Đường Mỹ Phước - Tân Vạn do Becamex IDC đầu tư đã góp phần tăng sức cạnh tranh của tỉnh Bình Dương



Nắm bắt thời cơ này, Bình Dương đã chủ trương đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông đồng bộ để đáp ứng nhu cầu phát triển. Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - TNHH MTV (Becamex IDC) được UBND tỉnh giao đầu tư xây dựng Dự án Đường Mỹ Phước - Tân Vạn sẽ chính thức khánh thành giai đoạn I ngày 13/10/2015 và khởi công xây dựng đường DT 743.
Tiếp đến, ngày 20/10/2015, Becamex IDC tiếp tục khởi công đường Mỹ Phước - Bàu Bàng (Mỹ Phước - Tân Vạn nối dài), có tổng chiều dài khoảng 10,9 km. Giai đoạn II đường Mỹ Phước - Tân Vạn là phần kết nối vào Quốc lộ 1A, là cửa ngõ quan trọng để hoàn thành toàn bộ dự án sẽ sớm được đầu tư để hoàn thiện từng bước hệ thống giao thông hoàn chỉnh của Bình Dương trong tương lai.
Hệ thống giao thông Bình Dương tạo lợi thế thu hút đầu tư
Bình Dương là một trong 8 tỉnh nằm trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam (KTTĐPN) đạt được sự tăng trưởng khá nhanh về công nghiệp, dịch vụ và đô thị, góp phần đáng kể trong việc phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng theo hướng công nghiệp - dịch vụ. Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐTV Becamex IDC, một trong những nguyên nhân cơ bản để có sự thành công nói trên là tỉnh Bình Dương đã chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, tạo môi trường tốt nhất để thu hút đầu tư.
Chủ trương đầu tư kết nối hệ thống giao thông Bình Dương với toàn vùng KTTĐPN, đáp ứng nhu cầu lưu thông vận chuyển ngày càng lớn trong tương lai, khi các khu công nghiệp (KCN) tại Bình Dương đang mở rộng, cũng như tình hình kinh tế xã hội khu vực Tây Nguyên ngày càng phát triển, đã thể hiện tầm nhìn của lãnh đạo tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Hùng cho biết, ngoài hai tuyến đường quan trọng là Đại lộ Bình Dương (Quốc lộ 13) hiện hữu, đường Mỹ Phước - Tân Vạn (giai đoạn I) vừa đưa vào hoạt động thì đường Mỹ Phước - Tân Vạn (giai đoạn II) và các tuyến đường trọng yếu khác sẽ được nhanh chóng đầu tư trong tương lai, đáp ứng nguyện vọng của các nhà đầu tư và doanh nghiệp, mong muốn có được thời gian vận chuyển hàng hóa, dịch vụ ra sân bay, bến cảng ngắn nhất, chi phí thấp nhất để hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm khi đầu tư tại Bình Dương.
Bên cạnh đó, Becamex IDC đang hợp tác với Tập đoàn Tokyu (Nhật Bản) xây dựng đề án xe buýt nhanh (BRT) từ ga Suối Tiên đến thành phố mới Bình Dương, tiến tới là hệ thống tàu điện để kết nối toàn diện TP.HCM về Bình Dương theo tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn. Do đó, đường Mỹ Phước - Tân Vạn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, ngoài chức năng vận tải, liên kết vùng, còn thúc đẩy tiến trình mở rộng không gian đô thị, tạo ra chuỗi đô thị liên kết dọc tuyến đường, theo phương thức phát triển lấy nhà ga làm trung tâm kích hoạt. Đây cũng là mô hình mới về phát triển đô thị lần đầu tiên được áp dụng tại Bình Dương.
Tuyến đường huyến mạch Mỹ Phước - Tân Vạn
Đường Mỹ Phước - Tân Vạn có điểm đầu từ KCN và đô thị Mỹ Phước, đi qua các khu công nghiệp lớn nằm trên 4 địa phương là Bến Cát, Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An để đến cửa ngõ sân bay, cảng biển quốc tế tại vùng KTTĐPN. Tuyến đường có chiều dài 26,5 km, được thiết kế theo tiêu chuẩn đường đô thị 6 làn xe, tổng vốn đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng. Giai đoạn I (từ Đường ĐT 741 đến ngã 6 An Phú dài 16 km). Sau khi hoàn thành, đường Mỹ Phước - Tân Vạn sẽ kết nối với Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh và hệ thống giao thông của toàn vùng KTTĐPN.
Theo quy hoạch giao thông - vận tải vùng KTTĐPN đã được Chính phủ phê duyệt thì các cảng lớn của vùng sẽ chuyển dịch từ TP.HCM sang khu vực Thị Vải - Cái Mép thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Như vậy, trong tương lai, giao thông phục vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Bình Dương sẽ có thêm tuyến đường huyết mạch mới, hướng từ Đông - Nam thông qua đường Mỹ Phước - Tân Vạn đi Bà Rịa - Vũng Tàu.
Cảng hàng không quốc tế sẽ được dịch chuyển dần từ Sân bay Tân Sơn Nhất về Sân bay Long Thành. Theo đó, hướng từ Sân bay Long Thành về Bình Dương sẽ theo Quốc lộ 51 qua ngã ba Vũng Tàu về Tân Vạn hoặc theo đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Dây và đường Vành đai 3 qua ngã Tân Vạn về Bình Dương.
