Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trao đổi với nhà đầu tư Nhật Bản tại cuộc đối thoại chính sách lần thứ ba giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Liên đoàn Doanh nghiệp Nhật Bản (Keidanren)



“Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được phê duyệt từ năm 2013 và đã có các kế hoạch hành động, nhưng các doanh nghiệp vẫn chưa tham gia nhiều. Trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cũng vậy, nhiều hội thảo, nhiều chính sách, nhưng kết quả chưa có. Có phải do cách làm?”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đặt thẳng vấn đề ngay trong lời khai mạc.
“Tôi muốn làm rõ vấn đề này vì muốn rằng, doanh nghiệp Nhật Bản khi quyết định đầu tư ra nước ngoài sẽ nghĩ đến Việt Nam đầu tiên”, ông Dũng nhấn mạnh.
Đây không phải lần đầu tiên ông Dũng nhắc tới yêu cầu về thay đổi cách làm, cách tiếp cận giữa doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản trong việc thực hiện các cơ chế hợp tác giữa hai bên. Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản cuối tháng 10 vừa qua, ông Dũng cũng cho rằng, rào cản lớn trong việc hiện thực hóa các kế hoạch hành động là các doanh nghiệp vẫn chưa tìm được cách hợp tác phù hợp.
“Doanh nghiệp Nhật Bản vẫn nói doanh nghiệp Việt Nam không đủ điều kiện để cung ứng sản phẩm phụ trợ cho họ. Điều này đúng vì doanh nghiệp Việt Nam thiếu công nghệ, thiếu vốn. Họ không thể bỏ tiền đầu tư công nghệ khi mà không chắc sẽ có đầu ra. Chúng tôi mong muốn Keidanren thể hiện vai trò đi đầu của mình, có cơ chế hợp tác với các doanh nghiệp cụ thể. Thành viên của Keidanren là các doanh nghiệp lớn, có thể có cơ chế hợp tác, thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam lên đủ điều kiện, thay vì ngồi đợi…”, ông Dũng đề xuất.
Đồng tình với ý kiến này, ông Tabuchi Masao, Quyền Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Việt - Nhật của Keidanren cũng nhấn mạnh lý do “đến Việt Nam để bàn cách mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam” của các thành viên Keidanren.
Cũng phải nói thêm, ông Tabuchi Masao hiện là Giám đốc điều hành của Tập đoàn Sumitomo, nên rất hiểu môi trường kinh doanh Việt Nam, cũng như nhu cầu của các nhà đầu tư Nhật Bản tại đây.
“Trong bối cảnh thị trường hiện tại, không có doanh nghiệp nào sản xuất sản phẩm từ A tới Z. Việt Nam đang có vai trò riêng trong chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Nhật Bản. Hiện có sự chuyển dịch đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản từ Trung Quốc, Thái Lan… tới Việt Nam để tận dụng các cơ hội từ hiệp định thương mại tự do mới mà Việt Nam và Nhật Bản cùng tham gia, đặc biệt là TPP”, ông Tabuchi Masao nói và nhấn mạnh, trong thời điểm này, chìa khóa của Việt Nam là phải thể hiện ưu thế rõ nét hơn các nước trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).
Sự rõ nét hơn, theo cách nhìn nhận từ phía Keidanren, đó là cơ sở hạ tầng phải đồng bộ hơn, hoàn thiện hơn; môi trường kinh doanh thân thiện hơn và nguồn nhân lực tầm trung. Doanh nghiệp Nhật Bản đang yêu cầu môi trường kinh doanh có thể dự báo được, thủ tục hành chính thân thiện, rõ ràng, minh bạch hơn và chính sách ổn định, được áp dụng thống nhất.
“Trong tháng 7 vừa qua, chúng tôi đã tiến hành một bảng hỏi với các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam. Ưu thế của Việt Nam trong AEC là nguồn nhân lực, chi phí nhân công và quy mô thị trường. Tuy nhiên, thách thức của Việt Nam đang tăng lên khi AEC hình thành. Điều quan trọng mà chúng tôi muốn chia sẻ, đó là doanh nghiệp Nhật Bản muốn tham gia cải thiện các vấn đề của môi trường kinh doanh Việt Nam. Chúng tôi sẽ có cách để hiện thực hóa mong muốn này”, ông Tabuchi Masao nói.
Khánh An

Theo baodautu.vn

Bài viết cùng chuyên mục: