<div id="newsimage">
<div>
<div>


TS. Nguyễn Thị Thu Trang: BLDS có khái niệm về “tài sản” gần giống khái niệm về “khoản đầu tư” như trong EVFTA. Ảnh: H.H.



</div>

</div>

Tại Hội thảo Rà soát pháp luật Việt Nam với các cam kết của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập cho biết, pháp luật Việt Nam chưa tương thích với cam kết của EVFTA về khái niệm “nhà đầu tư” ở cả hai chiều hẹp và rộng.
Ở chiều hẹp hơn với EVFTA, bà Trang phân tích, trong pháp luật Việt Nam, “nhà đầu tư” phải là chủ thể thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, nghĩa là đã thực hiện hoạt động đầu tư nhất định, ví dụ ít nhất đã đứng tên nộp hồ sơ đăng ký đầu tư. Trong khi đó, “nhà đầu tư” trong EVFTA không chỉ là chủ thể đang hoặc đã thực hiện việc đầu tư mà còn cả trường hợp “đang hướng tới việc đầu tư”.
“Nói cách khác, theo EVFTA, một chủ thể dù mới chỉ đang tập hợp vốn để đầu tư cũng đã được coi là nhà đầu tư và có các quyền và nghĩa vụ của một nhà đầu tư” – bà Trang cho biết.
Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam cũng rộng hơn EVFTA ở chỗ, nhà đầu tư trong EVFTA gắn với khoản đầu tư thuộc phạm vi điều chỉnh của EVFTA, trong khi theo pháp luật Việt Nam, nhà đầu tư không bị giới hạn ở phạm vi này.
Do đó, bà Trang cho rằng, cần đưa định nghĩa “nhà đầu tư” như trong Cam kết của EVFTA vào văn bản thực thi EVFTA về đầu tư của Việt Nam để có hướng thực thi EVFTA cụ thể hơn khi đi vào thực tiễn.
Ở một khía cạnh khác về đầu tư, báo cáo của Trung tâm WTO và Hội nhập cũng chỉ ra rằng, pháp luật Việt Nam không có định nghĩa về “khoản đầu tư” như trong EVFTA mà chỉ có khái niệm “vốn đầu tư”, “dự án đầu tư” và “đầu tư kinh doanh”.
Bộ Luật Dân sự Việt Nam có khái niệm về “tài sản” gần giống khái niệm về “khoản đầu tư” như trong EVFTA. Tuy nhiên, khái niệm về “tài sản” của Bộ Luật Dân sự không giới hạn ở các tiêu chí về tính chất và mục tiêu kinh doanh như khái niệm “khoản đầu tư” của EVTFA.
Nếu kết hợp các khái niệm “vốn đầu tư” ở Luật Đầu tư và “tài sản” ở Bộ Luật Dân sự với nhau thì pháp luật Việt Nam không mâu thuẫn gì với EVFTA về vấn đề này. Tuy nhiên, khái niệm “khoản đầu tư” trong EVFTA có ảnh hưởng trực tiếp với các nghĩa vụ của Việt Nam trong đối xử với các “khoản đầu tư” thuộc diện điều chỉnh của EVFTA. Vì vậy, việc không có thuật ngữ hoặc định nghĩa tương ứng sẽ khiến Việt Nam khó khăn trong việc xác định nghĩa vụ đối với các trường hợp cụ thể.
Do đó, theo đề xuất của Nhóm rà soát, cần đưa định nghĩa “khoản đầu tư” với các chi tiết như trong Cam kết EVFTA vào văn bản thực thi EVFTA về đầu tư của Việt Nam.

</div>
An Tư (HQ Online)

Theo baodautu.vn