Ngoài ra, khu vực Tân Vạn - Dĩ An của tỉnh Bình Dương đang có các cảng trung chuyển container kết nối với các cảng lớn của TP.HCM và Bà Rịa -Vũng Tàu như: Cảng Bình Dương, Cảng Đồng Nai, Cảng quận 9 (TP.HCM), rất thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu.
Như vậy, Tân Vạn sẽ trở thành đầu mối giao thông quan trọng của Bình Dương đi các cảng biển và Sân bay quốc tế Long Thành, cũng là đầu mối trung chuyển hành khách quan trọng từ Tây nguyên, Bình Dương về TP.HCM và ngược lại. Có thể nói, đường Mỹ Phước - Tân Vạn chính là tuyến đường “huyết mạch” mới trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội Bình Dương trong thời kỳ mới.
Thực tế, đường Mỹ Phước - Tân Vạn (giai đoạn I) được đưa vào khai thác và khởi công xây dựng giai đoạn I đường ĐT 743 chắc chắn sẽ mở ra cơ hội phát triển bền vững của Bình Dương. Các công trình này không những góp phần to lớn cho việc ổn định thu hút đầu tư, mà còn làm thay đổi diện mạo của tỉnh trong thời gian tới, đưa Bình Dương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2020.
Phát triển giao thông là mũi nhọn đột phá đến 2020
Becamex IDC được UBND tỉnh giao nhiệm vụ tiếp theo là động thổ xây dựng đường DT 743 với tổng chiều dài là 12,3 km, quy mô 6 làn xe từ Miếu Ông Cù đến cầu vượt Sóng Thần, với tổng vốn đầu tư xây dựng là 1.300 tỷ đồng. Đây là tuyến đường trục chính nối toàn bộ khu vực Tân Uyên, Dĩ An, thành phố mới Bình Dương với các KCN lớn như VSIP, Sóng Thần, Mỹ Phước về TP.HCM và các tỉnh lân cận, kết nối với đường Mỹ Phước – Tân Vạn, đường xuyên Á, xuyên Bắc Nam.
Trong chiến lược phát triển đầu tư từ nay đến 2020 và 2025, Bình Dương sẽ ưu tiên phát triển hệ thống giao thông hiện đại kết nối với Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Long Thành; kết nối với cụm cảng biển Sài Gòn, cụm cảng nước sâu Thị Vải - Vũng Tàu và hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác trong vùng Đông Nam Bộ, phù hợp với các quy hoạch ngành đã được phê duyệt. Liên kết với các trung tâm đô thị trong vùng Đông Nam Bộ và vùng KTTĐPN: TP.HCM, Biên Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Xoài, Tây Ninh, Tân An, Mỹ Tho...với các trung tâm đô thị Bình Dương: Thủ Dầu Một, Nam Bến Cát, Nam Tân Uyên theo các trục hướng tâm và xuyên tâm.
Xây dựng hệ thống giao thông nội thị văn minh, hiện đại. Đầu tư các tuyến đường chính đô thị kết nối giữa các tuyến đối ngoại với trung tâm đô thị, với các KCN tập trung trên địa bàn.
Phát triển các trục giao thông đối ngoại theo các hướng Bắc - Nam, Đông - Tây, tăng cường sự liên kết giữa các các đô thị trong tỉnh, trung tâm thành phố mới Bình Dương với vùng Đông Nam Bộ và vùng KTTĐPN, xuyên Đông Nam Á qua đường xuyên Á (qua Campuchia) nối vành đai vùng Đông Bắc Thái Lan - Campuchia qua cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) bằng đường bộ; qua cửa khẩu Hoa Lư (Bình Phước) bằng đường sắt và đường bộ.
Bình Dương kỳ vọng thu hút sóng đầu tư mới
Nhận định về việc kết thúc thành công đàm phán TPP, ông Nguyễn Văn Hùng cho rằng, đây là thời điểm chín muồi để Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn với nền kinh tế thế giới, khả năng thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ tăng cao trong thời gian tới. Riêng Bình Dương đã chuẩn bị những bước đi vững chắc và luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để sẵn sàng đón làn sóng đầu tư mới.
Trong thời gian qua, tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo Becamex IDC đẩy mạnh phát triển các dự án hạ tầng công nghiệp - đô thị mới ở Bình Dương và một số tỉnh, thành phố khác để đón đầu cơ hội như KCN VSIP 1, 2; KCN Mỹ Phước 1,2,3; KCN Thới Hòa; KCN Bàu Bàng; VSIP Bắc Ninh; VSIP Hải Phòng; VSIP Quảng Ngãi; Khu liên hợp Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ VSIP Nghệ An và gần đây nhất là khởi công xây dựng Khu liên hợp Công nghiệp và Đô thị Becamex - Bình Phước lớn nhất cả nước với quy mô hơn 4.600 ha.
Dự kiến đến năm 2020, Bình Dương có 35 KCN với tổng diện tích gần 13.800 ha. Thu hút và lấp đầy 16 KCN ở thị xã Dĩ An, thị xã Thuận An và TP. Thủ Dầu Một, tiếp tục xây dựng và hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng thu hút đầu tư vào các KCN ở phía Bắc.
Trần Khoa

Theo baodautu.vn

Bài viết cùng chuyên mục: