Dự án QL10 đoạn tránh thị trấn Đông Hưng quy mô đường cấp III đồng bằng, 2 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ với bề nền 12m, mặt 11 m, tổng chiều dài 6,65 km (điểm đầu từ Ngã ba Đợi (Km69 + 279,31 – QL10) thuộc địa phận xã Đông Sơn và điểm cuối Km75 + 704 – QL10 thuộc địa phận xã Đông Các, huyện Đông Hưng, Thái Bình), tổng mức đầu tư trên 436 tỷ đồng.
Khởi công Quý IV năm 2015 và dự kiến hoàn thành Quí IV năm 2017, Dự án nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng cao, cải thiện điều kiện khai thác, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên QL10 qua thị trấn Đông Hưng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực, hoàn thiện quy hoạch và định hướng phát triển giao thông vận tải.






Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cùng lãnh đạo các Bộ, ngành, lãnh đạo tỉnh Thái Bình, Hải Phòng ấn nút động thổ Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường tránh thị trấn Đông Hưng



Công ty cổ phần Tasco hiện đang là Nhà đầu tư của Dự án cải tạo, nâng cấp QL10 (đoạn từ La Uyên đến cầu Tân Đệ) tiếp tục là nhà đầu tư xây dựng Dự án tuyến tránh Thị trấn Đông Hưng theo hình thức hợp đồng BOT.
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, để công trình hoàn thành đúng tiến độ bảo đảm chất lượng và phát huy hiệu quả toàn diện, yêu cầu Bộ giao thông vận tải chỉ đạo chủ đầu tư, các nhà thầu thi công, tư vấn tập trung mọi nguồn lực để triển khai thực hiện Dự án. Bộ giao thông vận tải phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và tỉnh Thái Bình giải quyết các khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, bảo đảm an ninh trật tự bảo đảm hoàn thành đúng mục tiêu của Dự án; đồng thời chỉ đạo các cơ quan quản lý dự án, các nhà thầu và tư vấn giám sát trong quá trình triển khai thi công cần chú ý công tác bảo đảm an toàn lao động, an toàn giao thông nơi dự án đi qua.
Tiếp sau lễ khởi công trên, tại thị Trấn Diêm Điền (huyện Thái Thụy) đã diễn ra nghi thức động thổ dự án đầu tư xây dựng cải tạo nâng cấp QL27 đoạn qua địa phận tỉnh Thái Bình và cầu sông Hóa.
QL37 có điểm đầu từ Cảng biển Diêm Điền (Thái Bình) đến điểm cuối là Cò Nòi (Sơn La), đi qua 8 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái, Sơn La, dài 485km, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, tại quyết định số 1327/QĐ-TTg ngày 24/8/2009. Tuyến hiện tại đoạn trên địa bàn tỉnh Thái Bình dài 10Km nối với Vĩnh Bảo (Hải Phòng) qua cầu Phao sông Hóa.
Dự án có tổng mức đầu tư là 904,786 tỷ đồng, trong đó xây dựng là 577,358 tỷ, bồi thường GPMB bước đầu tạm tính là 71,964 tỷ đồng. Nhà thầu xây lắp là Tổng công ty đầu tư xây dựng Quyết Tiến với giá trúng thầu là 534,614,920,000 đồng. Thời hạn thực hiện dự án 18 tháng.
Cũng tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: QL37 sau thời gian khai thác và sử dụng đã xuống cấp và không đáp ứng được yêu cầu vận tải hàng hóa và nhu cầu đi lại của người dân, đặc biệt việc giao thương giữa huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) và huyện Thái Thụy (Thái Bình) bị hạn chế nhiều do phải đi lại qua cầu phao sông Hóa. Việc triển khai dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 37 đoạn qua địa phận tỉnh Thái Bình và xây dựng cầu sông Hóa nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực đồng bằng Bắc bộ nói chung, tỉnh Thái Bình và thành phố Hải Phòng nói riêng, đảm bảo an toàn cho hanh khách và phương tiện, từng bước thực hiện Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam 2020, định hướng đến 2030 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Quý Hưng - Mạnh Tùng

Theo baodautu.vn

Bài viết cùng chuyên mục: