Ngày 27/4 tới, Lai Châu sẻ tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư lớn với sự có mặt của Thủ tướng Chính phủ. Chính quyền tỉnh Lai Châu đang nỗ lực xúc tiến đầu tư để phát triển kinh tế tỉnh, trong bối cảnh chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2015 cuả tỉnh này xếp thứ 61 trong tổng số 63 tỉnh, thành trên cả nước, theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố cuối tháng 3/2016.
Những nỗ lực này của Lai Châu là đáng ghi nhận nhưng việc tạo một sân chơi bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp, điều kiện then chốt trong xúc tiến đầu tư, cần được nhìn nhận nghiêm túc hơn ở Lai Châu.


Thủy điện Lai Châu. Ảnh minh họa


Lĩnh vực thủy điện là một ví dụ. Lai Châu là vùng trọng điểm của các dự án thủy điện nhằm bảo đảm nhu cầu điện năng của đất nước và thủy điện là mũi nhọn quan trọng nhất trong phát triển kinh tế của tỉnh. Tuy vậy, cơ hội đầu tư vào lĩnh vực này chưa được mở rộng một cách bình đẳng cho các doanh nghiệp.
Theo Quyết định 2254 của Bộ Công thương về việc phê duyệt “Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Lai Châu giai đoạn 2011-2015 có xét đến năm 2020”, trên địa bàn tỉnh Lai Châu sẽ có 62 dự án thủy điện lớn nhỏ, trong đó tổng công suất thiết kế được xác định là 682,31 MW.
Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu đã nỗ lực kêu gọi và xúc tiến đầu tư theo Quy hoạch đã được Bộ Công thương phê duyệt vào ngày 3/5/2012. Tập đoàn Hưng Hải được chấp thuận và cấp phép 17 trên tổng số 62 dự án được phê duyệt.
Điều đáng chú ý hơn cả là 17 dự án này đều là những dự án có công suất lớn, chiếm tới 75% tổng công suất 682,31 MW đã được Bộ Công thương thông qua.
Trong số 17 dự án được cấp phép với tổng công suất lên tới 512 MW, Tập đoàn này mới chỉ cho vận hành được một dự án Nậm Na 2, đang thi công 5 dự án khác. Việc chậm trễ này đã dẫn tới Quyết định 1066 ngày 25/9/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư 5 dự án đã phê duyệt cho Hưng Hải. Lý do thu hồi là các dự án này không được triển khai thực hiện, chậm tiến độ 12 tháng so với tiến độ đăng ký. Hưng Hải lý giải sự chậm trễ này do “nhà nước chậm đầu tư xây dựng hệ thống đường dây đấu nối”.
Hưng Hải Group là doanh nghiệp được thành lập trên mảnh đất Lai Châu và đã đóng góp vào sự phát triển của tỉnh. Nhưng việc dành phần lớn công suất cho chỉ một doanh nghiệp “chiến lược” đặt ra những câu hỏi lớn.
Thứ nhất, một doanh nghiệp duy nhất có đủ năng lực tài chính và kỹ thuật để thực thi một loạt các dự án lớn như vậy? Theo tìm hiểu của chúng tôi, cần ít nhất 30 tỷ đồng để sản xuất ra 1 MW. Với hơn 500 MW được cấp phép, doanh nghiệp cần khoảng 15.000 tỷ đồng, trong đó vốn tự có của doanh nghiêp phải đạt 30%, xấp xỉ 4.500 tỷ đồng. Một con số lớn như vậy, một doanh nghiệp tư nhân duy nhất có đủ năng lực tài chính để đáp ứng?
Thứ hai, việc xúc tiến đầu tư có ý nghĩa gì khi cơ hội không được mở rộng một cánh bình đẳng cho các doanh nghiệp khác, trong và ngoài địa bàn tỉnh? Khi đang nỗ lực thu hút mạnh hơn đầu tư tư nhân, đặc biệt vào các ngành mũi nhọn, Lai Châu cần xác định rằng bình đẳng cơ hội là điều kiện đầu tiên và tiên quyết.
Bình đẳng cơ hội không chỉ là chuyện của Lai Châu mà đang là rào cản đầu tư trên nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước. Tạo ra một sân chơi cạnh tranh lành mạnh và không phân biệt đối xử sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế Việt Nam tăng trưởng một cách mạnh mẽ và bền vững hơn.
Phúc Minh (Vietnamnet)

Theo baodautu.vn

Bài viết cùng chuyên mục: