Lễ khởi công dự án Nhà máy Nhiệt điện Na Dương 2



Dự án nằm trên khu vực xưởng sàng hiện có của mỏ than Na Dương, thuộc thôn Toòng Giá, xã Sàn Viên, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn với diện tích khoảng 11ha; trong đó, khu vực nhà máy chính 7,56ha.
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Na Dương 2 có quy mô công suất 110MW, bao gồm một tổ máy (một lò hơi CFB, một tua bin hơi, một máy phát) với tổng mức đầu tư trên 4.194 tỷ đồng, tương đương trên 192 triệu USD. Nguồn vốn đầu tư của dự án gồm 20% vốn chủ sở hữu và 80% vốn vay thương mại. Thời gian thực hiện từ năm 2015-2018.
Phát biểu tại lễ khởi công, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng đây là công trình quan trọng đối với TKV trong quá trình chuyển dịch cơ cấu của ngành theo hướng đa dạng hóa liên quan đến việc sử dụng than và khoáng sản; là công trình trong Tổng sơ đồ phát triển điện quốc gia.
Với quy mô 110MW, sản lượng điện cung cấp bình quân 650 triệu kWh/năm khi dự án hoàn thành vào năm 2018 sẽ góp phần đảm bảo cung ứng điện chất lượng cao cho Lạng Sơn và các địa phương vùng biên giới phía Bắc.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đề nghị các đơn vị của Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ giúp đỡ TKV và Tổng công ty Điện lực Vinacomin thực hiện các khâu tiếp theo liên quan đến dự án để đảm bảo đến năm 2018 đưa nhà máy vào vận hành.
TKV và chủ đầu tư cũng cần phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn để thực hiện tốt các công việc trong quá trình triển khai dự án như đền bù, giải phóng mặt bằng, đảm bảo an ninh trật tự xã hội trong quá trình triển khai... Đồng thời, tiếp tục chăm lo tốt hơn đời sống, việc làm cho các hộ gia đình đã nhường đất cho dự án. Chủ động phối hợp với địa phương triển khai việc đào tạo nghề, dạy nghề cho người dân lao động tại chỗ để có việc làm ngay trong Nhà máy Nhiệt điện Na Dương 2, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động của tỉnh.
Theo ông Ngô Trí Thịnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực - Vinacomin, hiện nhu cầu phụ tải tỉnh Lạng Sơn năm 2015 với công suất/sản lượng điện năng là 175MW/703 GWh và năm 2020 là 325MW/1.417GWh, trong khi hiện tại tỉnh Lạng Sơn ngoài thủy điện nhỏ Cấm Sơn là 4,5MW chỉ có Nhà máy nhiệt điện Na Dương 100MW đang vận hành.
Đối với miền Bắc, mỗi năm sẽ cần phải bổ sung trung bình 4.000MW công suất nguồn từ các nhà máy nhiệt điện than bắt đầu từ năm 2016-2025 nên việc xây dựng Nhà máy nhiệt điện Na Dương 2 là rất cần thiết và cấp bách, góp phần đảm bảo cung cấp điện cho tỉnh Lạng Sơn và các tỉnh miền Bắc.
Mặt khác, khi đi vào hoạt động, Nhà máy nhiệt điện Na Dương 2 cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển hệ thống điện quốc gia, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện năng ngày càng tăng của nền kinh tế. Đồng thời giảm công suất truyền tải từ các vùng khác đến lưới điện khu vực Lạng Sơn và các tỉnh trung du miền núi phía Bắc, góp phần đảm bảo chất lượng điện áp trong chế độ truyền tải cao, giảm tổn thất điện năng và tăng cường độ tin cậy cung cấp điện.
Cũng theo ông Ngô Trí Thịnh, địa điểm xây dựng dự án nằm trên khu vực xưởng sàng hiện có của mỏ than Na Dương với địa hình tự nhiên tương đối bằng phẳng. Trên mặt bằng nhà máy chính không có các hộ dân sinh sống và các công trình xây dựng. Nhà máy nằm sát mỏ than Na Dương và cách nguồn cung cấp nước ngọt là hồ Tà Keo khoảng 3,8km.
Tiến độ đầu tư xây dựng Dự án Nhà máy Nhiệt điện Na Dương 2 đồng bộ và phù hợp với Dự án cải tạo, mở rộng nâng cao công suất mỏ than Na Dương lên khoảng 1,2 triệu tấn/năm của TKV.
Công nghệ sử dụng lò hơi tầng sôi tuần hoàn tiên tiến khi đưa dự án vào vận hành năm 2018 tại Nhà máy này sẽ tận dụng được nguồn tài nguyên than có chất lượng thấp, hàm lượng lưu huỳnh cao của mỏ than Na Dương để phát điện.
Việc đầu tư nhà máy nhiệt điện Na Dương 2 cũng sẽ giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động trong giai đoạn xây dựng và vận hành chưa kể các dịch vụ kèm theo, góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân địa phương và tăng khoản nộp ngân sách nhà nước hàng năm. Đồng thời, sử dụng có hiệu quả nguồn than tại mỏ than Na Dương và là hộ tiêu thụ than lớn, ổn định trong suốt giai đoạn kéo dài từ 30-40 năm từ khi tổ máy đi vào vận hành, với mức tiêu thụ hàng năm của nhà máy vào khoảng 500.000 tấn/năm.
Thảo Nguyên (TTXVN/Vietnam+)

Theo baodautu.vn

Bài viết cùng chuyên mục: