ Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (dự kiến họp vào cuối tháng 10/2015), nhưng ngay từ bây giờ, phương án sử dụng vốn trái phiếu chính phủ còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đang thu hút sự quan tâm đặc biệt từ lãnh đạo các địa phương và nhà thầu.
“Nếu được bố trí sớm, phần vốn sẽ tạo ra một khối lượng việc làm khá lớn, nhất là trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước trong năm tới được dự báo là rất hạn chế”, ông Nguyễn Quang Tuyến, Phó tổng giám đốc Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường - nhà thầu từng đảm nhận một số gói thầu lớn tại cả hai dự án mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên hy vọng.






Vốn dư của các dự án mở rộng Quốc lộ 1 chủ yếu do rút ngắn 1 năm thi công so với kế hoạch...



Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, giữa tuần trước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn tất Báo cáo số 6947/BKHĐT - KCHTĐT về phương án sử dụng lượng vốn dư này gửi Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.
“Đây sẽ là báo cáo phục vụ việc thẩm tra chính thức của Ủy ban Tài chính - Ngân sách đối với phương án sử dụng vốn còn dư của 2 dự án trước khi trình Quốc hội”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết.
Trước đó, sau khi rà soát chênh lệch tổng nguồn vốn bố trí cho các dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên theo Nghị quyết số 65/2013/QH13 (64.294 tỷ đồng) và tổng mức đầu tư được duyệt sau điều chỉnh, Bộ Giao thông - Vận tải cho biết, tổng kinh phí dự kiến để thực hiện các dự án chỉ còn 50.035 tỷ đồng. Như vậy, tổng vốn trái phiếu chính phủ còn dư là 14.259 tỷ đồng, trong đó các dự án mở rộng Quốc lộ 1 là 9.910 tỷ đồng, chủ yếu do rút ngắn 1 năm thi công so với kế hoạch, điều chỉnh thiết kế, sử dụng biện pháp tổ chức thi công hợp lý...
Vốn sẽ vào dự án nào?
Theo đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sẽ có 25 dự án, hạng mục được nhận vốn dư từ hai công trình trọng điểm quốc gia này. Cụ thể, các dự án nằm trên tuyến Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên (bao gồm cả tuyến tránh) sẽ được bố trí 7.741 tỷ đồng; các dự án đã có trong danh mục sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ theo các Nghị quyết của Quốc hội được đề nghị bố trí 5.340 tỷ đồng; các dự án có tính chất kết nối với Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên nằm ngoài danh mục các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ (Quốc lộ 12B đoạn Tam Điệp – Nho Quan, Ninh Bình có kinh phí khoảng 1.178 tỷ đồng).
Trong số các dự án dự kiến nhận vốn, một số hạng mục có quy mô vốn khá lớn như: đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Mới – Chợ Chu dài 19 km (927 tỷ đồng); đường Hồ Chí Minh cầu Bình Ca và đường dẫn từ ngã ba Phú Thịnh – ngã ba Bình Ca dài 13 km (813 tỷ đồng); tuyến đường kết nối giữa đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với Quốc lộ 1 giai đoạn II (2.174 tỷ đồng); mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km1027 - Km1045 +780 đoạn qua Quảng Ngãi (923 tỷ đồng)…
Đặc biệt, sẽ có 2 dự án BOT mở rộng Quốc lộ 1 trong danh mục nhận vốn dư như là khoản bổ sung vào phần vốn hỗ trợ của nhà nước còn thiếu, trong đó Dự án BOT Quốc lộ 1 đoạn Km947 - Km987, tỉnh Quảng Nam nhận 216 tỷ đồng; Dự án BOT Quốc lộ 1 đoạn Km1125 – Km1153, tỉnh Bình Định nhận thêm 402 tỷ đồng.
Trong văn bản gửi Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị cơ quan này báo cáo Quốc hội cho phép sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ còn dư để đầu tư các dự án trên, với tổng kinh phí không quá 14.259 đồng và giao Chính phủ thực hiện mức phát hành trái phiếu chính phủ hàng năm theo tiến độ thực hiện các dự án.
“Các dự án bổ sung được phép thẩm định, phê duyệt và triển khai ngay sau khi được Quốc hội thông qua để đảm bảo tiến độ, đưa toàn bộ Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh vào khai thác đồng bộ, hiệu quả”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất.
Anh Minh

Theo baodautu.vn