Sáng 6/10, tức là chỉ nửa ngày sau khi thông tin từ Atlanta (Mỹ) tuyên bố 12 quốc gia thành viên đã kết thúc đàm phán hiệp định lịch sử TPP, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có một phiên tăng điểm ấn tượng. VN-Index đã tăng 6,51 điểm, tương ứng tăng 1,14%, với hơn 140 mã tăng giá, trong khi chỉ có 24 mã giảm. Trong khi đó, HNX-Index cũng tăng 0,96 điểm, tương ứng tăng 1,21%.
Đáng chú ý, đầu phiên giao dịch sáng 6/10, các mã chứng khoán của các doanh nghiệp dự kiến được hưởng lợi từ TPP phủ xanh hai sàn. Một không khí hồ hởi tràn ngập nền kinh tế Việt Nam, ngay sau những thông tin tích cực về đàm phán TPP được công bố.
Nhưng không phải chỉ ở Việt Nam, khi Đại diện Thương mại Mỹ, ông Michael Froman xuất hiện vào tối 5/10 (theo giờ Việt Nam) tại phòng họp báo ở Atlanta thông báo việc “chúng tôi đã đi đến một thỏa thuận”, phân nửa nền kinh tế toàn cầu đã thở dài nhẹ nhõm.






Ước tính, TPP sẽ giúp xuất khẩu của Việt Nam tăng thêm 68 tỷ USD vào năm 2025. Ảnh: Đức Thanh



Sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, kéo dài từ cuối năm 2007 tới nay, kinh tế toàn cầu đã đối mặt với suy giảm, với nợ công, với bất ổn kéo dài. Vì thế, việc 12 quốc gia thành viên TPP, bao gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Việt Nam và Mỹ đạt được thỏa thuận lịch sử đã mang lại kỳ vọng lớn cho kinh tế toàn cầu. TPP sẽ giúp bổ sung cho GDP thế giới thêm gần 300 tỷ USD mỗi năm và đó là một con số không hề nhỏ.
Thậm chí, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), trong một thông cáo được phát đi ngay sau khi đàm phán TPP kết thúc tốt đẹp, cũng đã đánh giá cao điều này. Bà Christine, Giám đốc Điều hành IMF khẳng định, thỏa thuận này không chỉ quan trọng vì quy mô của nó, khi các nước ký kết chiếm khoảng 40% GDP toàn cầu, mà còn thúc đẩy phạm vi thương mại và đầu tư hàng hóa, dịch vụ sang những khu vực mới, nơi có lợi ích đáng kể.
Kinh tế toàn cầu được cải thiện, đương nhiên sẽ tác động tích cực tới kinh tế Việt Nam. Chưa kể, hàng loạt tác động to lớn và trực tiếp mà hiệp định này mang lại, liên quan đến thương mại và đầu tư. Do vậy, các chuyên gia kinh tế đã không ngần ngại gọi sự kiện này là “bước ngoặt lịch sử” đối với kinh tế Việt Nam. “Đây thực sự là cơ hội chưa từng có cho Việt Nam để thúc đẩy hoạt động thương mại và đầu tư”, GS-TSKH Nguyễn Mại phát biểu.
Nhận định này đã nhận được sự đồng tình của các chuyên gia kinh tế. Ông Sandeep Mahajan, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB) khẳng định, kinh tế Việt Nam sẽ được hưởng lợi lớn khi TPP được ký kết. Theo ông này, nhóm 12 nước trong TPP đóng góp 40% GDP toàn cầu nên Việt Nam sẽ có thị trường rộng hơn. “Đây là cơ hội lớn, chúng tôi đã có những dự tính tác động khá tích cực. GDP có thể tăng thêm 8-10% đến năm 2030, thậm chí còn nhiều hơn', vị này nói.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Thông tẫn xã Việt Nam ngay sau khi TPP kết thúc đàm phán, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cũng đã nhấn mạnh rằng, TPP - theo tính toán của các chuyên gia kinh tế độc lập - sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025. Trong khi đó xuất khẩu sẽ tăng thêm được 68 tỷ USD vào năm 2025.
Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, việc các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản và Canada giảm thuế nhập khẩu về 0% sẽ giúp tạo ra “cú hích” lớn đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. “Các ngành xuất khẩu quan trọng như dệt may, giày dép, thủy sản... nhiều khả năng sẽ có bước phát triển vượt bậc về kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường này”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhận định và cho rằng, tham gia TPP cũng là cơ hội để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế, trong đó có thể chế kinh tế thị trường, một trong ba đột phá chiến lược.
Nhiều chuyên gia kinh tế, lãnh đạo doanh nghiệp cũng cho rằng, TPP sẽ hỗ trợ cho tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, đồng thời giúp Việt Nam có thêm cơ hội để hoàn thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch và dễ dự đoán hơn, từ đó thúc đẩy cả đầu tư trong nước lẫn đầu tư nước ngoài. “Tôi tin tưởng vững chắc rằng, TPP sẽ tạo áp lực tích cực để đất nước đổi mới nhanh chóng nhằm đưa Việt Nam thành một nền kinh tế hiệu quả và mang tính cạnh tranh hơn”, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC bày tỏ.
Hà Nguyễn

Theo baodautu.vn