Đích thân vị thứ trưởng sau đó thừa nhận rằng, đánh giá trên là chưa chuẩn, đồng thời giải thích mức phí đường bộ hiện ở mức bình quân thấp so với phương án hoàn vốn BOT mà các nhà đầu tư đề xuất. Song sự cố truyền thông này đã cho thấy những áp lực rất lớn liên quan tới việc hài hòa lợi ích giữa các bên tại các dự án xã hội hóa mà tân Bộ trưởng Bộ GTVT sẽ phải tháo gỡ trong nhiệm kỳ vừa mới được bắt đầu này.
Trên thực tế, không có chuyện mức phí đang được áp dụng tại hầu hết dự án BOT đường bộ tại Việt Nam là thấp nhất nếu không muốn nói là từ trung bình đến khá cao so với khu vực và thế giới, tùy theo quy mô, địa hình, chất lượng đường.


Đã đến lúc phải tổng rà soát, kiểm toán toàn bộ dự án giao thông BOT


Thống kê của Bộ Xây dựng công bố năm 2013 cho thấy, suất đầu tư cho một cây số đường cao tốc khu vực đồng bằng tại Việt Nam là khoảng 15 triệu USD, tương đương suất đầu tư tại Trung Quốc và chỉ rẻ hơn 1 chút so với suất đầu tư tại Hoa Kỳ.
Bên cạnh đó, việc phải nhập khẩu hầu hết nguyên vật liệu cơ bản, thiết bị, máy móc thi công; giải phóng mặt bằng tốn kém, kéo dài, cộng với chi phí lãi vay, lợi nhuận định mức của các nhà đầu tư đã khiến phí đường bộ BOT đang tiệm cận mặt bằng chung của thế giới và rất khó có thể kéo giảm, dù thu nhập của người dân Việt Nam chỉ ở mức trung bình thấp.
Đây là những vấn đề được thừa nhận trong thực tiễn đầu tư xây dựng cơ bản tại Việt Nam, chỉ có điều nó không được truyền thông đầy đủ, chính xác tới người dân, cũng như cộng đồng doanh nghiệp.
Việc thiếu chuẩn chung mang tính pháp quy cao hoặc không công khai thông tin, kết quả các cơ sở tính phí, nhất là kết quả thẩm định và kiểm toán độc lập, khách quan các số liệu trong dự toán, cũng như trên thực tế trước và sau khi dự án hoạt động dễ tạo kẽ hở cho sự tùy tiện, cho sự lạm dụng. Điều này còn làm nảy sinh những nghi ngại về độ chính xác, hợp lý của mức phí, của thời gian thu phí, đối tượng thu phí… đồng thời dẫn đến nguy cơ gây bất ổn và thiệt hại cho xã hội.
Chính vì vậy, cùng với việc tiếp tục có giải pháp kéo giảm chi phí đầu tư; công khai, minh bạch thông tin... đã đến lúc phải tổng rà soát, kiểm toán toàn bộ dự án giao thông BOT theo nguyên tắc: lợi ích thu được của đại đa số người tham gia giao thông phải lớn hơn chi phí bỏ ra. Đây là vấn đề cấp bách đặt ra cho ngành giao thông cũng như các cơ quan liên quan. Bất kỳ dự án nào đi ngược nguyên tắc này cần phải được thu hồi, xóa bỏ nhằm đảm bảo công bằng cho người sử dụng, tránh tạo ra những bất ổn trong xã hội.
Chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực giao thông - vận tải, trong đó có hình thức BOT là đúng đắn và cần thiết. Phần lớn dự án BOT được đầu tư trong những năm qua đã, đang khẳng định vai trò là động lực phát triển giao thông vì lợi ích quốc gia và cộng đồng xã hội. Tuy vậy, các dự án BOT giao thông chỉ có ý nghĩa thực sự và phát huy vai trò tối ưu khi bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên gồm Nhà nước, nhà đầu tư và người tham gia giao thông.
Thông điệp của tân Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải khi trả lời báo giới rằng, phải tiết kiệm từng đồng tiền thuế, phí của nhân dân, không đầu tư hạ tầng giao thông bằng mọi giá, có lẽ là lối ra cho bài toán khó giải này.
Anh Minh

Theo baodautu.vn

Bài viết cùng chuyên mục: