Ông Quách Ngọc Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, cơ chế phối hợp này được Nghị định 118/2015/NĐ-CP quy định theo trình tự cụ thể, đảm bảo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện.
Theo đó, nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký đầu tư và hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp tại Cơ quan đăng ký đầu tư. Trong thời hạn 1 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký đầu tư gửi hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh.






.



Trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp, Cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ xem xét tính hợp lệ của hồ sơ và thông báo ý kiến cho Cơ quan đăng ký đầu tư.
Trong trường hợp có yêu cầu điều chỉnh hoặc bổ sung hồ sơ đăng ký đầu tư hoặc hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp, Cơ quan đăng ký đầu tư thông báo 1 lần về toàn bộ nội dung không hợp lệch nhà đầu tư.
Căn cứ hồ sơ đăng ký đầu tư và hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp đã tiếp nhận, Cơ quan đăng ký đầu tư và Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm phối hợp xử lý hồ sơ và trả kết quả cho nhà đầu tư tại Cơ quan đăng ký đầu tư.
“Như vậy, nhà đầu tư nước ngoài khi lần đầu đầu tư vào Việt Nam có quyền lựa chọn đăng ký đầu tư với dự án trước rồi thành lập doanh nghiệp hoặc chọn cơ chế một đầu mối. Theo Nghị định 118/2015/NĐ–CP, nhà đầu tư chỉ mất 15 ngày để hoàn thành thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài đáp ứng đủ yêu cầu về điều kiện đầu tư”, ông Tuấn nói.
Liên quan đến thủ tục đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, Nghị định 118/2015/NĐ-CP cũng quy định rõ, nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong tổ chức kinh tế không phải thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Như vậy, tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi thành viên, cổ đông tại cơ quan đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế, trừ trường hợp nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế kinh doanh ngành, nghề đầu tư có điều kiện áp dụng với nhà đầu tư nước ngoài hay việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp dẫn tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài từ dưới 51% lên trên 51% và tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài khi nhà đầu tư đó đã sở hữu trên 51% vốn điều lệ trong tổ chức kinh tế.
”Thời gian để hoàn tất thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp cũng chỉ là 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Đặc biệt, tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp không phải thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư đã thực hiện trước thời điểm nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp”, ông Tuấn cho biết.
Liên quan đến quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, Nghị định 118/2015/NĐ-CP có điều khoản riêng cho nhà đầu tư nước ngoài.
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan rà soát, tập hợp ngành, nghề và điều kiện đầu tư theo quy định để công bố trên Cổng thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài
Các điều kiện đầu tư kinh doanh khi công bố được quy định rất rõ là phải đảm bảo đủ nội dung về căn cứ áp dụng, điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Đặc biệt, điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước được giải thích là điều kiện về tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế; điều kiện về hình thức đầu tư; điều kiện về phạm vi hoạt động đầu tư; điều kiện về đối tác Việt Nam tham gia thực hiện hoạt động đầu tư và các điều kiện khác theo quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định và các điều ước quốc tế về đầu tư.
Khánh An

Theo baodautu.vn