.



Theo Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, APEC có tầm quan trọng chiến lược cả về chính trị và kinh tế đối với Việt Nam. Trong danh sách 21 thành viên APEC, có tới 13 quốc gia là các đối tác chiến lược, toàn diện của Việt Nam. 13 trong số 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) của Việt Nam là từ các thành viên APEC. Các thành viên APEC cũng đóng góp 78% FDI, trên 70% kim ngạch thương mại và 70% lượng khách du lịch vào Việt Nam.
Đúng với tên gọi là hợp tác kinh tế, lãnh đạo 21 thành viên tham dự Diễn đàn đã có nhiều cuộc thảo luận, trao đổi sôi nổi với mục tiêu “Phát triển kinh tế bao trùm, xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn”.
Là thành viên tích cực trong APEC suốt 17 năm qua kể từ khi tham gia, đoàn Việt Nam tham dự APEC lần này đã tiếp tục đề xuất nhiều nội dung quan trọng liên quan đến liên kết kinh tế, phát triển nguồn nhân lực, an ninh lương thực, các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ...
Tham dự và phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC, trước 1.200 doanh nghiệp hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương tham gia Hội nghị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, với việc hoàn tất đàm phán 4 hiệp định thương mại tự do trong năm 2015, Việt Nam đang trở thành điểm kết nối quan trọng của các mạng sản xuất và chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu. Các doanh nghiệp tham gia Hội nghị đều đánh giá cao những kết quả tích cực của Việt Nam trong nỗ lực đổi mới sâu rộng, tái cơ cấu nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì tốc độ tăng trưởng.
Nằm trong chương trình nghị sự của Hội nghị lần này, 12 thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã nhóm họp và đưa ra Tuyên bố chung, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của 12 thành viên cùng nỗ lực thúc đẩy quá trình ký kết, phê chuẩn ở mỗi nước để sớm đưa TPP đi vào thực thi và hiện thực hóa các lợi ích chung mà TPP mang lại.
Các doanh nghiệp Hoa Kỳ tham gia hội đàm với Chủ tịch nước đã bày tỏ sự lạc quan về triển vọng phát triển mới của Việt Nam, tin tưởng rằng, TPP sẽ tạo ra khuôn khổ hợp tác mới, dài hạn và nhiều cơ hội kinh doanh và đầu tư hơn cho doanh nghiệp Hoa Kỳ và Việt Nam.
Cùng với đó, Hội nghị cũng là dịp để Việt Nam thắt chặt quan hệ với các đối tác kinh tế, thương mại và chiến lược hàng đầu của Việt Nam, trong đó có 7 đối tác chiến lược và 5 đối tác toàn diện.
Tiêu biểu nhất trong các hoạt động này là cuộc hội đàm và cùng chứng kiến lễ ký kết Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Philippines của Tổng thống nước chủ nhà, Benigno Aquino III và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Đây là bước tiến quan trọng trong quan hệ hai nước nhằm hiện thực hóa những cam kết từ trước đó, nhất là trong bối cảnh hai bên đang phấn đấu kim ngạch thương mại đạt 3 tỷ USD vào năm 2016 và Philippines là một trong những thị trường xuất khẩu gạo lớn của Việt Nam.
Bên lề Hội nghị Cấp cao APEC 23, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có các cuộc gặp với Tổng thống Peru, Thủ tướng Malaysia, Thủ tướng Singapore, Tổng thống Colombia, Thủ tướng Liên bang Nga và tiếp Trưởng Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) nhằm trao đổi các biện pháp thúc đẩy hợp tác song phương.
Tại cuộc gặp Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị Nga, với tư cách là hạt nhân trong Liên minh Kinh tế Á - Âu, thúc đẩy các thành viên khác sớm hoàn tất phê chuẩn để đưa FTA đi vào thực hiện.
Với những kết quả tốt đẹp có được từ chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 23, Việt Nam một lần nữa khẳng định và phát huy vai trò tích cực trong APEC và chủ động cho công tác chuẩn bị đăng cai APEC vào năm 2017.
Thanh Huyền

Theo baodautu.vn

Bài viết cùng chuyên mục: