Để tận dùng nguồn lực trên, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cũng vừa kiến nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nghiên cứu thành lập Sàn giao dịch vàng quốc gia. Đây không phải là lần đầu tiên, Hiệp hội đưa ra đề xuất này. Trước đó, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Viện nghiên cứu của BIDV, cùng nhiều chuyên gia cũng có đề xuất tương tự.
Ngược dòng thời gian, trước đây, NHNN đã cho phép các ngân hàng được huy động và cho vay vàng. Hệ quả là nhiều nhà băng trở thành các “tay to”, chuyên lướt sóng trên thị trường vàng, khiến hệ thống ngân hàng và cả thị trường ngoại hối rơi vào tình trạng bất ổn. Chính vì vậy, bắt đầu từ năm 2011, NHNN chính thức dừng huy động và cho vay vàng, đồng thời siết chặt quản lý thị trường.


.


Kể từ đó, tâm lý đầu cơ vàng giảm hẳn, thị trường vàng bình ổn và thậm chí “nguội lạnh” trong vài năm trở lại đây.
Khi thị trường vàng ổn định, việc kéo vàng từ két của người dân để phục vụ cho sản xuất là phương án cần tính đến. Vấn đề này cũng đã được Chính phủ đặt ra khi liên tiếp trong hai năm 2014-2015, trong các nghị quyết ban hành đầu năm, Chính phủ đều giao NHNN nghiên cứu huy động vàng trong dân. Mặc dù vậy, NHNN vẫn chưa đưa ra được phương án nào khả thi, đồng thời cho rằng, đây chưa phải là thời điểm chín muồi để lập sàn giao dịch vàng quốc gia, do điều kiện cần và đủ chưa hoàn hảo.
Sự thận trọng của NHNN là dễ hiểu, bởi sẽ không đơn giản khi đụng vào túi vàng của người dân, nhất là khi tâm lý tích trữ vàng đã tồn tại hàng trăm năm nay. Tuy vậy, cũng phải thấy rằng, tâm lý tích trữ vàng trong dân đang giảm và sẽ giảm mạnh nếu NHNN có cơ chế phù hợp. Hơn thế, việc quá thận trọng khi đưa ra quyết định sẽ khiến nguồn lực 20 tỷ USD nằm “chết” trong dân thêm lãng phí, trong khi gánh nặng vay nợ nước ngoài của Chính phủ và doanh nghiệp ngày càng tăng lên.
Có lẽ, đã đến lúc NHNN cần nghiêm túc tính đến giải pháp huy động vàng trong dân, thông qua việc thành lập sàn giao dịch vàng quốc gia như đa số các nước trên thế giới đang thực hiện bởi những lý do sau.
Thứ nhất, lập sàn giao dịch quốc gia sẽ giúp huy động hiệu quả nguồn lực trong dân, loại bỏ sàn vàng chui, giảm tình trạng xuất, nhập lậu vàng qua biên giới, tăng nguồn thu cho ngân sách thông qua việc thu thuế, các doanh nghiệp có thể mua vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, thay vì nhập khẩu, góp phần tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước… Việc NHNN đứng ra huy động vàng trong dân cũng sẽ khả thi, bởi sẽ tạo được sự tin tưởng của người dân.
Thứ hai, kinh doanh vàng tài khoản không phải nằm trong danh mục cấm mà thuộc danh mục kinh doanh có điều kiện tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ. Vì vậy, thay vì cấm, NHNN cần nghiên cứu kinh nghiệm của các quốc gia khác để quản lý tốt hoạt động này.
Thứ ba, về phương thức huy động, NHNN có thể phát hành các chứng chỉ vàng ngắn, trung và dài hạn để gom vàng về. Với chứng chỉ vàng ngắn hạn, nên nghiên cứu áp dụng lãi suất 0% như áp dụng với huy động USD. Với chứng chỉ vàng trung, dài hạn, NHNN xem xét trả một khoản lãi suất nhỏ để khuyến khích người dân gửi vào “kho” của NHNN, đồng thời yêu cầu người gửi tiền không được rút trước hạn. Sau đó, có thể cho Bộ Tài chính dùng số vàng này làm tài sản thế chấp để vay ngoại tệ của các tổ chức tài chính nước ngoài, phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ tư, ban hành quy định cụ thể về việc sử dụng nguồn vàng huy động, đặc biệt là việc sử dụng nguồn vốn này phải được sự giám sát của Quốc hội.
Thứ năm, để tạo niềm tin cho người dân, NHNN phải đảm bảo để người dân rút vàng đúng kỳ hạn, đảm bảo chất lượng vàng theo đúng chứng chỉ đã giao.
Thứ sáu, cần ban hành quy trình chi tiết về quy trình huy động, cấp chứng chỉ vàng, thế chấp chứng chỉ vàng và hoàn trả lại vàng cho dân chúng.
Nếu đảm bảo người dân gửi và rút vàng dễ dàng, đảm bảo an toàn tuyệt đối, chắc chắn một lượng vàng lớn đang được chôn trong két sẽ vào kho của NHNN, giúp Chính phủ có thêm nguồn lực lớn phát triển kinh tế. Dĩ nhiên, để làm được điều này, NHNN phải đưa ra những chuẩn mực nhất định đối với vàng huy động, bởi chất lượng vàng trong dân hiện chưa theo quy chuẩn nào.
Việc huy động vàng, lập sàn vàng có thể dẫn đến lo ngại rằng, thị trường vàng bị “đốt nóng” trở lại. Tuy nhiên, lo lắng này là không có cơ sở, bởi mục đích chính khi huy động vàng trong dân không phải để bán ra thị trường, mà chủ yếu để khai thác một nguồn lực tài chính đang bị lãng phí nhằm phục vụ phát triển kinh tế. Tất nhiên, khi vàng trong dân chui vào kho của NHNN, thì thị trường có thể khan hiếm vàng hàng hóa, song NHNN có thể can thiệp, điều tiết ngay lập tức bởi đã trong tay một lượng vàng nhất định.
Hà Tâm

Theo baodautu.vn

Bài viết cùng chuyên mục: