Đây là ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về Đề cương dự án “Xây dựng Tuyến metro số 5 – giai đoạn I” do UBND TP.HCM làm chủ đầu tư.
Cụ thể, Bộ Kế hoạch và đầu tư cho rằng, tổng mức đầu tư Dự án sơ bộ sau khi điều chỉnh là 41.385 tỷ đồng, tăng 19.421 tỷ đồng (tương đương 46,93%). Suất đầu tư sơ bộ của Dự án sau khi điều chỉnh là 4.650 tỷ đồng/km (tương đương 214,82 triệu USD/km) là mức khá cao so với các dự án tương tự.






Hệ thống metro sẽ góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Lê Toàn



“Do vậy, UBND TP.HCM cần chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức rà soát, thẩm định kỹ các nội dung, lý do điều chỉnh và hiệu quả chung của Dự án”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khuyến nghị.
Điều đáng nói là, nội dung điều chỉnh Dự án là không lớn, khi không thay đổi phạm vi chiều dài tuyến mà thay đổi một số yếu tố có tính chất cục bộ như: tăng 0,87 km hầm, tăng thêm 1 nhà ga ngầm, bổ sung cửa chắn ke ga; tăng thêm 6 toa cho đoàn tàu trên tuyến.
Cần phải nói thêm rằng, đây không phải là “vết gợn” duy nhất trong Đề cương Dự án, dù đã qua khá nhiều lần chỉnh sửa trên cơ sở ý kiến đóng góp của các bộ, ngành.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Dự án xây dựng Tuyến metro số 5 – giai đoạn I có chiều dài 8,9 km (trong đó 7,458 km đi ngầm; 1,433 km trên cao) có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 41.607 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi rà soát, Bộ Kế hoạch và đầu tư nhận thấy, tổng các thành phần chi phí trong tổng mức đầu tư chỉ là 41.385 tỷ đồng. Việc “thừa” hơn 200 tỷ đồng chi phí có thể là lỗi số học, hoặc tính thừa hạng mục này sẽ khiến chủ đầu tư Dự án sẽ phải sớm căn chỉnh cho chính xác.
Bên cạnh đó, với việc để đội vốn khá cao, nên nếu đối chiếu với khoản 1, Điều 7, Luật Đầu tư công năm 2014, công trình Tuyến metro số 5 là Dự án quan trọng quốc gia, nên thuộc thẩm quyền của Quốc hội khi quyết định chủ trương đầu tư.
“Chủ đầu tư cần lập hồ sơ và hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo tiến hành các bước tiếp theo theo quy định hiện hành”, Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Đồng ý với chủ trương hợp vốn từ 4 nhà tài trợ là Chính phủ Tây Ban Nha, Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB), Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, đây là việc làm cần thiết sau khi phía Tây Ban Nha giảm cam kết tài trợ từ 500 triệu Euro xuống còn 275 triệu Euro.
“UBND TP.HCM cam kết bố trí đầy đủ và kịp thời vốn đối ứng từ nguồn Ngân sách thành phố”, ông Nguyễn Hữu Tín, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết.
Theo UBND TP.HCM, Tuyến metro số 5 (giai đoạn một) được thực hiện trong 8 năm (2015-2023 ), là tuyến metro bán vành khuyên, chạy bao quanh khu vực trung tâm kinh doanh thương mại của Thành phố, có vai trò kết nối và trung chuyển hành khách với các tuyến metro số 1, số 2, số 3a, số 3b, số 4; cho phép hành khách di chuyển nhanh và thuận tiện từ các khu vực ngoại ô vào trung tâm Thành phố. Việc kết nối trung chuyển với tuyến metro số 3a tại ga Đại học Y Dược sẽ được thực hiện trong giai đoạn II, còn tất cả các kết nối trung chuyển với các tuyến metro khác đều thực hiện trong giai đoạn I.
Tuyến metro số 5 (giai đoạn I) đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM; cùng với các tuyến metro số 1 và số 2 đang được triển khai, đánh dấu một bước tiến đáng kể trong việc phát triển văn minh đô thị, góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại Thành phố.
“Việc kết nối cả ba tuyến metro số 1, số 2 và số 5 (giai đoạn I) sẽ hỗ trợ cho quy hoạch giao thông đô thị trong việc giảm thiểu số lượng phương tiện cá nhân thông qua một mạng lưới giao thông công cộng hiệu quả, giảm ùn tắc giao thông và dòng xe hướng vào trung tâm, gia tăng hiệu quả hoạt động của tuyến metro số 1 và số 2 cũng như của toàn bộ hệ thống metro tại TP.HCM”, ông Tín đánh giá.
Anh Minh

Theo baodautu.vn

Bài viết cùng chuyên mục: