Quốc hội thông qua kế hoạch tăng mức lương cơ sở thêm 5% kể từ ngày 1/5/2016




Mừng là lẽ đương nhiên, cho dù mức tăng chỉ 5%, tức tăng từ 1.150.000 đồng/tháng hiện nay lên 1.210.000 đồng/tháng. Tăng ít nhưng vẫn có ý nghĩa về cả vật chất và tinh thần đối với người lao động, bởi đã hai năm 2014 - 2015, lương cơ sở không tăng, ảnh hưởng tới thu nhập và đời sống của không ít người làm công, ăn lương.
Việc Quốc hội thông qua dự toán ngân sách năm 2016, trong đó có việc dành 11.000 tỷ đồng để tăng lương cho cán bộ, công chức, trên một khía cạnh nào đó còn giải tỏa được nỗi lo “khó ăn khó nói” của các đại biểu Quốc hội. Hai năm qua, lương không tăng, đại biểu Quốc hội trở thành người “hứa mà không làm” đối với cử tri. Do vậy, dù ngân sách khó khăn, song quan điểm của các đại biểu Quốc hội vẫn là phải tiết kiệm chi để dành tiền tăng lương cho người lao động. Điều này là hoàn toàn đúng đắn.
Quyết định đã được thông qua. Và để có trên 11.000 tỷ đồng bố trí cho tăng lương, áp lực tới túi tiền quốc gia là không nhỏ. Phải triệt để tiết kiệm, cắt giảm 30% tiền chi hội nghị hội thảo, công tác… và chi cho dự án chưa thật cấp bách. Các khoản chi thường xuyên của các bộ, ngành, địa phương, chi mua sắm ô tô, trang thiết bị đắt tiền... cũng sẽ được thắt chặt.
Trong khi đó, chi trả nợ sẽ vẫn giữ nguyên và bội chi được giữ ở mức 254.000 tỷ đồng.
Năm 2015, bội chi ngân sách được Quốc hội thông qua là 5% GDP. Con số trong năm tới chỉ là 4,95% GDP, trong khi nhu cầu chi rất lớn, bao gồm chi cho đầu tư phát triển, chi tăng lương, chi trả nợ... Điều đó có nghĩa, để đạt được mục tiêu này, kỷ luật ngân sách càng phải được thắt chặt hơn nữa. Trong Nghị quyết của Quốc hội cũng nhấn mạnh rằng, phải “kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước, trong điều hành cần có biện pháp tích cực để giảm bội chi và tăng chi trả nợ”.
Nhưng câu chuyện với ngân sách trong năm 2016 không phải chỉ là tiết kiệm để chi tăng lương, mà còn là chuyện chi đầu tư phát triển cũng phải đúng chỗ và hiệu quả hơn. Quốc hội, cùng với việc thông qua kế hoạch tăng lương, cũng cho phép Chính phủ sử dụng 40.000 tỷ đồng tiền bán cổ phần sở hữu của Nhà nước tại một số doanh nghiệp để đầu tư phát triển. Chi dùng thế nào đối với khoản tiền này cũng đã được hoạch định. Đó là trường hợp ngân sách trung ương năm 2015 bị hụt thu, cho phép sử dụng không quá 10.000 tỷ đồng tiền bán cổ phần sở hữu của Nhà nước, song chỉ nhằm cân đối, đáp ứng nhiệm vụ chi đầu tư phát triển. 30.000 tỷ đồng còn lại được đưa vào dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 để tăng chi đầu tư phát triển.
Bên cạnh đó, Quốc hội đã trao quyền cho Chính phủ được phát hành tối đa 3 tỷ USD trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế để cơ cấu lại nợ, đồng thời cho phép Chính phủ phát hành 60.000 tỷ đồng trái phiếu đầu tư các dự án, công trình sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ. Kỳ hạn trái phiếu cũng được đa dạng hóa, với tỷ lệ không quá 30% tổng khối lượng trái phiếu Chính phủ phát hành có thời hạn từ 3 năm đến dưới 5 năm...
Tất cả vấn đề trên đang đặt ra thách thức rất lớn đối với việc siết chặt kỷ luật ngân sách quốc gia. Nếu không chi dùng đúng và hiệu quả, thì hệ lụy là khôn lường đối với nền kinh tế, nhất là khi nợ công vẫn đang trong xu hướng gia tăng.
Hà Nguyễn

Theo baodautu.vn

Bài viết cùng chuyên mục: